Đó là “phương ngữ” ẩm thực của bà con ngư dân vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) mỗi khi nói đến con bò bọ. Anh họ của mình từ Bảo Lộc về chơi thì cười cười: “Người ta nói có vần cho thuận miệng, nghe cũng thuận tai thôi chứ chắc hổng có gì ghê gớm”. Mình “tức” quá, đãi anh con bò bọ hấp ăn kèm rau răm, dĩ nhiên có muối ớt. Thịt bò bọ dai, chắc, ngọt, đượm mùi thơm đáy biển xa, quyện với rau răm nồng nàn và muối ớt cay xé lưỡi khiến anh vừa gật gù, vừa hít hà, vừa... “khóc”.
Hôm sau anh lò dò xuống bến ôm về hai con bò bọ, hối mình nhóm lò rồi lóc cóc ra chợ mua mấy bó rau răm, lại lạch cạch giã muối ớt, nói chừng đó ăn mới đã. Ăn tới con bò bọ thứ tư thì anh vỗ ngực nói tui đây “rau răm đã tỏ, bò bọ đã tường”. Trước khi về anh còn nhờ vợ mình kiếm mấy con làm quà cho người thân phố núi.
Ảnh: Trần Cao Duyên
Bò bọ cùng họ với tôm, chưn cẳng vạm vỡ, vỏ cứng màu xám đen, mình trùng trục nung núc những thịt, con nặng nhất có thể trên 2 kg. Nhiều ngư dân gọi bò bọ là “xe tăng lội nước” vì chúng sống dưới đáy biển sâu hàng trăm sải tay. Mùa này, mỗi mẻ lưới cào chỉ có thể tóm khoảng vài chục con là hên lắm. Ít vậy nên đã “lỡ nhớ” bò bọ thì canh cho đúng tầm tàu cập bến, lội ra mép nước mà mua. Nhưng chắc ăn nhứt là nhờ vợ con chủ tàu hoặc ngư dân mua giúp. Bò bọ rẻ hơn các loại tôm nhưng vì là của hiếm nên nhiều khi có tiền cũng lấy con mắt mà ngó thôi.
Ngoài biển, tranh thủ thời gian nghỉ giữa hai lần bủa lưới, ngư dân lựa những con bò bọ đang ngọ ngoạy cho vào nồi hấp ngay. Đĩa thịt bò bọ bao giờ cũng là “bãi đáp” của những đôi đũa trong suốt bữa cơm.
Mình có thằng bạn là ngư dân gộc nên vào mùa này thường “bấm nhỏ” nó kiếm bò bọ. Khi thì nhà mình, lúc thì nhà nó, vẫn là bò bọ nhưng bữa hấp bữa nướng cho lạ miệng. Mới hôm kia nó gọi cho mình, nói vọt lẹ tới nhà “ngoại trưởng” nghen. (Vợ nó đẻ một lèo bốn gái. Nó tự xưng hội trưởng hội ông ngoại. Nói tắt là ngoại trưởng). Mình biết ngay là có bò bọ. Vừa tới ngõ đã nghe vỏ bò bọ cháy sém thơm lừng. Con nó đứa thì rửa rau răm, đứa giã muối ớt rộn cả lên.
Bốn “mầm non” được chia phần hai con. Mình và “ngoại trưởng” bưng một con ra hiên. Xị rượu dần vơi. Hai “bò bọ thủ” đang rủ rỉ chuyện đời thì mấy “mầm non” đã ra ảng nước rửa tay. “Ngoại trưởng” quở bầy con ăn mau quá rồi nháy mình cười hề hề: “Ăn bò bọ khó lấy chồng. Tui nói câu này cả trăm lần mà tụi nó có nghe đâu”.
Trần Cao Duyên