Đồng Vân không còn là cánh đồng mây

(Bút ký)

Chàng phóng viên trẻ báo tỉnh được phân công về xã Phổ Thạnh viết bài về thôn Đồng Vân, một thôn đã khá lên trong vòng mấy năm gần đây. Đến thị tứ Sa Huỳnh đã 10 giờ, anh đến tôi hỏi thăm đường đến điểm hẹn.
- Về hướng Tây, băng qua một cánh đồng rồi tiếp đến là hai giờ leo dốc đá.
- Nghe bảo là có đường ô tô lên tận nơi cơ mà?
- Ừ, đó là tôi nói trước đây.

Cả hai chúng tôi cùng cười rồi lập tức lên đường. Tôi lái, T.C , chàng phóng viên trẻ ngồi sau.  Xe nhằm hướng Nam mà chạy. Trên đường đi, T.C nổi máu nghề nghiệp:
- Vì sao gọi là Đồng Vân? Có căn cứ gì không?
- Có đấy. Các tên làng ở đây đều xuất phát từ một đặc điểm nào đó. Ví dụ như trước khi vào đến đây ông đã qua đồng muối, đúng không? Làng ấy mới lập sau này và chuyên làm muối nên gọi là Tân Diêm. Rồi đến làng La Vân, nghĩa là lưới mây. Các cụ xưa cái nhìn cũng lãng mạn quá đấy chứ? Còn đây là dốc Đá Bia, với hòn Đá Bia kia kìa (tôi chỉ cho T.C một tảng đá to đứng sừng sững bên mép biển). Nó là mốc địa giới của làng nên làng có tên là Thạch By. Còn Đồng Vân nghĩa là cánh đồng trong mây. Xưa kia nơi này hoang vu lắm, quanh năm đều có mây mù che phủ.

Đến chỗ đối diện với nhà hàng Du lịch Sa Huỳnh, tôi cho xe băng ngang qua đường tàu, vào con đường đầu mối leo lên dốc Đồng Vân. Con đường dốc đứng được đúc bằng bê-tông. Xe 100 phân khối đi số mạnh, ga lớn từ từ tiến lên. Sau mười phút thì qua hết con dốc. Bây giờ đến đoạn đường bằng phẳng, xe chạy thật ngọt. Khi đến trường học, đúng vào giờ tan trường, thầy giáo Trí gặp chúng tôi (là bạn bè) vui vẻ dắt về nhà. Nhà trí tuy xếp vào hàng cấp bốn nhưng xây dựng thật kiên cố: tường 15, nền lát gạch men loại tốt nhất trông cứ bóng lộn, cửa kính… Nội thất chưng bày nhiều đồ dùng đắt tiền: tủ thờ cẩn xà cừ, ti-vi màu đa hệ, đèn điện, quạt, sa-lon… tiện nghi đầy đủ cả.
- Cảm giác đầu tiên của nhà báo thế nào?
Tôi hỏi T.C.
- Có ấn tượng đây.
- Phải nói là rất ấn tượng chứ?

Có tiếng xe dừng trước của, nhìn ra là mẹ con cô Ngữ (vợ Trí) đi chợ về. Ngữ vào chào khách rồi xuống bếp. Trí cất cặp xong, quay ra sa-lon kèm theo một chai đựng thứ nước gì vàng óng.
- Chỉ riêng ngày cưới của ông Trí đây cũng đủ cho ông viết rồi đấy.
T.C tròn mắt chờ đợi. Trí vừa rót rót rượu vào ba cái cốc vừa nói (hóa ra thứ nước vàng sánh thật đẹp trong chai mà Trí mang ra là rượu):
- Lúc tìm hiểu nhau mình chỉ nói với cô ấy là mình ở Phổ Thạnh. Vả lại, cô ấy đâu có hỏi mình ở thôn nào, còn mình thì đâu có dại gì mà “thưa ông tôi ở bụi này”.Ngày rước dâu ác thay ông thầy coi đúng 16 giờ 30 phút là giờ nhập tệ. Khi xe đưa dâu về đến thị tứ Sa Huỳnh, họ nhà trai lập tức hành quân. Nhà gái lúc này mới ngã ngữa vì nhìn qua cánh đồng tít tắp và án ngữ trước mặt là ngọn núi thăm thẳm. Nhưng biết làm sao được? Chuyện đã đến nước này rồi,chả nhẽ lại dẫn con gái trở về ? Đâu có được! Thế là vừa chùi nước mắt vừa đi. Giày da của quí ông, guốc cao gót của quí bà,quí cô cởi ra xách tay như ví đầm, quần xắn cao. Xong thủ tục ở nhà trai thì trời tối hẳn. Nhà trai chúng tôi phải đốt đuốc đưa nhà gái xuống núi…
- Sao ? Rượu uống được chứ ? Trí hỏi.
- Ngon tuyệt! Ngâm với thứ gì vậy?
- Chuối đấy. Và chỉ có chuối Đồng Vân thôi đấy nhé.

Vùng đất này đặc biệt thích hợp với cây chuối mốc.Bà con nơi đây khá lên nhờ hai nguồn thu chính là cây chuối và cây lúa.Chuối ở đây đặc biệt thơm, ngọt ngon không có đâu bằng. Hai nhánh chuối như nhau, giá tiền chuối Đồng Vân phải hơn gấp đôi. Mỗi nhà trong thôn đều có từ hai đến bốn rẫy chuối; mỗi rẫy có từ 300 đến 600 lùm. Hằng năm cho thu hoạch từ 4 đến 15 triệu đồng. Về cây lúa, từ năm 1979 đập nước Cây Khế hoàn thành, chấm dứt tình trạng thiếu nước. Nhờ có nguồn nước mà ruộng vườn quanh năm xanh tốt.Lúa làm được 3 vụ/năm. Tất cả mọi diện tích trồng lúa đều được khai khẩn đưa vào sản xuất. Mỗi hộ có từ 2 đến 4 ha ruộng lúa; hằng năm thu hoạch từ 10 đến 15 tấn thóc. Năm 1993 Trạm tiếp sóng Vi-ba được xây dựng trên đỉnh núi thuộc thôn Đồng Vân. Dựa vào con đường phục vụ cho công trình này, nhân dân trong thôn có cơ hội chuyển mình đổi đời. Trước đó, để làm một căn nhà xây thì công sức, tiền của bỏ ra phải đến gấp đôi, gấp ba lần hiện nay vì việc khuân vác vật liệu tốn kém lắm. Nay đã có con đường và ô tô chuyển hộ. Thế là tất cả 40 nóc nhà trong thôn thoắt cái đã ngói hóa, khang trang. Dòng suối tự nhiên chảy qua làng được sử dụng làm nguồn năng lượng chạy thủy điện nhỏ theo từng hộ hay cụm hộ gia đình. Vì vậy mà bây giờ nhà nào cũng có điện xài thoải mái lại không mất tiền.
- Thành ngữ “đòn gánh cứa cổ” bây giờ đã mai một rồi nhỉ ?
Tôi hỏi Trí. Và Trí giải thích với T.C:
- Dân ở đây trước kia không khi nào rời cây đòn gánh trên vai. Đốn củi, đốt than: gánh, đi chợ về chợ: gánh… Bây giờ thì giải phóng được lâu rồi. Khỏe nhất là đem sản phẩm xuống chợ. Sáng ra,chất hàng lên xe, nổ máy…Việc học hành của con trẻ cũng đã xây dựng được 2 phòng học khang trang cho 4 lớp. Học sinh ít nhưng nhờ sự quan tâm của nhà trường nên vẫn duy trì được thường xuyên. Ngày trước cuộc sống vất vả, trẻ con thiếu dinh dưỡng nên bụng ỏng đít beo; người lớn da đen sạm khô quắt lại; người già to bụng bủng beo…đau yếu suốt. Do vậy mà người làng mang nặng mặc cảm thua kém các làng khác. Tôi không xưng danh “nhà ở Đồng Vân” với cô ấy lúc đầu cũng vì tâm lí ấy. Bây giờ thì khác rồi. Ông xem tôi và các “truyền nhân” của tôi thì rõ.

Cô Ngữ và hai con của Trí phụ mẹ dọn cơm trưa. Đúng như Trí nói, bọn trẻ khỏe mạnh, hồng hào chẳng thua kém gì so với trẻ con nơi khác. Trong mâm cơm, Trí tiếp tục kể cho T.C nghe hết chuyện này đến chuyện khác. Còn tôi thỉnh thoảng chêm vào để khơi nguồn. Buổi chiều cô Ngữ đi dạy, Trí đưa T.C đi thăm hai cơ sở xay xát trong thôn; tham quan các trạm thủy điện nhỏ; đập nước Cây Khế; các rẫy chuối tiêu biểu; các rẫy mướp, đu đủ, đậu bắp, chè, tiêu… nếu như đủ sức mà đi.

Đúng là Đồng Vân bây giờ không còn là cánh-đồng-mây nghe đầy vẻ hoang dã nữa mà là một khu dân cư xinh xắn, phát triển trong mây. T.C nhận xét. Nơi đây có đầy đủ tiện nghi cho một cuộc sống văn minh mà đặc biệt là cảnh quan môi trường thật trong lành, tươi đẹp.

Vũ Ngọc Liêm

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046