"Bới đầm" tìm nguồn sống
Với diện tích trên 200ha, đầm Nước Mặn ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là nơi neo đậu tàu thuyền và lưu dẫn nước mặn cho đồng muối Sa Huỳnh, song đây cũng là nơi mưu sinh của những người hành nghề “săn” các loại ốc và trùn biển mỗi khi thủy triều xuống. Dù cuộc mưu sinh còn nhiểu vất vả, nhưng ở họ vẫn cháy lên những khát vọng ngày mai.
Thủy triều xuống thấp để lại những trảng cát đen trải dài mênh mông, cũng là lúc hàng chục phụ nữ
ven đầm Nước Mặn tất bật mang đồ nghề ra đầm miệt mài đãi cát để mưu sinh.
Dưới cái nắng oi ả, theo con nước rút, từng tốp phụ nữ thi nhau cào xới, lật tung đất cát, nhặt nhạnh
từng con ngao, con ốc… do nước triều kéo lên. Tất cả như hối hả, chạy đua với thời gian lên xuống của thủy triều.
Nghề bắt ốc trên đầm Nước Mặn phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều.
Mỗi tháng có 2 con nước là giữa tháng và cuối tháng (âm lịch).
Tùy theo từng loại ốc mà giá thành cao thấp khác nhau. Bình quân một ký ốc có giá từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng.
Theo những người “săn” ốc ở đây, ngày trước các loại ốc còn nhiều, một người, một buổi có bắt được khoảng 5-6kg
các loại là chuyện bình thường. Tuy nhiên, giờ đây để đào được đôi ký ốc những người làm nghề này có lúc đi cả ngày.
Không chỉ người lớn, công việc bắt ốc cũng đã trở thành quen thuộc với trẻ thơ ở đây.
Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, các em nhỏ ra đầm bắt ốc, bên cạnh phục vụ bữa ăn trong gia đình,
cũng có không ít em nhỏ bắt ốc đem ra chợ bán kiếm tiền mua sách vở, nuôi ước mơ đến trường.
Ngoài công việc bắt ốc, khi thủy triều xuống, cũng là lúc những người hành nghề đào trùn biển mang cuốc, xô…
ra đầm để đào trùn mưu sinh.
Bảo Ngọc - Báo Quảng Ngãi