Giữ đất cho làng

Nhìn những vạt rừng phi lao ngút ngàn xanh dịu dọc bờ biển Châu Me (xã Phổ Châu, H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) ít ai nghĩ rằng hơn mười năm trước, nơi đây từng là một vùng “sa mạc” lóa nắng đền nhức mắt.

Thở than thì có ích gì

Chủ cánh rừng là anh Đoàn Hữu Văn. Người địa phương gọi anh bằng cái tên thân mật: Văn “phi lao”. Tuổi đời còn trẻ nhưng nắng gió của những năm trồng rừng trên cát đã ghi những nét khắc khổ trên khuôn mặt anh.


Anh Đoàn Hữu Văn và rừng phi lao của mình

Anh kể, bãi cát này vốn không một chấm xanh. Mùa hè, cát nóng như rang, không ai dám đi qua. Ngọn gió nồm mát rượi thổi qua bãi cát này cũng thành gió lửa. Hoa màu còi cọc vì nhiễm mặn. Gió ném cát tứ tung, hắt vào từng bữa cơm, từng giấc ngủ. Mùa mưa bão, sóng biển tràn lên, cày xới, bào mòn bãi cát. Phần gió gió lấy, phần mưa mưa cuốn, phần sóng sóng mang đi. “Dân làng ai cũng thở than. Nhưng ngồi mà than thở thì ích gì. Phải ra tay giữ đất”, anh Văn tâm sự.

Vậy là nhiều tháng trời, anh xoay trần trên vạt đất trước nhà ươm phi lao. Những trái phi lao rụng ven đường làng được anh gom lại, mày mò ươm mầm bằng kinh nghiệm của nông dân. Lần đầu, hạt phi lao làm mồi cho kiến. Lần sau, hạt trôi theo những cơn mưa trái mùa. Lần ba, hạt phi lao im như…thóc.

Có người khuyên anh nên mua cây con về trồng, đừng làm ông “kỹ sư mò” rất phí thời gian. Nhưng các khoản tiền cho con ăn học anh đã lo thắt ruột, lấy đâu mua hàng nghìn cây giống? Còn nữa, nếu không tìm cách tạo nguồn cây tại chỗ thì làm sao vận động bà con nghèo như mình có điều kiện phủ xanh một dải  bờ biển trống huơ trống hoác này.

Nghĩ là làm. Anh khăn gói lên tỉnh, lân la đến các vườn ươm rồi về với mớ sách kỹ thuật gieo trồng. Và lần thứ tư, anh mừng muốn rơi nước mắt khi thấy hàng nghìn mầm phi lao chi chít nhú lên.

Rừng đã lên xanh

Đầu mùa mưa năm 2001, những cây phi lao non nớt đầu tiên được anh cắm xuống bãi cát. Ngoài thời gian ra đồng, ra biển mưu sinh, anh “điều động” cả nhà trồng phi lao, mỗi ngày vài chục cây. Cứ thế, những mầm xanh loang dần. Hỏi bãi cát của làng sao anh không thuyết phục bà con cùng trồng mà chỉ mình anh? Anh cười: “Nói suông bà con không nghe đâu. Cứ trồng cái đã, cây sống và phát triển, không rủ bà con cũng làm theo”.


Anh Văn đang chăm sóc rừng phi lao

Anh kể, hơn hai nghìn cây phi lao vừa bén rễ thì mùa hạn sầm sập kéo về. Quyết không để cây chết khát, anh vay mượn họ hàng, đóng giếng, sắm mô-tơ, kéo hàng trăm mét dây từ nhà ra tận bãi tưới cho từng cây. Dường như thấm trong từng thân cây cứng cáp hôm nay không chỉ là giọt nước hôm qua mà còn có cả những giọt mồ hôi của từng người trong gia đình anh.

Điều thú vị là ngoài cánh rừng hơn 10 tuổi của anh còn có cả chục vạt rừng 7, 8 tuổi của bà con lân cận nối tiếp nhau uốn cong theo bờ biển. Chị Thi, người có  khoảnh rừng hơn nghìn cây bên cạnh rừng của anh Văn, nói: “Rừng của tui và một số bà con khác trồng sau anh vài năm. Lúc đó anh bán cây giống rẻ lắm, chỉ 3 trăm đồng một cây. Anh còn hướng dẫn cách trồng và chăm bón. Nhờ ảnh mà em và một số người khác mới thành chủ rừng đó”. 

Giờ thì mỗi cây giống đã lên đến 3 nghìn đồng. Đứng trước hàng nghìn cây con đã cho vào túi ni lông chuẩn bị xuất bán, anh Văn khoe với tôi là đã có mấy đơn vị du lịch tìm đến với những hợp đồng cung cấp phi lao con. “Tui có đồng ra đồng vào rồi. Bà xã cũng đỡ cực. Chi phí học hành cho mấy đứa nhỏ không thành nỗi lo như mấy năm trước”, anh Văn nói.

Nhìn anh vuốt ve từng cành phi lao, tôi đọc thấy trong bàn tay thô ráp ấy một tình yêu tha thiết mảnh đất này, cánh rừng này. Giờ thì anh vui lắm vì rừng đã lên xanh. Đất nuôi rừng. Rừng giữ đất. Mùa gió chướng, hàng chục ha hoa màu ven biển vẫn xanh mơn mởn nhờ rừng phi lao ngăn mặn. Dân làng không còn nghe cát bay rào rào trong gió, không còn thấy bãi gầy sau mỗi mùa mưa. Gió biển được lọc qua bạt ngàn phi lao trở nên hiền lành, trong mát. 

Thỉnh thoảng ghé anh, tôi thường thấy trai thanh gái lịch trong làng chơi giữa mùa trăng dưới rặng phi lao. Còn khách xa thì “sinh thái” trên bãi cát dọc tán  rừng xanh um, ngắm những cành lá non tơ lòa xòa trong gió biển. 

Trần Cao Duyên   

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046