Văn học dân gian – các điệu hò

Màu sắc văn hoá Sa Huỳnh không chỉ thể hiện qua con người, phong tục tập quán mà còn thể hiện qua những điệu hò, câu hát dân gian chân chất đậm đà. Đó là hò cấy lúa, hò giã gạo, hò hố, hát ông chú, hát bài chòi, hát lô tô.

Hò cấy lúa, hò giã gạo: gắn liền với nghề nông chân lấm tay bùn. Từ bao đời cuộc sống lo toan vất vả gắn chặt với ruộng đồng, cây lúa trở thành người bạn đường thân thiết. Công việc có khó khăn cực nhọc nhưng khi cất tiếng hò hát, bao nỗi nhọc nhằn dường như tan biến.

"Anh thương em thì thưong cho chắc, thương cho chặt, thương cho bền
Đừng thương lỡ dỡ bắt đền uổng công
Dốc lòng trồng lúa bẻ bông
Ngó ra ngoài biển thấy ông đưa đò…"

Hò hố: là một loại hò trên sông nước. Những lúc trời im lặng gió, con thuyền lênh đênh trên biển, người đi thuyền vừa chèo vừa hò. Đôi lúc cả tập thể hò phụ hoạ. Điệu hò khoẻ khắn vang xa và mang âm hưởng của điệu hò mái nhì của Huế. Đôi khi có sử dụng những từ địa phương như răng, chừ, mô,… gọi là hò hố vì khi hò có đoạn đệm chữ hố. Trong giai điệu bình thường êm ả của câu hò, chữ hố bỗng vút cao đột ngột tạo nên cho cả điệu hò một sức bật nghe mênh mông bát ngát như trời biển bát ngát mênh mông:

"Còn Nam, còn nồm còn ơn còn ngãi
Đông trên Bắc rãi ơn ngãi (hố) xa rồi
(Ơ…) còn nồm còn ơn còn ngãi
Đông trên Bắc rãi ơn ngãi xa rồi
Kiếm chỗ mô (chừ)
(Hố) Kiếm chỗ mô (chừ) nương tựa để ông trời nắng mưa”

Hát ống chỉ: là một loại khá phổ biến ở đây. Những đêm trăng thanh gió mát, thanh niên nam nữ trong thôn thường rủ nhau đi hát. Địa điểm là những nơi yên tĩnh có cảnh đẹp. Lấy hai ống tre bịt giấy 2 đầu, nối với nhau bằng một sợi chỉ dài chia thành 2 tốp ngồi cách xa nhau mà hát. Bên hát bên nghe. những bài hát mời, hát đối, hát đáp, hát đố mang tình chất giao duyên. Có những bài gửi gắm niềm thương nổi nhớ hoặc thổ lộ tình cảm. Có những bài mang tính chất du hí vào những lúc gió mát trăng thanh. Thanh niên nam nữ thời trước rất thích loại hát này và có khi nhờ những dịp này mà họ thành vợ chồng:

"Đêm khuya gió mát trăng thanh
Dạ người Hàn Tín dao gành buông câu
Hỡi người son rỗi đứng đâu
Nói cho tôi biết (mà) tỏ câu ân tình
Hàn Tín nhiều lúc cơ hàn
Làm quan đại thể bản vàng đề danh”

Hát sắc bùa: được hát vào những ngày Tết, ngày hội, ngày lễhoặc mứng tư gia nhà mới. Đám hát sắc bùa thường đến hát để bày tỏ niềm vui, chúc tụng những điều tốt lành.

Đội hát gồm một hay nhiều người lớn làm cái (thường từ một đến 3 người) và có từ 6 – 8 em làm con. Cái xướng lên con phụ hoạ. Nhạc cụ gồm có trống "tùng dinh" kèn bầu, đàn cò, sênh, phách…mỗi lần hát cả đội đều mặc đồng phục, có khăn chít đầu, da lưng màu, càng nhiều màu sắc càng đẹp. Có thể hát không hoặc vừa hát vừa múa, múa tay không hoặc múa đèn, tập rất công phu. Bài hát sắc bùa dài hay ngắn tuỳ theo người soạn: câu bốn chữ và câu lục bát. Đề tài tuỳ theo tính chất của mỗi bài hát. Ngày nay hát sắc bùa vẫn còn ở Sa Huỳnh. Vào những dịp lễ lớn, đội thường di hát biểu diễn phục vụ và luôn được nhiều người tán thưởng.

Hát bài chòi: còn gọi là hô bài chòi, một loại hát đặc biệt ở vùng trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Bài hát là một loại thơ lục bát, đôi khi có biến thể. Mở đầu gần như là cách nói của cải lương Nam bộ, còn gọi là hô thai, sau đó vào nhịp.

(Hô thai): "Từ đất mẹ gót quân thù dày xéo
Lửa hờn căm từ khắp nẻo dâng trào
Giải phóng quê nhà lòng con vẫn ước ao
Nhìn đất mẹ máu tuôn trào thành sông biển
Mẹ ơi mười mấy năm trường đổi thay dâu biển
Máu lệ hoà chung với tiếng thét căm… thù
(Vào nhịp)
Quê ta một dãy Trường Sơn
Gió lùa cát ướt sóng vờn biển xanh
Ai gây nên cảnh chiến tranh
Con lìa xa mẹ chim đành xa con
Đây rồi quảng Ngãi của con
Núi hùng Thiên Bút vẫn còn pha nang
Chùa Thiên chuông vọng tiếng ngân
Sông Trà sóng nước trào dâng dạt dào
Ngọn cờ cách mạng dâng cao
Hơn mười năm ấy biết bao nhiêu tình…"

Ngoài những câu hát điệu hò dân giã, trữ tình, Sa Huỳnh còn nổi tiếng với kho tàng ca dao. Những câu ca dao của Sa Huỳnh mang đậm đặc điểm của miềng Trung núi non biển cả nhưng cũng thật bình dị và đầy chất trữ tình dễ thấm sâu vào lòng người. Những câu ca dao sử dụng từ địa phương mộc mạc và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của người Sa Huỳnh.

"Thuốc ngon Bình Định giấy quyến Sa Huỳnh
Nẫu xa mặc nẫu hai đứa mình đừng xa”

Nét địa phương (nẫu, mình) trong những câu hát ấy đã góp phần làm cho người ta thêm yêu quê hương, xứ sở - nơi mình sinh ra và lớn lên, có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được.
Ca dao ở đây cũng thường sử dụng những cặp sóng đôi để so sánh giữa người nam và người nữ. Chẳng hạn: Lan - Huệ, Bông - Bình, Phụng - Loan, Nhang - Lửa,…

"Con chim điểu nó biểu con chim Quỳnh
Biểu to biểu nhỏ biểu mình thương tôi
Cá sầu ai cá chẳng đập đuôi
Như Lan sầu Huệ như tôi sầu mình"
"Chẳng may duyên nợ về đâu
Phụng Loan chích cánh rồng chầu hai nơi
Thẳm tình tạ lắm ai ơi
Chim kêu thái thượng châu rơi hạ trần"

Và cũng giống như bao đời, tình yêu là nguồn đề tài bất tận. Ca dao nói về tình yêu của người Sa Huỳnh chiếm số lượng lớn được làm với thể loại lục bát hoặc song thất lục bát. Những câu ca dao đã nói lên được tình cảm cao quý, thắm thiết, mặn nồng của những đôi nam nữ. Đặc biệt là loại giao duyên câu thơ mang nét tươi vui trữ tình, trong sáng. Sau đây là lời thơ thể hiện tình yêu sôi nổi của người con trai:

"Anh thương em thương lụn, thương bại, thương dại, thương điên
Anh cầm một tiền anh nói rằng một quan"
Và tình yêu chân thành, đằm thắm của người con gái:
"Em thương anh vô giá quá chừng
Trèo non quên mệt ngậm nước gừng quên cay"

Tuy nhiên, không phải tình yêu nào cũng đẹp và thơ mộng mà có những tình yêu phải đau khổ ngậm ngùi vì sự trắc trở của những gia đình phong kiến. Từ thuở xa xưa, sợi dây phong kiến vô hình đã thắt chặt cuộc đời của người dân lam lũ, nó đã ngăn cách những tình yêu trong sáng của những lứa đôi chỉ vì sự giàu nghèo chênh lệch. Những câu ca dao ấy mang nặng một nỗi đau buồn u uất, những lời thở than tiếc thương, trách trời trách đất, trách ông tơ bà nguyệt xe duyên.

"Làn theo vực thẳm bãi lầy
Gá duyên chẳng đặng giận hoài ông tơ
Nhu hồ lá liễu đề thơ
Tình anh thương anh biết, dạ em chờ em hay
Cũng tại vì mình nổi tôi trôi
Thân ly hai ngã nước mắt tôi ướt đầm
Ghe lui khỏi bến còn dầm
Người thương đâu vắng chỗ nằm còn đây
Trăng lu vì bởi đám mây
Tôi với mình trắc trở vì dây tơ hồng"

Nếu như ở loại ca dao tình yêu mang tính chất trữ tình sâu lắng, mang những nỗi niềm tâm sự u buồn thì ở loại ca dao châm biếm, trào lộng toát lên vẻ khôi hài châm chọc, có lúc hàm ý phê phán gắt gao. Châm biến người đàn bà goá đi tái giá, châm biếm người con gái không biết quán xuyến công việc trong gia đình, những ông thầy bói toán, địa lý…

"Con gái bây giờ lớn mà chẳng biết lo
Ngủ đêm đến sáng dậy đo mặt trời
Quần áo thì rách tả tơi
Lấy rơm túm lại mỗi nơi mỗi đùm"

Hay như bài:

"Chồng bậu chết để lại cho bậu năm mười công cấy, sáu bảy đứa con
Bậu ăn bậu phá chẳng còn một công
Đến bây giờ bậu sanh sự có chồng
Con thì nẫu bắt ra ruộng ngoài đồng nậu tranh
Ngó lên mả chồng ngọn cỏ còn xanh
Bậu ăn bậu phá toanh hoanh cửa nhà
Cũng thì chồng chết như người ta
Người ta chồng chết cả nhà uy nghi
Bậu sao bậu chẳng biết suy
Bỏ bê con dại bậu đi theo chồng”

Qua những câu ca dao trên, ta hiểu được phần nào cuộc sống của người xưa thấy được những gian lao vất vả, những trở ngại trong cuộc đời, trong tình yêu đôi lứa. Để chúng ta trân trọng những vốn quý ấy với ý thức bảo tồn những truyền thống tốt đẹp lâu đời của cha ông đời trước.

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046