Từ lâu, chuyện thưởng tết đối với thầy cô giáo trở nên rất xa vời nếu không muốn nói là bóng chim tăm cá. Những ngày cuối tháng chạp này, gặp thầy cô ai cũng hỏi tết này được thưởng không? Có lương “tháng 13 chứ”? Sau cái lắc đầu và lời cảm ơn về sự quan tâm của người thân, thầy cô lại quay về với nỗi chạnh lòng.
“Sống bằng lương” vẫn đang là ước mơ của hàng triệu thầy cô. Đó cũng là mục tiêu của những nhà quản lý có tầm hoạch định chính sách cho ngành giáo dục. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, mục tiêu ấy vẫn còn treo lơ lửng. Trong dòng chảy riết róng của lạm phát, suy thoái kinh tế, vật giá leo thang, với mức lương bình quân 3,5 đến 4 triệu đồng /tháng, thầy cô chật vật nuôi cả nhà đã khó, nói gì đến chuyện ốm đau, lo cho con ăn học và bao nhiêu thứ khác.
Thu nhập thấp nên thầy cô phải tằn tiện, giật gấu vá vai, phải căng từng đồng lương ra từng ngày cho đủ tháng, tiêu chuẩn mỗi ngày chỉ bấy nhiêu, quyết không thâm lậm phần của ngày khác. Điều đó thật không dễ. Càng không dễ khi xuân về, nhà giáo cũng như bao nhiêu người khác, phải ăn tết, mà là ăn tết bằng tí tiền còm ấy. Thật là nan giải!
Nhà giáo ngẩn ngơ giữa chợ hoa, dẫu không dám mơ đến mai, đào mỗi chậu vài triệu thì cũng phải kiếm chậu cúc hay quất có giá khoảng vài trăm. Rồi quà tết cho các cụ hai bên nội ngoại, quần áo cho con, nồi thịt kho, lọ mứt, hoa quả chưng bàn thờ, chút bánh trái, rượu bia tiếp khách, tiền lì xì cho các cháu mỗi lần “an khang thịnh vượng”. Trăm dâu đổ đầu… lương. Mà lương thì “sắc tức thị không”, cứ như… mây bay gió thoảng. Những ngày chớm xuân, nhà giáo lại ngồi nhà, mơ về phố chợ với những gian hàng tết.
Hình ảnh những nhà giáo - kẻ sĩ tiền bối đạm bạc, thanh bần, “thu ăn măng trúc đông ăn giá” vẫn đẹp, nhưng là nét đẹp cổ điển của những ẩn sĩ bất phùng thời thế. Vẻ đẹp ấy có nên tồn tại và liệu có tồn tại được trong dòng chảy buốt xiết của đời sống? Nhà giáo bây giờ không ẩn dật, họ không muốn đánh tráo khái niệm giữa đạm bạc thanh bần với sơ sài nhếch nhác. Họ đang phục vụ sự nghiệp trồng người, đang sống giữa đời thường, đang mong muốn có một cái tết ấm áp và tương đối tươm tất nhưng không thể. Biết làm sao được? Lương vẫn “ổn định” ở mức thấp trong khi vật giá thì không ngừng tăng cao.
Để “cắt cơn” mặc cảm về một cái tết thiếu thốn, những nhà giáo lại phải sử dụng liều thuốc chờ đợi và hy vọng.
Trần Cao Duyên - Nguồn Thanh Niên