Có nhiều loại cá để làm gỏi, mùa nào thức ấy. Cá chuồn ở vào tháng giêng đến tháng năm, cá hố tháng bảy, cá rựa tháng mười. Các loại cá trên lạn mỏng, xắt từng lát nhỏ rồi trộng đều với gia vị, vắt lên đó chút chanh hoặc giấm, cá có mùi chín tái như vừa chín tới. Vài trái ớt, chuối chín, tỏi quết nhuyển khuấy đều với nước mắm là thành món chấm. Một rổ rau sống hầm bà lằng các loại, và vào miệng một miếng thiệt to, nhai ngồm ngàm, thế mới ngon, chất cay thêm nồng độ cho bữa nhậu. Đó là món gỏi cá thường thường bật trung, dân dã nên ít thấy được bày bán ở nhà hàng, quán nhậu. Mấy năm gần đây, quê tôi được bổ sung món nhậu vào loại cao thủ, hạng sang. Đó là món cá ngừ đại dương hay còn gọi là cá bò gù.
Trong sách “Nước Non Bình Định” cụ Quách Tấn dành hẳn một chương nhắm giới thiệu ẩm thực đất Bình Định, tôi trích ra câu ca:
“Chỉ điều se sáu đậu tư
Để anh câu đặng con cá ngừ biển đông.”
Câu ca trên chỉ sự khó khăn trong công việc đánh bắt loại hải sản cao cấp thời bấy giờ. Còn nay chỉ năm mười bửa nửa tháng gặp chuyến biển may mắn, bạn thuyền ta mang về đất liền vài ba tấn là chuyện thường. Ngày trước, loại cá này dân ta chỉ “chặt to kho mặn”nên ít người ưa, nay cá ngừ xuất khẩu, ta lại “nhập khẩu”cách ăn để bổ sung nguồn tươi sống cho dân thích nhậu. Ngoài các nguồn hàng tươi sống kể trên, ai có về sa huỳnh (Quảng Ngãi) hay Tam Quan (Bình Định) xin thưởng thức món đặc sản ven bờ: Cá đục, cá lao hoặc cá cơm trỏng.
Cá đục cá cơm trỏng to bằng ngón tay cái, dài mươi phân, cá lao nhỉnh hơn. Các loại cá trên loại bỏ xương đầu, xương sống lưng, ướp với độ lạnh cao xoăn cứng thịt. Khi ăn chỉ bày lên dĩa, cá có màu trắng đục, rắt lên đó màu vàng nhạt,màu của đậu phộng rang giã nhỏ, vắt thêm chút chanh gây cảm giác rất thèm ăn. Món chấm không cầu kỳ, chai tương, lọ xì dầu, mù tạc hay gừng. Tùy theo khẩu vị của mỗi người mà thêm mù tạc nhiều hay ít, nếu quá lố chỉ cười ra nước mắt, lúc đầu rất khó ăn nhưng sau lại đâm nghiện. Cải cay dể nguyên lá, xếp lên đó vài ba con, rồi rau răm, chuối chát ,vài ba lát khế, có khi thêm lớp bánh tráng mỏng. Ăn nhỏ nhẻ, từ tốn, nhấm nháp từng thớ thịt tê lạnh, thơm ngon nơi đầu lưỡi, dư vị cay nồng khó mà chê được, nó rất khác với cách”phàm ăn tục uống “như gỏi cá chuồn hay cá rựa. Nhớ đừng quên chai bầu đá, uống bia nặng bụng, mau no lại khó cảm hương vị thơm ngon của cá.
Sản phẩm nghề thủ công ở quê tôi, nghề kéo lưới rùng, nghề dựa vào nhiều sức người. Lúc trời yên biển lặng, từng lớp người lô nhô trên triền sóng kéo những con sóng ồm ập vổ bờ, mặt trời lên khỏi ngọn sào là xong một mẻ lưới. Người miệt biển vốn tính thảo lảo, nghề cần sức lao động hoặc ai đó ham vui, tò mò muốn phơi mình cùng gió cát thì tham gia kéo lưới, xong một mẻ thế nào bà con cũng tặng cho một mớ về nấu canh chua lá giang hay là bữa gỏi bù khú với bạn bè.
Tôi có người bạn, nghề của anh chỉ vỏn vẹn dăm ba tấm lưới, cái thúng bơi chuyên đánh bắt cá đục , cá lao. Ba bốn giờ sáng, một mình lặng lẽ ra đầu gành neo chờ giấc hừng đông. Theo kinh nghiệm của người đi biển là cần chọn thời gian, nếu qua điểm “G” không giăng bắt thì đố có con nào dính lưới. Khi tia nắng đầu tiên lan tràn khắp mặt biển, con đục con lao ẩn mình dưới lớp cát thì anh cũng vừa một buổi lao động. Ngày trước ghé thăm anh ít gặp bữa gỏi tại gia, còn bây giờ dù ít hay nhiều cũng được đông lạnh nên lúc nào cũng có món đặc sản tươi ngon, luôn có buổi chiều sương sương bên chén rượu thưởng thức món gỏi quê nhà.
Nguyễn Thanh Sơn (tạp chí kiến thức ngày nay)