Để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản vùng cửa biển Sa Huỳnh, năm 2000, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt dự án thông cửa biển và xây dựng cảng cá. Đến tháng 9.2009, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm các hạng mục như: kè dọc luồng, đê chắn cát, luồng vào dài gần 2 km, rộng 30m, sâu 4m, vũng quay tàu, bến cá... với tổng vốn đầu tư là 30 tỉ đồng.
Ngư dân Sa Huỳnh ai cũng vui mừng vì luồng sâu, rộng, tàu thuyền ra sẽ vào cửa an toàn, có bến cá thuận lợi cho việc buôn bán, tiếp nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ cho việc đánh bắt. Vì thế nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư bạc tỉ cải hoán nâng công suất, đóng mới tàu có công suất từ 90 CV trở lên. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cửa biển Sa Huỳnh bị bồi lấp mỗi năm một nghiêm trọng hơn, trở thành cửa “bẫy” khiến nhiều tàu cá bị chìm mỗi khi ra vào cửa.
Tàu cá không dám vào
Theo Đồn biên phòng 304 Sa Huỳnh (Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi), từ năm 2002, khi có bờ kè đến nay đã có 31 tàu cá bị chìm trong khi ra vào cửa biển, gây thiệt hại của ngư dân hơn 20 tỉ đồng.
Ngư dân Lê Văn Chương, chủ tàu cá QNg-98521TS, công suất 110 CV bị chìm vào giữa tháng 1.2011, bức xúc: “Chỉ sơ sẩy một chút mà gia đình tôi thiệt hại hơn 600 triệu đồng. Bây giờ nhiều tàu cá ở đây chẳng dám ra vào cửa nữa mà phải chạy vào các cửa biển khác”.
Theo ông Nguyễn Duy Trinh - Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cửa biển Sa Huỳnh mỗi ngày càng bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu có công suất trên 90 CV không thể ra vào được, kể cả lúc triều cường nên phải cập vào cảng các tỉnh khác để tiêu thụ sản phẩm và tiếp nguyên, nhiên liệu. Thời điểm này thời tiết khá thuận lợi cho việc đánh bắt nhưng nhiều tàu có công suất từ 33-45 CV sau khi đã lấy nhiên liệu, đá lạnh đành phải nằm bờ chờ nhiều ngày, đợi đến thời điểm triều cao nhất hoặc thuê tàu khác đến kéo mới có thể ra khơi.
Ông Trinh nhẩm tính, hàng trăm tàu cá xa bờ không về cửa Sa Huỳnh, lượng hải sản giảm đi hơn 70%, trong khi tàu công suất nhỏ chỉ lẹt đẹt vài chiếc “liều” ra khơi nên bến cá vắng hoe. Hệ lụy kéo theo là gần 30 cơ sở hoạt động dịch vụ nghề cá như: xăng dầu, đá lạnh, cơ khí, chế biến thủy sản chỉ hoạt động cầm chừng, có nơi phải đóng cửa, dẹp tiệm. Hơn 2.000 lao động, chủ yếu là phụ nữ “ngồi chơi, xơi nước”, cuộc sống khó khăn.
Ngư dân Sa Huỳnh hết sức bức xúc, đang từng ngày ngóng chờ cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp thông luồng cửa biển.
Hiển Cừ - Nguồn thanhnien.com.vn