(QNg) - Ðường về Châu Me, xã Phổ Châu (Đức Phổ) không xa lắm. Từ thành phố Quảng Ngãi xuôi hướng Nam chừng 60 cây số là đến Sa Huỳnh. Đi thêm năm cây số nữa rồi rẽ trái, những thửa ruộng xanh mướt nối nhau hai bên đường sẽ đưa bạn đến với bãi biển Châu Me.
Đó là một vịnh biển êm đềm, bãi cát hình vòng cung viền một dải bờ biển xanh trong. Những chiếc xuồng con nằm phơi mình dưới nắng xuân dìu dịu. Và ngoài kia là ngàn trùng sóng vỗ. Những đốm trắng lao xao ấy đã được một nhạc sĩ gọi bằng cái tên khá trữ tình: Hoa biển.
Bãi biển Châu Me. Ảnh: VĂN XUÂN
Anh Nguyễn Thạnh - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phổ Châu ví von rằng, Châu Me là "mỹ nhân" xứ biển. Ai mà không muốn ngắm người đẹp chứ. Mới trưa mùng một tết đã thấy nhiều nhóm khách chơi xuân, thưởng ngoạn dập dìu trên bãi. Không gian Châu Me là bản phối màu tuyệt đẹp của thiên nhiên: Thảm cát vàng, rừng dương xanh lục, biển xanh trong, trời xanh ngát, núi non dầm chân trong nước xanh đến mỡ màng. Bức tranh xuân sắc ấy đã hấp dẫn du khách từ Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định) ra, Đức Phổ, Quảng Ngãi vào. Dịch vụ hàng quán nêm kín chỗ. Từng nhóm năm sáu người trải bạt ven bờ dương làm "căn cứ" cho một ngày chơi tết. Riêng những đôi tình nhân thì xách dép, đi chân trần trên cát, đầu trần dưới nắng xuân. Họ chẳng cần ô dù, mũ nón. Đã có bóng mát tình yêu che cho họ. Cũng có những đôi trai gái ngồi dưới gốc dương trăm tuổi thì thầm chuyện trăm năm.
Một gia đình nhỏ bốn người lúi húi trải ni lông, bày đồ ăn thức uống ngay bên mé biển. Anh chồng nhờ tôi bấm mấy kiểu ảnh khi tôi đi ngang qua. Vợ chồng anh từ Úc về, đến bãi biển này để kỷ niệm 15 năm ngày ký... "hiệp ước" hạnh phúc. Chị nhìn hai đứa trẻ rồi nói, kết quả của tình yêu đấy, một "nếp" một "tẻ", đủ bộ nhé. Giờ thăm lại Châu Me là hai trái tim già, nhưng nhịp đập thì vẫn trẻ như ngày ấy. Ông xã tui gọi nơi này là bãi biển "valentine". Chị cười, rót rượu mời tôi: "Anh dân Phổ Châu phải hông? Mừng cho tụi tui nhé".
Từ bãi cát nhìn ra, có thể thấy hàng trăm chiếc áo khoác đủ màu ẩn hiện giữa gành đá nhấp nhô. Ngoài đó "pháo hoa" được biển bắn lên không ngớt. Đó là sự bùng vỡ của sóng va vào đá, tung bọt trắng lên cao. Những tảng đá xếp hờ lên nhau, vừa chênh vênh vừa vững chãi. Và lạ lùng chưa, từ những kẽ đá cằn khô chợt vươn ra mấy chùm hoa dại. Một ẩn dụ đa nghĩa của mùa xuân và sức sống?
Đi trên đá, "triết lý" cùng đá để có lúc "nửa này" tình tứ hát cho "nửa kia" nghe: "Hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi rồi". Hỏi vậy thôi chứ hai từ "xanh rêu" đã nói thật nhiều về tuổi đá. Những lứa đôi ngồi tựa lưng vào đá để cảm nhận cái tĩnh tại của đá, thầm gửi vào đá lời nguyện cầu bền vững cho tình yêu.
Châu Me không chỉ là nơi chơi tết hấp dẫn mà còn là nơi ăn tết với nhiều món hải sản tươi ngon. Thêm nữa, các chủ quán là những nông dân thuần phác, họ không thủ sẵn "dao lam" dưới cái phiếu tính tiền, chỉ kiếm chút lời để nuôi con ăn học. Vì giá cả nhẹ nhàng nên thực khách không hề cảm thấy "tim đập chân run" khi cầm phiếu thanh toán. Chủ - khách trao nhau cái nhìn hàm ý lần sau lại đến. "Ai lợi dụng lễ, tết để tính giá trên trời thì coi chừng chỗ đứng của mình dưới đất. Chỉ vài tuần là nhổ quán đi ngay. Người ta rỉ tai nhau: Quán này chém, quán kia chặt thì ai mà vào nữa", chị chủ quán tên Lệ nói. Có lẽ nhờ vậy mà ở Châu Me không có chuyện du khách ra về là "một đi không trở lại".
Như nhiều làng biển khác của tỉnh Quảng Ngãi, Châu Me cũng có tập tục "cấm biển" suốt hai ngày tết. Sáng mùng ba, vạn chài làm lễ xuất hành năm mới thì ngư dân mới được cho thuyền xuống nước. Vì vậy, các loại tôm cua cá mực… đều được "tập kết" sẵn trong kho lạnh từ những ngày giáp tết.
Ngồi dưới bóng dương với đĩa ghẹ luộc chấm muối tiêu chanh, nhấm nháp với chút bia thì vô cùng thú vị. Tôm hấp chấm mắm gừng cũng ngọt hết chê. Đĩa ốc hút cay xè, thơm nức mùi sả ớt, mặc sức mà hít hà. Món này thích hợp với phái đẹp vì càng ăn, đôi má các nàng càng ửng hồng, trông xuân lắm. Cua huỳnh đế nướng thơm lừng "đi" với chén muối ớt xanh thì ngon đến ngẩn ngơ. Cá ngừ đại dương với xì dầu, mù tạt, cải cay là món của giới mày râu. Cá này có cái tên gợi cho người thưởng thức thứ hương vị xa xăm của vùng biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc mình. Nồi cháo hàu thơm lá hành, lá hẹ cũng là món thường được chọn lựa để "chữa lửa" sau khi đã lai rai với khá nhiều bia rượu.
Nếu du khách đến với Châu Me vào ngày mùng ba tết sẽ cảm nhận đầy đủ sự tươi ngon tuyệt vời của hàng chục loại hải sản. Sau vài giờ nhúng mẻ lưới đầu năm xuống biển, những chiếc thuyền trở về, mỗi chiếc là hàng chục ký cá tôm. Du khách có thể xắn quần lội ra sát be thuyền, tận mắt nhìn những con cá hố, cá bớp, cá bạc má, cá mú… tươi ròng, còn ngời ánh bạc. Những con cua, nhất là cua huỳnh đế tươi roi rói, quẫy đạp rào rạo. Những con tôm bạc, tôm rằn uốn mình búng tanh tách. Bạn có thể mua hải sản tại thuyền với giá phải chăng rồi xách thẳng lên quán nhờ chủ làm món mình ưa thích. Họ sẽ vui vẻ giúp bạn. Chỉ một loáng là có ngay bữa tiệc hải sản ngon đến mức thưởng thức đầu năm, cuối năm... còn nhớ.
Trần Cao Duyên