Canh rau tàu bay


Rau tàu bay - Ảnh: Trần Cao Duyên
Không rõ từ khi nào rau tàu bay đã góp tên mình vào bộ sưu tập các loại canh trong ẩm thực Việt Nam. Đây là loại rau có hoa.

Vào những ngày nhiều gió, những bông hoa rời cành bay tản mác trong không trung. Hình ảnh này đã mang đến cho loài rau hoang dại cái tên “tàu bay”. Và cũng chính sự phát tán của phấn hoa mà rau tàu bay sinh sôi nảy nở khắp nơi. Từ núi cao, rừng sâu, đến đồng bằng, làng mạc... đâu đâu cũng thấy rau tàu bay cư ngụ. Thậm chí bên góc hè hay bờ giậu cũng thấy phơ phất những ngọn tàu bay. “Đông đúc” như vậy nên tàu bay là nguồn rau xanh vô tận cung cấp cho bộ đội, dân quân, thanh niên xung phong... những năm kháng chiến. Rau tàu bay có thể ăn sống, luộc, xào, nhưng thông dụng nhất là nấu canh.

Dọc đường hành quân, khi bếp dã chiến đỏ lửa, bộ đội tản ra một nhoáng là có ngay những bó rau tàu bay. Xắt từng đoạn ngắn như rau cải, thả vào ca nhôm nước đang sôi, lá tàu bay xanh như là... xanh riêng cho lính trẻ. Cho vào ít muối, “sang trọng” hơn nữa là vài thìa mắm ruốc hoặc mắm cô, rắc tí mì chính là có ngay một nồi canh ngon, tha hồ mà xì xụp. Nếu bắt được vài chú cá dưới suối thả vào thì nồi canh “ngon đến mức trên cả canh tàu bay, phải gọi là canh... phi thuyền mới đúng” - nhiều lính trẻ ngày ấy thường tếu táo như vậy. Cứ thế, những nồi canh tàu bay dọc đường Trường Sơn nắng lửa hay giữa đại ngàn mưa lũ đã trở thành món ăn ruột rà, thân thiết đối với người ra trận.

Ở vùng sâu vùng xa, bữa cơm của những gia đình nghèo ít khi thiếu vắng món rau tàu bay. Trưa tròn bóng hay chiều nhập nhoạng, khi cha rửa chưa xong vết bùn lấm đôi chân thì mẹ đã từ sau vườn đi vào bếp với mớ rau trong rổ. Bữa cơm thêm ngon miệng vì có rau tàu bay với hai món canh và món luộc nóng hổi.

Nhiều sinh viên giữa phố ngẩn ngơ nhớ những chiều lom khom dọc con mương hái rau tàu bay về cho chị nấu canh, nhớ cả vị ngòn ngọt pha lẫn hăng nồng của loại canh dân dã này.

Bây giờ, trên mâm cơm của những gia đình khá giả, món canh rau tàu bay đã được “nâng cấp”. Người nấu có thể cho vào nồi canh một trong những loại: tôm, thịt, cá, hàu, trứng tùy thích. Nhưng bát canh tàu bay “toàn quốc” của một thời gian khổ thì chẳng mấy ai quên.

Bài và ảnh: Trần Cao Duyên - Nguồn Thanh Niên

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046