VN có bờ biển dài hơn 3.000 km cùng nghề muối lâu đời với nhiều vựa muối lớn. Vậy mà có tin cho rằng năm nay chúng ta phải nhập muối ăn, chưa kể lâu nay đã nhập muối công nghiệp. Điều tưởng chừng nghịch lý ấy có thể nhìn thấy được từ thực tế.
Cách TP Quảng Ngãi 60 cây số về phía Nam, đồng muối Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ rộng hơn 112 ha là vựa muối lớn của miền Trung.
Chỉ ở hai thôn Tân Diêm và Long Thạnh 1, xã Phổ Thạnh, đã có hơn 700 gia đình sinh sống bằng nghề muối trong tổng số 800 hộ dân. Vậy mà, lâu nay chưa có diêm dân nào ở đây làm giàu được từ hạt muối.
Được mùa - mất giá, được giá - mất mùa
Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, đưa chúng tôi đi một vòng qua cánh đồng muối liên hoàn rộng lớn nằm cạnh Quốc lộ 1A. “Mấy năm trước mỗi vụ bà con làm được khoảng 8.000 tấn muối, nhưng năm nay đến thời điểm này đã quá nửa vụ muối năm 2008 mà chỉ mới sản xuất được 850 tấn” – ông Trinh lo lắng.
Bà Nguyễn Thị My, ngụ thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh, vừa cào những hạt muối ít ỏi đầu tiên trong ruộng vừa phân bua: “Thời gian này mấy năm trước là gia đình tôi đã có 9-10 tấn muối rồi, còn năm nay vẫn chưa có hạt muối nào. Bao nhiêu thứ trông chờ vào muối, nào lúa gạo, chợ búa, nào khi ốm đau, lúc hiếu hỷ..., vậy mà cứ nắng lên vài bữa, muối chưa kịp kết tinh trời lại đổ mưa. Cứ như vậy, chúng tôi mất rất nhiều công sức mà không sao làm ra được muối”. Ông Ngô Xuân Sanh năm nay đã gần 70 tuổi song vẫn gắng sức đứng giữa trưa nắng ngoài đồng dùng trang kéo đi kéo lại bọt nước để cho muối nhanh kết tinh thành hạt. Gặp chúng tôi, ông thở dài: “Chưa năm nào làm muối chua như năm nay. Từ sau Tết đến nay, cứ 2-3 ngày lại mưa một lần, nước ngập đồng muối nên không thể lấy nước mặn ngoài biển vào, ai cũng đành bó tay. Làm không có muối, mọi thứ chi tiêu đều phải dè sẻn, cứ đi vay mượn ăn uống, tiêu xài đắp đổi qua ngày rồi tính sau”. Ở Phổ Thạnh, gia đình diêm dân nào khá lắm may ra mới cho con cái học đến cấp 3, hiếm hoi có em nào vào đến đại học.
Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là vụ muối năm nay kết thúc. Vậy mà các chòi đựng muối của bà con trên đồng và ven Quốc lộ 1A đều trống hoác. “Trời cứ mưa nắng thất thường không cho chúng tôi làm được muối, trong khi giá muối trên thị trường lại lên cao gấp 3-4 lần so với các năm trước, ai cũng xót. Diêm dân chúng tôi cứ sống mãi trong vòng luẩn quẩn không thoát ra nổi: Cứ năm nào được mùa muối thì giá rớt thê thảm, còn năm nào làm không ra muối thì cả tư thương và nhà máy đều kêu giá cao” - ông Phạm Trọng Hiếu, ngụ xóm 4, thôn Tân Diêm, bộc bạch.
Nhiều diêm dân cho biết những vụ trước trúng mùa muối nhưng mất giá quá, không sống nổi nên nhiều người phải xoay qua nghề khác, như làm lúa. Rồi vụ lúa đông xuân năm nay cũng mất mùa, thấy muối lên giá, bà con quay lại làm muối. “Song ông trời không thương diêm dân, cứ mưa gió hoài không sao làm muối được. Diêm dân cứ nhìn giá muối tăng cao mà tiếc hùi hụi” - ông Hiếu tâm sự.
Trúng mùa, được giá vẫn âu lo
Trong khi đó, ở các đồng muối Bạc Liêu, Cà Mau, không khí lại khác hẳn. Bước vào vụ thu hoạch muối năm nay, trên những đồng muối, chúng tôi bắt gặp nhiều nụ cười mãn nguyện của diêm dân. “Giá muối năm nay đã ở mức hơn 30.000 đồng/giạ (muối trắng), cao gấp 3 lần so với cùng thời điểm năm 2007. Với giá như thế, năm nay diêm dân chúng tôi không còn phập phồng lo sợ bán không ai mua như những năm trước nữa”- ông Giang Văn Hải, ngụ ấp Doanh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải - Bạc Liêu, hồ hởi.
Trên những cánh đồng muối bao la ở Đông Hải trong những ngày này, từ sáng sớm đã dậy tiếng í ới gọi nhau đi cào muối. Muối gom bán không kịp cho thương lái. Có khi thương lái phải đặt tiền cọc trước mới còn muối để mua. Theo Phòng Kinh tế huyện Đông Hải, sản lượng thu hoạch muối đợt 1 đạt trên 12.000 tấn, dự kiến cả vụ sẽ đạt 80.000 tấn. Nhiều người dự đoán giá muối sẽ còn tăng cao vào cuối vụ, do không còn nguồn dự trữ.
Tuy nhiên, được giá, trúng mùa song không ít diêm dân Đông Hải vẫn cảm thấy âu lo. Do giá muối nhiều năm trước lên xuống thất thường nên nhiều diêm dân đã giã từ nghề truyền thống của gia đình để chuyển sang nuôi trồng thủy sản. “Quanh năm suốt tháng phơi lưng ngoài đồng muối, cơ cực đến tiều tụy mà khi kết thúc vụ mùa, quanh đi quẩn lại chỉ còn đôi bàn tay chai sạn, rám nắng, hai bàn chân nứt nẻ, không có dư dả gì, ai cũng nản nên tìm cách chuyển nghề. Năm nay, thấy giá muối nhích lên, nhiều người như chúng tôi quay lại làm muối, nhưng không biết niềm vui này kéo dài bao lâu...” - diêm dân Nguyễn Văn Tư ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải, băn khoăn. Ông Tư bảo nếu sang năm mà muối lại mất giá, ông cũng phải chuyển sang nghề khác để kiếm sống.
Lo lắng của diêm dân là có cơ sở, một khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp quy hoạch nghề muối, tổ chức sản xuất, bình ổn thị trường một cách căn cơ.
Xây nhà máy cũng như không
Năm 2005, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hơn 13 tỉ đồng xây dựng Nhà máy Sản xuất muối tinh chất Sa Huỳnh với công suất 14.000 tấn/năm nhằm tiêu thụ sản phẩm cho bà con diêm dân địa phương. Thế nhưng thực tế diễn ra không như mong đợi của người dân. Nhà máy này cũng chỉ tiêu thụ được khoảng 10% sản lượng muối của diêm dân sản xuất, do chê muối ở đây còn lẫn tạp chất. Người làm muối Sa Huỳnh lại phải chở đi các nơi để tiêu thụ và cứ bị tư thương ép giá, có lúc phải bán đổ bán tháo. “Giữa nhà máy và người làm muối không có sự liên kết, gắn bó nên nghề làm muối ở Sa Huỳnh vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn” - một lãnh đạo địa phương nhìn nhận.
|
XUÂN LONG - TRẦN HUỲNH
(Nguồn nld.com.vn)