Những tháng giáp tết, biển thường chênh chao, ngả màu đùng đục. “Chớn nước này là cá thóc rộ dữ lắm”, ngư dân Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) quê tôi thường nói vậy. Cứ khoảng xế chiều là thuyền về. Những giỏ cá nặng trịch được khiêng lên bến. Khá nhiều loại cá, mỗi loại cá có một màu riêng, nhưng màu hồng đỏ của cá thóc là “lấn lướt” hơn cả, không lẫn vào đâu được. Con nào con nấy mập mạp, bằng bàn tay người lớn, da đỏ ấm au.
Tôi có mấy lần ghé Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết... ăn cơm. Hỏi cá thóc nấu ngót, nhân viên quán lắc đầu. Nghĩ không ăn được cá quen thì ăn cá lạ cho biết, tôi chỉ đại “cá bã trầu” trong thực đơn. Không ngờ lát sau nhà bếp bưng lên tô canh cá... thóc thơm lừng. Thật bất ngờ. Hỏi ra mới hay cá thóc còn có tên là “cá bã trầu”.
Cá thóc hay cá bã trầu
Tôi còn nghe ở đâu đó gọi là “cá thao láo” rồi “cá trao tráo” nữa. Hai cái tên “tượng hình” này thì tôi hiểu: do mắt cá lồi ra, lại cứ mở thao láo (trao tráo) nên người ta gọi vậy. Nhưng có lẽ do cái âm “thóc” gần với “thóc lúa” nghe có vẻ hiền hiền nên tôi vẫn cho rằng cái tên cá thóc là gọn và hay hơn cả.
Làm cá thóc khá dễ, chỉ cắt vi, đuôi, móc bỏ mang ngoài là xong. Đừng có đụng đến lớp bì nhám và dày của cá, nó giữ chất ngọt của cá khi kho nấu đấy. Mà có muốn đụng cũng chả được vì nó dai lắm, hổng chừng “mẻ” dao như chơi.
Cá thóc nướng là món đệ nhất của giới “chiều chiều”. Khi da cá bắt lửa ngả sang màu vàng đượm là cá chín. Bóc bỏ lớp vỏ, thịt cá lồ lộ trắng nõn nà, săn cứng lại, dậy mùi thơm đến mức tay nhậu nào cũng muốn “động thủ” ngay. Chấm ít muối đã được giã giập với ớt xanh sẽ nghe miếng cá thóc dai dai, cay cay, mằn mặn quẩn quanh trên đầu lưỡi...
Làm biếng, muốn khỏi quạt lò với tro than lỉnh kỉnh thì thả cá vào chảo chiên. Chất lượng thịt cá không thua món nướng. Đưa cá ra đĩa, bóc vỏ và rưới chút mắm ớt tỏi lên, ăn với cơm nóng thì ý vị vô cùng.
Tuy nhiên, món được các bà nội trợ ưa chuộng nhất là cá thóc nấu ngót với cà chín hoặc giá đỗ. Cách làm món này đơn giản. Nước sôi, cho cá “tắm”, nêm nếm vừa miệng rồi thả một trong hai thứ cà hoặc giá vào trước khi tắt bếp. Nên điểm chút hành ngò, vừa để tạo hương, vừa để tạo cho nồi canh một chút xanh thẩm mỹ. Món này nước ngọt thanh, chan với cơm ăn rất “vào”. Miếng cá thóc trắng ngần chấm ít mắm ớt cho hương vị ngòn ngọt, thơm thơm, rất đậm đà.
Bài và ảnh: Trần Cao Duyên - Nguồn Thanh Niên