Không giống như bánh ú của người Hoa, nhưn bánh có thịt, trứng, đậu xanh, hành, mỡ; bánh ú quê mình toàn nếp, được nấu sau khi đã ngâm ủ trong nước tro. Gia đình bà Sáu có thâm niên gói loại bánh này sơ sơ khoảng... 40 năm.
Ảnh: Trần Cao Duyên
Bà Sáu kể, để có bánh ú tro bán cho khách, bà “điều động” rể, dâu, con, cháu đi khắp làng xin tro. Cái thời bếp điện, bếp gas lên ngôi, chẳng mấy nhà nấu bếp than, bếp củi nên xin tro muốn đỏ con mắt. Nhưng vì quý tay nghề của bà nên nhà nào cũng nhớ để dành, gọi là “hũ tro bà Sáu”. Ông Sáu cũng “đi tro”. Nghe bọn trẻ hát “tình ta như đống tro tàn”, ông đùa: “Sầu làm chi, đống tro chỗ nào chỉ cho bác, bác hốt hết”. Ông còn kể, thằng rể ông từng bị bỏng vì thấy tro mừng quá nên hốt ẩu. Phải chi nó thuộc câu thơ: “Có ai biết trong tro còn lửa” thì đâu đến nỗi...
Gói bánh ú đòi hỏi khéo tay. Cái bánh phải chuẩn từ hình khối lẫn góc cạnh: dáng dấp thon gọn, bốn đỉnh phải nhọn, sáu cạnh đều. Gói chặt tay để lá dong ràng rịt vào nhau ôm thật kín những hạt nếp bên trong. Chị Dương, con bà Sáu, “nghệ nhân” gói bánh, nói mùa bánh ú làm mười đầu ngón tay của tui rã rời, cầm cái gì rớt cái đó. Nhưng không sao, tui đếm tiền bán bánh ú mấy chục triệu cứ ngon ơ, không rớt đồng nào.
Tên bánh thật lạ. Là bánh ú mà dáng không đẫy đà chút nào. Mình thắc mắc thì ông Sáu nói thằng này hỏi ngu. Bộ mày không thấy con gái bà Xấu làng mình tên Xí mà đẹp não nề sao?
Hương vị bánh ú tro rất riêng. Mùi tro hơi nồng lẫn trong ngọt ngào hương nếp ngự. Cái bánh dẻo quánh, không còn thấy “cá thể” nếp đâu cả. Lá dong để lại trên da bánh chút xanh - nâu phơn phớt rất đẹp. “Đẹp” nhất là lúc ăn bánh với đường. Nếp thơm đồng làng, đường ngọt từ cây mía quê hương. Ăn bánh ú thấy vấn vương là vì thế...
Trần Cao Duyên