Hồi nhỏ, trẻ làng thường chơi trò nấu cơm, gạo thật chứ không phải “gạo đất”, chỉ có điều cái nồi nhỏ xíu, cái lò tí tẹo như nắm tay. Cơm phải có rau, tụi mình ngắt đọt bí bò trên bờ rào, lúi húi xào xào nấu nấu dưới bóng tre xanh. Cái màu vàng bông bí giờ vẫn vàng trong ký ức. Chiều nay lan man thế nào lại nhớ món mực cơm xào đọt bí mẹ vẫn hay làm.
Theo ngư dân Quảng Ngãi quê mình, gọi là mực cơm vì đến mùa sinh sản, con nào con nấy bụng căng đầy trứng như những hạt cơm nhưng nhỏ hơn. Trứng mực còn ngon hơn cả mực bởi nó cho hương vị rất đặc trưng.
Ảnh: Trần Cao Duyên
Mua mực cơm khi ghe vừa châm vào bãi sẽ thấy da mực long lanh hàng trăm chấm tím chớp chớp dưới nắng hồng. Chậm hơn một chút thì phải đi chợ sớm mới có mà mua. Một đĩa mực cơm xào đọt bí chỉ mất 20.000 đồng (10.000 đồng cho 100 gr mực và 10.000 đồng cho 2 lọn đọt bí). Mới năm ngoái thôi, mẹ cứ tiếc hậm hụi khi nghe thằng cháu kể ở phố, vào nhà hàng gọi một đĩa đọt bí xào tỏi ăn không đã miệng mà bị “chém” tới 50.000 đồng. Mẹ nói bữa nào lễ lạt, tụi bây kéo nhau về đây mẹ cho ăn đọt bí xào mực cơm khi nào... ớn thì thôi.
Làm món này phải học hai chữ “dịu” và “nhẹ”. Phi dầu với tỏi rồi thả đọt bí vào trước, bông bí vào sau, nhẹ nhàng xáo đều để đọt và bông không bị giập. Nhỏ lửa, đậy nắp chảo vài phút cho cọng bí vừa chín tới mà vẫn giòn thì bắc chảo xuống. Mực cơm xào riêng, nêm nếm vừa ăn và cũng đảo thật dịu tay, vì chỉ cần hơi mạnh một chút, túi mực vỡ ra đen ngòm thì món ăn cũng... bể. Trút đọt bí vào chảo mực vừa xào, trộn thật dịu và nhẹ hai thứ vào nhau là xong.
Một đĩa mực cơm xào đọt bí được gọi là “chuẩn” khi bụng mực màu trắng tinh, căng tròn, lưng mực màu hồng tím. Đọt bí xanh tươi còn bông bí vẫn giữ nguyên sắc vàng như lúc đang rung rinh trên bờ rào.
Chấm một tí mắm tỏi, cắn đôi con mực, nghe một tiếng “bụp” khẽ khàng chỉ ai ăn nấy biết. Cơm mực thơm thơm, bùi bùi, túi mực tứa ra tràn trề vị ngọt và béo đến mức... thôi đừng nói nữa mà thèm. Thêm vào đó là cọng bí giòn giòn, bông bí mềm dịu, ngan ngát hương đồng nội.
Hình như mỗi món ăn là một nẻo về tuổi thơ gắn với hình bóng mẹ. Ngày ấy, nhìn con ăn, mẹ thường âu yếm nói đã có cơm trong nồi, lại bồi thêm cơm trong mực, vậy mà cơm nào cũng hết veo.
Trần Cao Duyên