Bám trụ trên Đồng "mây bay"

Đồng Vân còn gọi là Đồng “mây bay” bởi thôn nằm trên cao, mùa đông mây phủ tứ bề. Sau chiến tranh đất này trơ trụi vì bom pháo và chất độc hóa học. Nhiều hộ dân thấy khó làm ăn đã lặng lẽ  “hạ sơn” xuống Sa Huỳnh dựng chòi làm thuê kiếm sống. Nhưng 22 cựu chiến binh của thôn đã  bám trụ trên đất này và bỏ nhiều công sức xây dựng quê hương.

Con đường từ Quốc lộ 1, đoạn thôn Thạch Bi lên Đồng “mây bay”, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) quanh co, hết dốc lại dốc. Chiếc xe tải như con ngựa bất kham cứ nhảy chồm chồm. Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hải, một tay bấu vào thành xe, còn tay kia chỉ dọc quanh đồi: “Thôn nằm trên cao quá. Cách đây 5 năm mới có điện về. Để trồng được những rừng cây bạt ngàn có dễ dàng đâu”.
 
Sáng kiến... “người bao phân”

Những năm sau chiến tranh, khi nhiều người bỏ làng “hạ sơn”, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hải cũng đã nhiều đêm thức trắng. Ông nghĩ: Trong chiến tranh mong một ngày hòa bình về lại quê hương. Giờ hòa bình rồi vì nghèo khó mà bỏ quê sao đành? Vả lại, bỏ quê thì mộ phần của tổ tiên gửi lại cho ai?  Suy nghĩ chán ông đi đến quyết định ở lại Đồng “mây bay”.


Hợp tác kiểu cựu chiến binh ở Đồng “mây bay”.

Ở lại là đối diện với cảnh đói nghèo nên ông xuống một lò rèn ở thôn Thạch Bi để rèn cuốc vố, rựa, xà beng. Những ngày sau đó, ông trần lưng vỡ đất hoang trồng lúa, trồng mì. Rồi mùa mưa đến, Đồng “mây bay” hội tụ mây ngàn nên trời như thấp xuống. Rồi gió, mưa ào ạt. Cánh thanh niên trai tráng đi rừng sau mấy hôm áo quần ướt đẫm, người cũng sụt sùi. Ông Hải chịu không thấu cũng ngã bệnh đành nằm nhà mấy hôm...

Nghe vợ con than phiền lúa vụ ba của mình quá xấu, ông bảo vợ bán heo lấy tiền rồi mượn xe đạp xuống đường quốc lộ mua bao phân hóa học loại 50kg đem về bón ruộng. Trên đường đi, bất ngờ cơn mưa trút xuống người ông sũng nước mưa nhưng bao phân chỉ ướt lớp bao ngoài. Vuốt nước mưa trên khuôn mặt, ông bật cười một mình vì một ý nghĩ  đã lóe lên.

Trở về nhà, sau khi tháo chỉ trên đầu bao (có hai lớp, lớp trong là tấm ni lông) lấy phân bón ruộng, ông lấy bao phân rửa sạch rồi dựng ngược, khoét thành ba lỗ. Lỗ chính giữa để đầu chui qua, còn hai bên thì xỏ hai tay vào. Chiếc áo mưa tận dụng của ông Hải chẳng cần tiếp thị chỉ mấy hôm đã lan ra cả làng, nhất là cánh cựu binh đi rừng. Cũng từ đó, trên đồi hoang, đường đến trường đâu đâu cũng thấy... người bao phân. Người lớn thì để nguyên bao, mặc vào dài đến ngang đầu gối, trẻ em thì cắt lên may lại cho vừa.

Gánh cây về... rừng

Nhưng con đường thoát nghèo trên Đồng “mây bay” còn xa lắm. Những “sáng kiến” từ cuộc sống không đủ để làm nên sự đổi thay. Cựu binh Nguyễn Tấn Phùng, bộ đội chiến trường K, kể: Năm 1981, tui phục viên trở về quê. Xe đi ngang Phú Yên đỗ lại. Tui nhìn thấy những luống cây xanh ươm trong túi bầu. Hỏi thăm bà con bảo, đó là cây bạch đàn trồng để lấy gỗ. Khi về quê, kiếm một cây rừng để làm nhà tạm mà đi hoài chẳng có nên nhớ chuyện ươm cây. Rồi sau đó, nghe nói vùng Hoài Nhơn (tiếp giáp với Quảng Ngãi) có người gieo ươm loại cây này nên tui lẳng lặng quảy gánh vào mua. “Hồi đó, giá 100 cây giống ươm trong bì là 25 đồng. Tui mua 750 cây rồi  gánh về làng”.

Anh em cựu chiến binh xem cây rồi bật cười, bảo: “Đất này không còn rừng do bom pháo, rồi thời gian cây cũng lên xanh chứ ai đời chở cây lấy gỗ về rừng”. Ông Phùng sau một hồi giải thích mà chẳng ai nghe, nên anh lên đồi đào hố trồng cây và trở thành người tiên phong trồng cây gỗ trên đất này. Sau vài năm trồng cây lớn và khá thẳng. Lúc này nhiều cựu chiến binh cũng quang gánh vào Hoài Nhơn mua cây giống về trồng.

Nhưng trồng rừng phải mất 10 năm mới đốn chặt để lấy gỗ, trong khi đó cái ăn thúc bách. Các cựu binh lại trồng mì, trồng chuối mốc. Cựu chiến binh Lê Văn Xuân nói: “Ông có tin không, tui trồng đến 10ha chuối, đủ bán quanh năm suốt tháng luôn. Nhưng trồng thì dễ mà bán thì khó, bởi đất này đường xa, ai mà lên mua nên vợ chồng lại gồng gánh “hạ sơn” để bán chuối. Chỉ bán chuối già cho người mua đem rú cho chín bán dần, chứ đường xa, chờ chuối chín gánh xuống tới nơi chuối hư hết”. Thấy chuối dễ trồng nhưng khó bán nên ông thu hẹp dần và góp tiền mua bò về nuôi. Thế là cái mô hình vườn rừng, vườn đồi kết hợp với trồng lúa, chăn nuôi bò hình thành từ đó. Nhưng làm như thế cũng chỉ đắp đổi, nên cuộc sống vẫn cứ khó khăn.

Hợp tác kiểu... cựu binh

Những năm 2000, khi chương trình trồng keo nguyên liệu bán cho các nhà máy ở Khu Kinh tế Dung Quất, vùng Đồng “mây bay” bắt đầu xuất hiện việc xâm canh đất để trồng rừng. Cánh cựu binh trong thôn lại họp rồi phân công nhau. Người ra TP.Quảng Ngãi, tìm đến Sở Nông nghiệp để hỏi về kỹ thuật trồng rừng. Người vào Bình Định, lên Lâm trường Ba Tơ hỏi mua cây giống rồi trở về bàn cách trồng rừng.


Cựu chiến binh Dương Văn Quảng người đi đầu trong phong trào thi đua ở Đồng “mây bay”.

Đi cùng cựu chiến binh Nguyễn Chớ lên đồi, nhìn rừng cây xanh tốt hút tầm mắt, ông nói: “Rừng trồng bạt ngàn như thế nhưng anh em cựu chiến binh có mất tiền thuê mướn ai đâu. Sau cái đận phân công nhau đi học hỏi về, anh em còn tự ươm giống. Rồi chẳng ai bảo ai, anh em tập hợp thành tiểu đội. Hôm nay tập trung trồng cho đồi của anh này, ngày mai trồng trên đồi của anh khác”. Và cứ thế, cứ thế, hết vụ này đến vụ khác, hết năm này đến năm rừng cũng lên xanh. Bây giờ trong số cựu chiến binh người ít nhất cũng có 10ha, trung bình là 20ha, cá biệt có người có đến 30ha rừng keo nguyên liệu. Cây gỗ keo trồng từ 5-7 năm là thu hoạch, trừ chi phí mỗi hecta cũng kiếm được 50 triệu đồng. Qua vài chu kỳ trồng rừng, nhiều hộ có bạc tỷ không có gì là khó hiểu.

Đất Đồng “mây bay” giờ đã đổi thay thật nhiều, nhờ mồ hôi công sức của những người “bám trụ” và chút tình đồng đội sau chiến tranh càng thêm bền chặt. Cựu chiến binh Lê Văn Xuân bồi hồi nhớ lại: “Năm 1997, mình làm nhà. Trước khi đào móng có bày mâm rượu để “báo cáo” anh em. Rồi hôm sau, anh em đồng đội lại phân công nhau, người xuống Thạch Bi gánh từng gánh gạch, người đào đất đắp nền nhà. Cũng lâu rồi, ở  Đồng “ mây bay” anh em  cựu binh nào nhà có đám cưới, hay giỗ chạp thì nào có vắng mặt anh em”.

Bây giờ, nhiều cựu chiến binh ở  Đồng “mây bay” trở nên giàu có. Họ xây dựng nhà cửa khang trang, cho con “hạ sơn” xuống thị trấn Đức Phổ học hành, rồi mua đất làm nhà cho con ở. Tuy vậy, cũng như ngày trước, không có ai trong số các cựu chiến binh rời khỏi Đồng “mây bay”. Bởi ở đó, không chỉ là quê hương mà còn là tình cảm anh em đồng đội. Cựu chiến binh Dương Văn Quảng có đến 30ha rừng  hồ hởi nói:  Ngày xưa đã “bám trụ” với đất này. Giờ vẫn tiếp tục “bám trụ”. Có điều cuộc sống khá dần lên mình cũng phải thay đổi cách làm ăn. Nghe anh em gợi ý, mình sắm 2 máy đào và mua một xe tải nhỏ để vận chuyển cây gỗ keo, san ủi nền nhà, đào hố trồng rừng. Anh em nào có tiền thì trả ngay, không thì chờ thu hoạch cây bán lấy tiền mới trả. chứ nào có mất đi đâu”.

Bài, ảnh: CẨM THƯ
Nguồn: Báo Quảng Ngãi

 

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046