Gần một phần ba thế kỉ trôi qua rồi! Đó là quãng thời gian tôi cầm phấn đứng bục giảng.
Bây giờ, chưa được gọi là già lắm, nhưng cũng không còn trẻ gì nữa. Những kỉ niệm buồn vui, có cái nhớ cái quên, nhưng ba lần nhận quyết định thuyên chuyển công tác thì tôi không bao giờ quên.
Tôi không phải là dân gốc ở Phổ Thạnh, Sa Huỳnh mà nơi cha sinh mẹ đẻ lại là Phổ Cường, Đức Phổ. Ngày đó, thời còn đi xe đạp, cái xe đạp không nên thân, đi một chút là trật sên ( chain) . Tôi nhận được quyết định công tác ở vùng đất Phổ Thạnh – Sa Huỳnh. Thật tình mà nói, tôi không được vui lắm, vì phải đi xa nhà, với cái xe đạp như thế ! Cha mẹ nghèo như thế! Tôi lại là con trai lớn trong gia đình, cả một bầy em nhỏ… Làm sao yên tâm bỏ cha mẹ ra đi.
Thôi thì, chắc là nơi ấy bà con cần mình lắm, đi gieo cái chữ cho vùng đất mới cũng là sứ mệnh cao cả. Ngày đó ở Sa Huỳnh, bà con nhân dân cũng nghèo, đa số các em ít được học hành cho tử tế.
Trường PTCS ( hồi đó chung cả cấp I và cấp II được gọi chung là phổ thông cơ sở ) , nơi tôi đến, cơ sở chính chỉ có 7 – 8 phòng là được xây bằng gạch, trong đó phần lớn là của chế độ cũ để lại. Số còn lại ở các điểm lẻ là phòng được trát bằng đất sét, lợp tranh, ngoài ra còn tận dụng cả chùa chiền để làm phòng học ( bây giờ đã trả cho chùa Từ Phước và Từ Hải ) .
Nhà “công vụ ” của giáo viên, chính là nhà tập thể, cũng xây dựng bằng đất sét và tranh tre, cửa bằng tôn cũ ( tole ). Khu này cũng là khu của chế độ cũ để lại, nhân dân tận dụng làm nhà ở cho các thầy cô ở xa đến. Trời mưa thì ở trong nhà cũng như ở ngoài sân… Những ngày đầu khởi nghiệp của tôi là như vậy đó!
Tôi cũng cố gắng đem hết sức trẻ của mình ra để góp phần xây dựng quê hương Phổ Thạnh, giúp đỡ các em học sinh nghèo. Ngày ngày giúp các em vật lộn với các bài tập, các con số, những bài tập mà người ta cho là đơn giản thì ở đây là toán quá khó của các em.
Học sư phạm, ăn cơm tập thể, ở tập thể. Bây giờ đi dạy cũng ở tập thể, ăn cơm tập thể. Cứ thế, từng ngày, từng ngày…
Rồi ngày tháng trôi qua, đất nước đổi mới, quê hương Sa Huỳnh cũng đổi mới. Học sinh học tập tiến bộ hơn, các em đã biết tự học, tự nghiên cứu…. Học sinh Phổ Thạnh cũng có học sinh giỏi ngang tầm các địa phương khác. Nhiều em trở thành giám đốc, kĩ sư, bác sĩ… Có em là giáo viên về phục vụ quê nhà, có học trò là đồng nghiệp mình cũng thấy mừng mừng, phấn khởi trong lòng.
Nhà nước quan tâm, xây dựng trường học khang trang hơn, nước bạn hỗ trợ dự án ODA xây dựng phòng học bê tông kiên cố, chống bão lũ. Lúc này trường đã được tách thành 2 cấp: Tiểu học và Trung học cơ sở. Giáo dục Phổ Thạnh đã sang trang, các phòng học , khuôn viên đều khá đẹp.
Năm 2000, thời điểm đổi mới được 10 năm, tôi đã yêu thương và gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai. Sau một thời gian đạp xe cọc cạch, nay lại mua được chiếc xe máy bỏ bãi. Tuy cà tàng nhưng cũng hơn chiếc xe đạp trật sên ngày mới ra trường.
Bỗng dưng xã Phổ Thạnh được tách thành 2 xã : Phổ Thạnh và Phổ Châu. Tôi lại nhận được quyết định đi xây dựng quê hương Phổ Châu, xây dựng vùng đất mới. Một nơi hoàn toàn thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhân lực. Đặc biệt, Phổ Châu chưa có điện, chưa có đường bê tông, khó khăn trăm bề….
Tôi lại thấy lòng không vui, vì mình đã “ bén rễ xanh cây ” ở nơi quê hương Phổ Thạnh rồi. Đêm nằm suy nghĩ mông lung, rồi cũng thấy viễn cảnh tươi đẹp: chắc là nơi ấy bà con cần mình lắm cho nên lãnh đạo đã sáng suốt lựa chọn mình đi. Tôi còn tự hào như Tố Hữu: “ vui gì hơn làm người lính đi đầu – Chào xuân 67”. Thế là lại lên đường góp sức xây dựng vùng đất mới …
Nơi tôi đến, lần này là một đám ruộng bốn bề lúa và nước, ở giữa được xây dựng 8 phòng học. Không điện, không nước, không nhà công vụ, không nhà vệ sinh, không hàng rào, không cây xanh, không sân vui chơi…. Nói chung là rất nhiều cái “ không” . Giáo viên thì chỉ có 3 cô và 9 thầy. Mà chúng tôi thường gọi vui là trường “ 3 cô ”.
Tuy rằng trường học thiếu thốn đủ thứ nhưng tập thể anh em của chúng tôi rất đoàn kết và yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Đi vận động học sinh hay đi ăn giỗ đều kéo tất cả cùng đi. Tôi không thấy ai kêu ca, không ai phàn nàn điều gì. Mùa mưa, đường đi thì lầy lội, anh em xuống vận động các em đi học trở lại, xe bị tắt máy, phải dắt bộ là thường xuyên. Ở Phổ Châu, ngày đó học sinh bỏ học 8 – 10% là bình thường, năm nào cũng đứng “ nhất ” huyện.
Làm nghề dạy học ở Phổ Châu thì “dỗ” là chính, dỗ dành để các em chịu đi học là mừng rồi, chưa nói gì đến giỏi cấp này cấp nọ. Nếu “căng” một chút là các em bỏ học, đi biển ngay, không đi biển thì ở nhà chăn bò, chăn trâu giúp cha mẹ. Vì đa số các em còn nghèo lắm. Ông hiệu trưởng Nguyễn Chung phải cùng với chúng tôi đi “năn nỉ” các em học sinh ở Vĩnh Tuy tiếp tục đi học. Trong những lần ấy phải kể đến công của anh Cương là chủ tịch hội phụ huynh học sinh, đã “ chỉ điểm” từng nhà.Có em ở tận trong Chụt ( nơi xa nhất của Phổ Châu ). Hễ thấy bóng dáng của chúng tôi là các em biến mất… Thế mà anh em chúng tôi vẫn kiên trì, từng ngày như thế….
Một thời gian sau, các em cũng nhận biết được việc học là quan trọng, thích đến trường hơn, đã giảm bỏ học. Chuyên đề: “ Làm thế nào để học sinh Phổ Châu không bỏ học?” đã làm chúng tôi bớt đau đầu hơn.
Rồi Phổ Châu có điện, một sự kiện vô cùng quan trọng. Một thời gian sau, Phổ Châu lại có đường bê tông. Ai ai cũng mừng, cũng phấn khởi. Trong đó đội ngũ giáo viên chúng tôi là mừng nhất. Vì có đường, có điện thì học sinh sẽ thích đi học hơn, tỉ lệ bỏ học sẽ giảm đi.
Một tin vui nữa lại đến, trường THCS Phổ Châu được công nhận : “ Trường Chuẩn Quốc Gia” . Thầy và trò, nhân dân ai cũng tự hào, phấn khởi. Ngày đón nhận bằng danh hiệu : “ Trường Chuẩn Quốc Gia”, tôi cảm thấy vui sướng và cảm động vô cùng, vì trong đó cũng có một phần đóng góp nhỏ bé của mình.
Năm 2012, Phổ Châu đã bớt đi một phần khó khăn so với thời “8 lớp, 9 thầy, 3 cô” , nay lại được Đảng và Nhà nước quan tâm – Nghị định 116 ra đời, hỗ trợ một phần chi phí học tập cho học sinh và giáo viên vùng khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Lúc này thì học sinh đã hết bỏ học, bước đầu có học sinh giỏi các cấp, tuy còn khiêm tốn nhưng cũng có thể “ ăn nói ” với người ta…
Nhưng điều đó cũng thật oái oăm thay! Vì cái chế độ “ bãi ngang” mà lắm người để ý. Nhiều người rục rịch đòi về “ phụng sự quê hương !”, thậm chí có người không có liên quan gì đến Phổ Châu cũng đòi làm đơn xin về “góp sức”.
Và cái gì đến cũng phải đến, kết quả cũng có người về được Phổ Châu. Biên chế thừa, mà ai thừa thì phải ra đi. Cấp trên phán xuống: “đồng chí phải ra đi!”. Tôi lặng người! Mình phải đi nữa sao? Không phải ai khác, mà là mình sao? Ngày nhận quyết định ra đi, lòng buồn không thể tả.
Tôi ra đi, thấy tiếc vì cảm thấy bị xúc phạm nhiều hơn là mất hưởng quyền lợi . Mấy đêm liền không ngủ và tự hỏi:” có phải mình đã sai, mình dạy dỗ học sinh không tiến bộ, mất lòng nhân dân? thiếu thân thiện với đồng nghiệp? Hay vì điều gì khác? ”.
Ngày tôi ra đi, học sinh khóc nhiều lắm, anh em giáo viên ai cũng bùi ngùi cảm động nói không nên lời, có người thì mắt đỏ hoe.Mỗi người động viên vài câu, chia sẻ vài lời…. Thấy mọi người thương yêu mình như vậy. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, thế ra trên đời này còn có nhiều người yêu thương và quí trọng mình. Số người thực dụng cũng có nhưng có lẽ không nhiều lắm.
Thôi thì âu cũng là số phận! Tản mạn vài dòng tâm sự tất niên. Cuộc đời ở phía trước còn dài lắm. Còn có học sinh, còn có những người yêu thương mình, phải kiên cường lên thôi!
Nguyễn Trí Dũng