Ngày tết Sa Huỳnh
Khoảng qua rằm tháng chạp là có lệ đi sửa sang mồ mả ông bà, quét vôi,
đồ bia,… để chuẩn bị đón năm mới. Bánh mứt, bánh nổ được làm dần đến
cuối tháng chạp. Bánh in, bánh thuẫn, bánh cốm, bánh ít cùng với mứt
dừa, mứt bí, mứt gừng, mứt khoai đủ loại, đủ màu sắc làm tươi đẹp thêm
cái tết quê nhà. Và không thể nào thiếu được bánh tráng và bánh tét.
Ngày tết, mỗi nhà chuẩn bị ít nhất vài ba ràng bánh tráng. Bởi bánh tráng để lâu không bị hư và có thể dễ dàng chế biến được nhiều món ăn đặc biệt là bánh cuốn. Với bánh tét, cái hương vị của ngày xuân đằm thắm không bao giờ bị nhạt phai. Mỗi nhà gói năm ba ký chỉ cần thịt mỡ với củ hành nhưng thêm vào đó là cả một tấm lòng hân hoan rộn rã. Gói bánh vào những ngày 27, 28, 29 nhưng thú vị nhất là đêm 30/12 ngồi canh nồi bánh đang sôi. Chiều ngày 30 mọi nhà đều phải lo đơm mâm ngũ quả lên bàn thờ bên cạnh bộ ngũ sáng bóng lộng lẫy, năm loại trái cây tượng trưng cho năm điều phước lộc. Hai bên bàn thờ thường có dựng 2 cây mía mưng, loại mía lóng dài và thẳng, để ông bà đã khuất khi về với con cháu có gậy mà chống đi (theo tín ngưỡng của người dân nơi đây). Dù nhà nghèo thì cũng phải lo bàn thờ ông bà tươm tất.
Trong dịp tết, khoảnh khắc thiêng liêng nhất là giờ phút giao thừa. Giữa cái thời khắc năm cũ qua đi và năm mới đang về khắp nơi rộn ràng tiếng pháo. Pháo tre, pháo tống, pháo chuột, pháo đại… thi nhau đua nổ, làm khói bay ngút trời. Ngày nay, không còn tiếng pháo nữa nhưng thay vào đó là mọi người đua nhau ra đường hái lộc đầu xuân và cũng để hưởng chút hương vị của thời khắc giao thừa.
Trước kia ngày tết Sa Huỳnh còn có ngày hội Trò. Xưa cứ 3 năm tổ chức 1 lần tại thôn Thạch Bi. Trong đám hội làng hát bội, hát bài chòi, múa lân, đua thuyền, đánh vật, đánh cờ, kéo co, bơi lội, múa đèn,…trong thời gian dài chiến tranh ác liệt, hội Trò không còn tổ chức. Một số trò chơi ngày nay có giảm bớt, những thế hệ mới lớn không được chứng kiến cảnh chen chân vào đám hội với muôn ngàn màu sắc, âm thanh vui nhộn tưng bừng.
Lễ hội lớn nhất trong dịp tết và vẫn được duy trì cho đến ngày nay, đó là "Lễ xuất hành". Hằng năm, ngư dân nghỉ đánh bắt cá từ trưa 30 tết đến hết mùng 2 tết. Sáng mùng 3 tết, bà con tổ chức lễ xuất hành cho các ghe tàu ra khỏi bến, chuẩn bị một năm đánh bắt cá mới. Từ 6 giờ sáng, ngư dân các thôn đã kéo đến dọc cửa biển để tiễn đoàn thuyền ra biển. Trên các thuyền được trang trí đẹp và trang nghiêm, các ngư dân lập bàn thờ cúng trời, biển. Khi các lễ ở dinh bà lăng ông đã xong, thuyền ông vạn trưởng được đi trước và các thuyền trong vạn nối đuôi nhau từ từ ra biển (tuỳ theo năm các vạn câu, vạn lưới,… thay nhau đi trước). Tiếng trống và tiếng pháo hoa hoà nhau rộn rã cho đến khi chiếc thuyền cuối cùng ra khơi. Có thuyền đánh cá ngay sáng đó về để cúng ông bà, có thuyền chỉ xuất hành lấy ngày rồi trở về. Ngày lễ này được người dân mong đợi và chào đón nồng nhiệt, được xem là một ngày thiêng liêng của ngư dân nói riêng và người Sa Huỳnh nói chung. Ngoài "Lễ xuất hành" còn có "lễ cúng cá Ông".