Vùng biển Sa Huỳnh (Đức Phổ) hấp dẫn du khách với “cát vàng, biển xanh” cùng nhiều đặc sản: Nhum, cua huỳnh đế, chả cá… cùng với hàu, loài nhuyễn thể dùng để chế biến nhiều món ngon. Nhưng để có những con hàu tươi ngon khiến cho thực khách xuýt xoa khen ngợi, những người dân nơi đây phải chịu nhiều vất vả, thậm chí đánh đổi cả mạng sống của mình.
Nhọc nhằn mưu sinh
Chiều đầu hạ, đầm nước mặn Sa Huỳnh với diện tích hơn 210ha như tấm gương khổng lồ soi bóng nhiều phụ nữ và trẻ em lặn lội chân trần cố gỡ từng con hàu bám vào đá. Bà Nguyễn Thị Năm cho biết: Khi thủy triều xuống thấp, đầm nước thông ra biển nên cạn dần, nhô lên những bờ đá là nơi trú ngụ của vô số con hàu. Nhiều phụ nữ mang theo giỏ nhựa và thanh sắt để cạy gỡ hàu về bán, kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Mưu sinh trên đầm nước mặn Sa Huỳnh.
Nhiều trẻ em cũng theo chân người lớn kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Sau cả buổi vất vả gỡ hàu và bóc vỏ lấy phần thịt bên trong, bà kiếm được 80.000 – 90.000 đồng. Trẻ em “tay yếu” nên chỉ được 30.000 – 50.000 đồng, nhưng đây là số tiền để các em có thêm tấm áo mới đến trường. Hiện có rất nhiều trẻ em tham gia bắt hàu tại đây, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần. “Để có được vài chục nghìn đồng mỗi ngày, bàn chân thường bị tóe máu khi giẫm phải vỏ hàu, vỏ ốc hay những mảnh thủy tinh vỡ, các ngón tay luôn bị trầy sướt khi gỡ từng con hàu bám chặt vào đá. Nhìn những cháu nhỏ bật khóc mỗi khi bị như thế trông thật tội nghiệp” – bà Năm nói.
Tháng 4.2012, tôi đến viếng đám tang hai em nhỏ Võ Thị Đây và Lê Thị Mỹ Trinh tử vong do bị sụp hố nước khi đi bắt hàu trên đầm nước mặn Sa Huỳnh. Cỗ quan tài đơn sơ, tiếng khóc ai oán của người thân khiến nhiều người rơi lệ. Các em ra đi khi mới tròn 11 tuổi. Những người lặn tìm thi thể hai em rớm lệ kể lại: Khi phát hiện, cả hai em đều đưa tay hướng về nhau như muốn níu kéo bạn thoát khỏi tay thủy thần.
Có lẽ, trong phút giây định mệnh ấy, hai cơ thể bé nhỏ chấp chới giữa làn nước lạnh kiếm tìm sự sống trong vô vọng. Hàu là loài nhuyễn thể có thể sống trong nước đến 30 năm. Quãng thời gian hai em hiện diện trên cõi đời chỉ bằng 1/3 tuổi hàu. Xót xa thay! “Do quá nghèo nên vợ chồng tui mới cho con lặn lội bắt hàu để phụ giúp cha mẹ. Tui luôn dặn con phải đi theo người lớn để tránh rủi ro, nhưng ai ngờ…” –bố của em Đây, thổn thức trong nước mắt.
Bà Nguyễn Thị Nhiễu, mẹ của Trinh, nức nở: “Buổi sáng hôm ấy, cháu chỉ kịp nhai sống nửa gói mì tôm rồi vội ra đầm và khi trở về chỉ còn là tấm thân không hồn, tím tái trên đôi tay của những người hàng xóm. Cơ cực là vậy mà Hà Bá vẫn không thương tình lại cướp mất con gái của tui…”.
Bắt hàu trong khay
Thịt hàu dùng để chế biến thành nhiều món ăn ngon: Hàu nướng, chấm mù tạt, hàu nhúng nước dừa, nấu cháo, hàu rán trứng, gỏi hàu… Theo y học cổ truyền thịt hàu có tính mát, không độc, tác dụng giúp cho phụ nữ tiết nhiều sữa sau khi sinh cùng với bệnh sinh lý nam giới, bồi bổ cơ thể… Hàu được xem là món đặc sản, là thực phẩm ưa thích của nhiều người với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg thịt hàu đã bóc vỏ và 25.000 – 27.000 đồng/kg hàu còn nguyên vỏ. Vì vậy, nhiều người đã đầu tư làm lồng bè nuôi hàu thương phẩm với mức thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng. Hiện tại đầm nước mặn Sa Huỳnh có 40 hộ thả nuôi hàu thương phẩm.
Trong đó, có 10 hộ thả nuôi hàu Thái Bình Dương và 30 hộ nuôi hàu giống tự nhiên. Hộ nuôi hàu giống tự nhiên chỉ cần buộc các vật dụng vào lồng bè để cho hàu tìm đến bám vào sinh sống chứ không cần mua giống như hàu Thái Bình Dương. Hàu chỉ ăn các sinh vật phù du trong nước, bùn, cát nên không tốn chi phí thức ăn và còn được xem là “máy lọc” làm giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
“Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ cùng với Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư Quảng Ngãi triển khai mô hình nuôi hàu tại đầm nước mặn Sa Huỳnh đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, chúng tôi đang khuyến khích người dân đầu tư nuôi loại hải sản này. Qua đó sẽ góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại đây” – ông Nguyễn Văn Lưu – Phó Trạm khuyến nông huyện Đức Phổ, cho biết.
Bài, ảnh: TRANG THY
Nguồn Báo Quảng Ngãi