Với lợi thế quay mặt ra biển Đông, hầu hết các tỉnh miền Trung đều chọn các ngành kinh tế biển làm mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế của mình, đặc biệt là nghề khai thác và chế biến hải sản.
Nhưng do thiếu chính sách phát triển lâu dài, ít được đầu tư lớn và thiếu gắn kết nên việc xây dựng thương hiệu cho hải sản Việt Nam gặp nhiều trắc trở.
Làng chài Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đìu hiu, nhiều cơ sở chế biến chỉ còn vài lao động
Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên... có số lượng tàu đánh bắt rất hùng hậu nhưng chủ yếu là những phương tiện lạc hậu, trang bị thô sơ, công suất nhỏ... Trong đó, Bình Định có hơn 7.770 tàu cá nhưng chỉ có gần 2.300 tàu cá công suất từ 90 sức ngựa (CV) trở lên, Quảng Ngãi có trên 5.700 tàu cá thì có hơn 2.000 tàu đủ khả năng đánh bắt xa bờ, Phú Yên cũng chỉ có hơn 700 tàu cá có công suất lớn từ 90 - 300 CV trong tổng số tàu cá là 7.200 chiếc... Mỗi khi có áp thấp, bão trên biển thì lại có hàng chục tàu cá của ngư dân các tỉnh này gặp nạn.
| Mạnh ai nấy làm Ông Trần Văn Lang, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Bình Định, cho rằng do khâu quảng bá, tiếp thị... không được chú trọng nên dù sản phẩm hải sản Việt Nam có chất lượng cao, giá rẻ cũng ít được người tiêu dùng biết đến. Nhiều đề nghị xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hải sản đã không thành công do không có sự đồng lòng của các doanh nghiệp. | |
Những năm gần đây, nhiều cửa biển ở miền Trung như Tam Quan, Đề Gi (Bình Định), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Đà Diễn (Phú Yên)... thường xuyên bị bồi lấp khiến tàu cá gặp khó khăn mỗi khi ra vào, thậm chí bị mắc cạn hay bị sóng đánh chìm.
Hậu cần thiếu và yếuTheo đánh giá của Sở NN-PTNT Bình Định, cơ sở hạ tầng của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành khai thác thủy sản. Hệ thống cảng cá, bến cá của tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% số lượng tàu thuyền trong tỉnh neo đậu bán sản phẩm và mua sắm vật tư, nhiên liệu. Ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở này cho rằng: “Hạ tầng cảng cá ở Quảng Ngãi đi sau so với tốc độ phát triển của nghề cá. Lý do là việc thiết kế, xây dựng cảng cá theo lối tư duy của 5-7 năm về trước nên tàu công suất lớn không thể ra vào cảng”.
Dù sản lượng đánh bắt nhiều nhưng do ít có cơ sở chế biến nên giá hải sản luôn phụ thuộc vào thương lái nước ngoài, không ổn định. Điển hình như giá tôm hùm tại Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... những năm trước có thời điểm tăng lên gần 2,7 triệu đồng/kg nhưng hiện nay chỉ dao động từ 800.000 -1,2 triệu đồng. Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết: “Hiện cả tỉnh chỉ có 5 nhà máy chế biến đông lạnh xuất khẩu với tổng công suất thiết kế 10.700 tấn/năm, ngoài ra còn có 70 cơ sở chế biến các mặt hàng truyền thống như nước mắm, cá khô… Một vấn đề bất cập là Bình Định có đội tàu thuyền câu cá ngừ đại dương hùng hậu nhất nước nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ sở chế biến cá ngừ đại dương nào”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn Bình Định lại kêu thiếu nguyên liệu. Theo Sở Công thương Bình Định, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản chỉ hoạt động chừng trên 60% công suất do không đủ nguyên liệu. Nhiều doanh nghiệp phải thu mua nguyên liệu ngoài tỉnh hoặc nhập khẩu từ nước ngoài.
Làng chài Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) đìu hiu, nhiều cơ sở chế biến chỉ còn vài lao động Thiếu chiến lược phát triển thương hiệuTheo thống kê của Bộ NN-PTNT, khả năng khai thác cá ở vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam có thể đạt trên 4 triệu tấn/năm, tôm trên 44.000 tấn/năm, mực nang trên 64.000 tấn/năm, mực ống gần 60.000 tấn/năm... Tuy nhiên, hầu hết các loại hải sản vốn là thế mạnh của Việt Nam như cá cơm, cá trích, cá ngừ, cá thu, cá chỉ vàng, các loại mực, hải sâm... đều có cơ sở chế biến nhưng chủ yếu tiêu thụ trong nước, thậm chí chỉ có trên thị trường nội tỉnh.
Đáng buồn nhất là thủy sản Việt Nam ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài, bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... và ít được biết đến ở thị trường thế giới. Cá ngừ đại dương được Bộ Công thương xác định là một trong 3 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (cùng với cá da trơn và tôm), nhưng phần lớn được xuất nguyên con sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ… và phải mang nhãn hiệu nước ngoài. Nguyên nhân là do khâu chế biến, xây dựng thương hiệu cá ngừ đại dương trong nước không được chú trọng.
| Hiệu quả khai thác thấp Theo Bộ NN-PTNT, 5 tháng đầu năm nay, sản lượng đánh bắt thủy hải sản cả nước đạt 1,051 triệu tấn. Suốt một thời gian dài, ngư dân cả nước tập trung đánh bắt gần bờ, chưa vươn ra các ngư trường ngoài khơi xa. Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, cả nước hiện có 132.000 tàu, thuyền đánh cá, nhưng chủ yếu là tàu thuyền nhỏ, loại có công suất dưới 20 CV chiếm trên 50%, loại tàu có công suất lớn đánh bắt xa bờ từ 90 CV trở lên chỉ khoảng 20.000 chiếc. Theo Tổng cục Thủy sản, trung bình hằng năm, đánh bắt xa bờ chỉ đóng góp được khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. TS Hà Xuân Thông, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, đánh giá các nguồn lợi thủy sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao như cá chim, cá sủ và các đàn cá thiều, cá hồng, cá song lớn nay không còn thấy xuất hiện nữa, chỉ còn cá tạp, cá nhỏ. Quang Duẩn | |