Đó là món ăn đã xa tít mù tăm. Chiều nay về quê, đi qua cánh đồng làng, thấy lơ thơ mấy con cua đang bò bên mép ruộng. Hương vị nồi cua đồng kho với củ sắn (người Bắc gọi là củ đậu) ngày xưa ùa về. Tôi với thằng cháu xắn quần lội xuống ngay.
Cua đồng và củ sắn - Ảnh: Trần Cao Duyên
Mấy chục năm rồi mới được sục chân vào bùn, cúi mặt sát chân lúa để bắt những con cua màu tím than. Đã nhất là bị... cua cắn, nỗi đau dịu dàng giống như được người thân mắng yêu vậy.
Chị Hai nhìn túi cua rồi nhìn những vệt bùn trên người tôi, nói không ngờ “phố xá” như cậu mà cũng nhớ món cua đồng kho với củ sắn. Tôi giã cua bằng cái cối đá mẻ quai. Xưa mẹ thường nói cái cối này, tuổi của nó lớn hơn tuổi của chị em tôi cộng lại. Chị Hai từ sau vườn đi vào với một mớ củ sắn. Chị lột vỏ, rửa sạch rồi xén thành từng miếng cỡ quân cờ. Chị vừa làm vừa nói giữa một rừng món ngon thành thị mà cậu còn mê món này là “thủy chung” đó. Bọn trẻ bây giờ đi xa về thường bĩu môi với những món dân dã làng quê.
Chị cho cua đã giã nhuyễn vào bịch vải rồi treo ở góc hiên, lọc lấy tinh chất, bỏ xác. Chị bắc nồi nước cua lên bếp khuấy nhẹ. Một lát, nước cua đã đông lại thành từng mảng.
Ngồi bên cửa bếp nhìn chị loay hoay, trong tôi hiện lên những mùa đông xa lắc, lạnh tái tê, mưa giăng trắng trời. Hai chị em tôi mỗi đứa một áo tơi, xách cái đụt ra đồng bắt cua. Có lần ham cua lớn, tôi thọc tay vào hang sâu và rút ra một con rắn nước.
Chị trút củ sắn vào nồi riêu cua. Nhúm muối hột, ít bột ngọt và mấy lát ớt cũng được cho vào ngay sau đó. Chị nói phải nêm ngay rồi cho lửa riu riu để củ sắn thấm no nê chất riêu cua và gia vị. Chị không đậy vung vì sợ miếng sắn mềm rục và nước sẽ không thanh. Khi riêu cua bám quanh những miếng sắn vàng nâu, nước ở đáy nồi quánh lại, chị nhắc nồi xuống rồi múc ra tô đặt giữa mâm cơm.
Cắn miếng sắn, tôi nghe âm ấm chân răng, nghe ngòn ngọt thanh thanh xen lẫn tí chua mặn hăng nồng. Hình như đấy là hương đồng, là vị dìu dịu của cây trái vườn quê. Hay một cái là dù đã “hóa thân”, nhưng vị cua thì cứ chầm chậm “bò” trong từng miếng sắn, lắng trong từng miếng cơm khiến mùi thơm cứ mãi chùng chình.
Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì tại “hiện trường” không thấy cua đâu, nhưng người ăn vẫn nhận ra cái thơm ngon của cua trong cái ngọt giòn của miếng sắn. Đúng là “cặp đôi hoàn hảo”.
Bài và ảnh: Trần Cao Duyên - Nguồn Thanh Niên