Giấc mơ SAHU

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế-Luật TP.Hồ Chí Minh, Phạm Hồng Thắm (SN 1993) không đi xin việc mà về quê... bán muối. Cô là chủ nhân của những túi muối dán nhãn hiệu SAHU đang được ưa chuộng trong cộng đồng thực phẩm sạch.

SAHU là viết tắt của Sa Huỳnh, một địa danh ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, nơi có vựa muối truyền thống trứ danh. Chữ SAHU màu xanh tượng trưng cho nước biển, in trên màu vàng của nắng, những thành tố kết tinh nên hạt muối. 
 
Nhưng trên đồng muối Sa Huỳnh không chỉ có nắng và nước biển, hạt muối còn nên hình hài từ mồ hôi, nỗi nhọc nhằn của diêm dân.


Phạm Hồng Thắm đang đóng gói muối. Ảnh: P.L.

Tìm lại đồng muối
 
Lớn lên ở vùng biển Sa Huỳnh nhưng cha mẹ Thắm đều làm biển chứ không làm muối. Trong kí ức của cô, cánh đồng muối là một khoảng mênh mông trắng lướt qua trên đường đi học. Nhưng đó vẫn là hình ảnh thân thuộc của quê hương mà khi đi xa cô nhớ về.
 
Tháng 6.2015, khi Thắm đang làm luận văn tốt nghiệp thì thấy bản tin giá muối xuống thấp: "Một tạ muối Sa Huỳnh không đổi được tô phở". Hình ảnh những diêm dân lay lắt trên đồng muối khiến cô trăn trở, nhưng rồi chẳng biết làm gì ngoài chia sẻ lên Facebook trong cảm giác "bất lực".
 
Hai tháng sau, Thắm tốt nghiệp đại học, nhận thấy bản thân không thích hợp với công việc văn phòng, cô không đi tìm việc mà tự tìm cho mình lối đi riêng. Lúc này, cùng với tâm lý lo sợ bệnh ung thư thì phong trào thực phẩm sạch đang lên cao. 
 
Dành nhiều thời gian tìm hiểu về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, Thắm nhận ra một khoảng trống mà thị trường đang thiếu. "Nhiều người bán gà sạch, vịt sạch... nói chung là thức ăn sạch, nhưng không ai bán muối", Thắm chợt nghĩ đến cánh đồng muối quê nhà và phát thảo một kế hoạch để muối biển được lên kệ như một gia vị tự nhiên, bên cạnh thực phẩm sạch, hữu cơ, và tất nhiên không phải với cái giá bèo bọt mà những diêm dân Sa Huỳnh đang chịu.
 
Tháng 10.2015, Thắm trở lại quê nhà với "kế hoạch bán muối". Quyết định bất ngờ khiến gia đình ngỡ ngàng, bởi bán muối với giá cao gấp nhiều lần giá muối mua tại ruộng dường như vượt quá tưởng tượng của cha mẹ cô, những ngư dân quen với cá, tôm hơn là những khái niệm lạ tai như "thực phẩm sạch" hay "organic" mà cô con gái hay nói.
 
Cô gái ấy day dứt những câu hỏi, rằng tại sao những nhu yếu phẩm con người cần nhất lại có giá rẻ mạt nhất? Tại sao bao nhiêu mồ hôi nước mắt của diêm dân chỉ xứng đáng với mấy trăm đồng/kg? Tại sao chúng ta phải đi nhập khẩu và ăn muối công nghiệp khi biết rõ rằng nó không tốt bằng muối biển... 
 
Rất nhiều câu hỏi tại sao, nhưng Thắm không chọn thái độ "bất lực" như trước nữa. Cô bắt tay vào hành động. Cánh đồng muối nhiều năm qua không còn nuôi dưỡng được diêm dân, bao nhiêu người đã bỏ muối ly hương, ngày ấy chứng kiến một cuộc lội ngược dòng. Cô cử nhân Phạm Hồng Thắm trở lại với đồng muối Sa Huỳnh. Ở đó, cô đã nghe họ kể câu chuyện về hạt muối với nhiều gam màu buồn, và cô muốn viết tiếp câu chuyện ấy với những gam màu tươi sáng.
 
"Cuộc cách mạng" của SAHU
 
Đó là cách Thắm nói về đợt tăng giá gần đây nhất để bán muối tươi với giá 16.000 đồng/ kg, muối hầm với giá 52.000 đồng/kg, mà theo cô giải thích là để các đại lý bán muối không bị thiệt, giảm giá là chuyện thường, còn tăng giá mà vẫn có người mua mới là "cuộc cách mạng". Nhưng những điều mà cô gái trẻ đang làm không chỉ là "cuộc cách mạng" về giá, mà là thay đổi cách sản xuất, bán hàng, thay đổi quan niệm về giá trị hạt muối.
 
Tại xưởng muối SAHU, Thắm lấy những hạt muối đạt chuẩn đã được đóng gói rồi làm một thí nghiệm với nước, cô giải thích: "Muối làm theo phương pháp thủ công truyền thống thường bị lẫn cặn, để bán được giá cao trên thị trường, muối SAHU không sử dụng chất tẩy trắng nào, nhưng vẫn đảm bảo độ cặn ở mức cho phép".
 
Lâu nay, khi nói về việc tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, người ta thường hay nói về giải pháp sản xuất muối trên nền ruộng trải bạt, hoặc nền ruộng xi măng. Nhưng Thắm quan niệm rằng cách làm ấy có thể cho ra những vựa muối đẹp mắt, nhưng phi tự nhiên và chưa hẳn "sạch". Cô tìm đến những diêm dân kế thừa cách làm muối tự nhiên truyền thống bao đời nay và chọn "muối tự nhiên" là hướng đi cho mình.
 
Để có muối nguyên liệu đạt chuẩn, Thắm kí hợp đồng với diêm dân làm muối theo một quy trình tỉ mẩn, kĩ lưỡng từ khâu làm nền, dẫn nước vào ruộng, đến phơi nắng và thu hoạch. " Bình thường chỉ cần hai nắng là muối kết tinh, nhưng để muối đạt chất lượng phải phơi đến 4 nắng. Lúc thu hoạch muối phải cào nhẹ nhàng, điêu luyện sao cho không lẫn đất nền mà không bỏ sót những hạt muối ngon nhất", cô say sưa "thuyết minh".


Phạm Hồng thắm mua lò nung muối hầm tận Biên Hòa, Đồng Nai để đảm bảo sạch trong khâu chế biến. Ảnh: P.L

Hết nói về muối tươi, cô dẫn người viết tham quan nơi sản xuất muối hầm. Tại đây có những lò nung bằng đất sét. Nhìn những lò nung đất được ràng rợ bằng dây kim loại, Thắm giãi bày: "Những lò này nung một thời gian là hỏng, em phải ràng lại để hạn chế vỡ, vì thiếu lò nung thì phải vào tận Biên Hoà lấy về. Đất sét làm lò nung được lấy trên núi, không bị ô nhiễm như đất ruộng để đảm bảo muối sạch từ nguyên liệu đầu vào đến khâu chế biến".
 
Cuối năm 2015, trên các trang web thực phẩm sạch xuất hiện một loại muối mang thương hiệu SAHU. Câu chuyện về hành trình của hạt muối được Thắm kể trên Facebook "Muối SAHU" thuyết phục khách hàng với hình ảnh nắng và gió, mồ hôi của diêm dân, nơi đó hạt muối kết tinh như một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, mang linh khí của đất, mang sự kĩ lưỡng, tỉ mẩn của người làm ra nó.
 
Hạt muối tự nhiên gây được sự chú ý của khách hàng, các đơn đặt hàng liên tục đến với SAHU. Đến nay, muối SAHU đang được bán ở khoảng 20 đại lý từ Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng... Vũng Tàu đến TP. Hồ Chí Minh với lượng tiêu thụ hằng tháng khoảng 600kg. Nhưng sau những thuận lợi ban đầu, SAHU còn một hành trình dài đang chờ phía trước.
 
Khao khát lớn mạnh
 
Một tạ muối không mua được tô phở, bởi năm ngoái muối Sa Huỳnh rớt giá đến đáy chỉ còn 200 đồng/kg. Năm nay, muối chính vụ có thời điểm chỉ đạt 300 đồng/kg dù nguồn cung thấp do rất nhiều người đã bỏ hoang ruộng muối. Làm sao để diêm dân sống được với nghề muối? 
 
Thắm đi tìm lời giải cho câu hỏi ấy, cô mua muối với giá 2.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung, nhưng SAHU chỉ có thể sản xuất, tiêu thụ đến hàng chục tấn muối mỗi năm, trong khi sản lượng bình quân hằng năm của đồng muối Sa Huỳnh đến 9.000 tấn, thì đồng nghĩa với phần lớn diêm dân vẫn đang khốn đốn. 
 
Cô gái nuôi khao khát một ngày thương hiệu muối SAHU lớn mạnh, "Rồi mình cũng phải nghĩ đến cái gì đó lớn lao hơn chứ không lẽ tầm tầm vầy hoài", cô nói về dự tính tương lai với một thoáng âu lo trước những khó khăn đang đối diện.


Thắm đã gặp nhiều người già lưng khòm như dấu hỏi trên đồng muối Sa Huỳnh. Ảnh: P.L.

Bởi vì muối tự nhiên vẫn là một thị trường nhỏ hẹp, khách hàng của cô vẫn chỉ là những thị dân hiểu biết và quan tâm đến sức khoẻ. Bởi vì chúng ta vẫn quan niệm chỉ cần mặn, ăn được là muối chứ không cần phân biệt muối tự nhiên hay công nghiệp. Bởi vì chúng ta không hiểu vì sao một ký muối tự nhiên có thể có giá đến mấy chục nghìn đồng...
 
Nhưng Thắm vẫn cứ đi trên con đường tìm giá trị cho hạt muối, cô vẫn một mình tìm cách quảng cáo, truyền thông trên mạng xã hội, lên kế hoạch mở rộng sản xuất, biến muối thành sản phẩm du lịch....
 
Khó khăn, nhưng cô tự nhủ mình sẽ vượt qua, bởi trên cánh đồng muối mênh mông kia, cô đã gặp rất nhiều người già lưng khòm như dấu hỏi, cô đã gặp những cặp vợ chồng có con đi làm ăn xa vì làm muối không sống nổi và cô lo rằng những hạt muối kia sẽ đơn độc đến nhường nào khi không còn ai trân quý, nâng niu.
 

Phạm Linh - Nguồn Báo Quảng Ngãi

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046