Hóc Mó - Không gian tình yêu
Cái tên không mĩ miều, không quyến rũ. Nếu có ai đó rủ rê “ Về Hóc Mó”, có lẽ bạn sẽ không hề có ý tưởng chuẩn bị cho chuyến đi. Nhưng “trót” về nơi ấy một lần, trong giờ phút chia tay, ai cũng cảm thấy một ngày trôi qua sao mà nhanh thế. Nơi ấy chính là Hóc Mó (thuộc thôn Thạnh Đức 2)- một trong những thắng cảnh nổi tiếng của quần thể du lịch Sa Huỳnh, cách trung tâm xã Phổ Thạnh (Đức Phổ- Quảng Ngãi) khoảng 2 km đường chim bay về hướng đông- bắc.
Qua chiếc cầu Thạnh Đức vững chãi chạy ngang dòng sông trong vắt, tản bộ khoảng 15 phút trên con đường làng xanh mướt bóng tre, vượt qua một truông cát dài khoảng 200m nữa, một không gian thoáng đãng bất ngờ mở ra trước mắt bạn. Dải bờ biển hơn 3 km vẽ một đường cong đẹp tuyệt vời từ bắc xuống nam mà điểm dừng là gành Hóc Mó hoang sơ và thơ mộng. Từ “Hóc” được hiểu là cái “vịnh” nhỏ - mà biển ăn khá sâu vào bờ. “Mó” là hình ảnh gành đá nhô ra biển, nhìn từ xa rất giống cái đầu con cá mó
(còn gọi là cá nàng tiên hoặc cá hồng đào). Còn nhớ có một du khách từng hỏi cô gái địa phương rằng tên cá đẹp thế sao không gọi là “vịnh hồng đào” mà gọi là Hóc Mó? Cô gái trả lời bằng một câu hỏi: Bộ anh nghĩ cái tên Hóc Mó xấu lắm sao? Anh du khách cười méo xệch, mặt đỏ như…hoa dâm bụt lấp ló bên bờ rào nhà cô gái.
Đến Hóc Mó, bạn có thể thưởng thức cái cảm giác “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến khi buông câu bên gành đá hoang sơ. Và, mách nhỏ bạn điều này: đến Hóc Mó lúc mặt trời vừa ửng hồng, nhìn sang ngọn đồi bên cạnh, bạn sẽ thấy những đàn “con cháu Tề Thiên” rủ nhau đi ăn sáng. Thức ăn của chúng là những hạt chà là, những dây chùm chày còn đẫm sương đêm. Chúng kêu chí chóe vang cả một góc biển. Bản đồ du lịch Quảng Ngãi gọi ngọn đồi bên gành Hóc Mó là đảo khỉ.
Từ lâu, Hóc Mó là điểm cắm trại tuyệt vời cho học sinh các trường trong huyện vào dịp 26/3 hoặc 30/4, là nơi thăm thú nghỉ ngơi cuối tuần của nhiều gia đình ở thị trấn Đức Phổ, thành phố Quảng Ngãi và Tam Quan- Bình Định. Nhưng “thường trực” nhất vẫn là những nhóm bạn, những đôi bạn trong độ tuổi trăng tròn. Có thể nói rừng dương nơi đây là rừng già mà nét “nguyên sơ” của nó là lớp lá rụng trải đầy dưới những gốc to bè với bộ rễ xù xì lồi lõm như dáng thế của cây cảnh. Dưới tán lá thì thầm trong gió nhẹ xa khơi, trong rì rào thiết tha nhịp điệu biển xanh, trên thảm cát mịn màng tươi vàng như nắng đầu thu…có lẽ những cặp tình nhân kia không cần nói chi nhiều bởi không gian nơi đây được “thiết kế” bằng chất liệu của tình yêu. Càng “tình yêu” hơn khi bạn không hề bắt gặp ở đây những lều bạt nhếch nhác, những mua bán xô bồ, những mời chào, kỳ kèo, bám thắt lưng du khách như những nơi khác. Chính vì vậy, khi đến đây, bạn nên chuẩn bị những món ấm thực cần thiết, điều đặc biệt là nên có cây đàn ghi-ta nếu bạn muốn hát những lời tình yêu giữa trong xanh.
(Trần Cao Duyên)