Làng "khát" đổi khác

Đất miền Trung giữa trưa mùa hè trời nắng  như đổ lửa. Ngồi trên chiếc xe lao nhanh trên đường nhựa sắp đến nhà, Toàn nghe nôn nao một cảm giác  thật trẻ thơ. Ủa? Qua khỏi Dốc Ổi rồi cơ à?

- Bác tài ơi! Xe qua khỏi Dốc Ổi mà sao không thấy làng Tân Diêm?
- Hả? Tân Diêm vừa mới qua đấy thôi. Bây giờ sắp sửa vượt Đèo Tắt rồi còn gì?
- Thế thì cho tôi xuống! Đi quá rồi.

Toàn bước xuống xe; còn đang lớ ngớ may sao gặp người bạn cũ trên đường đi họp ở huyện Đức Phổ về ngang qua bằng xe máy.
- Toàn hả? Về ngang làng sao không xuống mà ra tận ngoài này ?
- Ôi Quân! Tớ chẳng còn nhận ra làng mình nữa rồi .

Quân cười ha hả
- Cậu lên xe , tớ đèo về !

Tân Diêm giờ đây như một thị trấn. Nhà cửa xây cất theo nhiều kiểu dáng đẹp chứ không là những nếp nhà tạm bợ như xưa.Thế này thì ngồi trên xe Toàn không nhận ra là phải.Tới một đường ngang mới mở, Quân bảo:

- Cậu về nhà bằng lối này !

Toàn xách va-li đi sâu vào con đường Quân vừa chỉ. Khuất sau những dãy nhà mặt đường, nơi đây Toàn đã nhận ra vài dấu hiệu quen thuộc…
Mẹ và em gái của Toàn đang dọn cơm trưa.Thấy Toàn về mẹ mừng lắm. Bà cụ đon đả hỏi han đủ thứ. Nhiều điều mẹ hỏi Toàn chưa kịp trả lời thì bà đã giục:
- Thôi,con đi tắm táp cho mát mẻ thoải mái rồi ăn cơm luôn thể!

“Chà, lâu ngày con trai mẹ về, mẹ ưu tiên cho khoản tắm rửa đây!”. Toàn nghĩ thầm như vậy và thấy yêu mẹ biết chừng nào. Ký ức về cuộc sống thời thơ ấu nơi quê hương lần lượt hiện về trong Toàn. Hồi ấy, làng Tân Diêm của Toàn được gọi là “làng khát”. Những ngày nắng nôi thế này giọt nước ngọt nơi đây thật quí. Cả làng không chỗ nào đào được một cái giếng có nước ngọt. Muốn có nước ăn phải gồng gánh thùng bộng lội qua một con ngòi, rồi băng qua một cánh đồng sang làng La Vân đem về. Mỗi nhà chỉ có một cái vò nhỏ chứa chừng bốn mươi lít nước đặt trong xó bếp. Muốn tắm ư? Chỉ được dùng một chậu nước nhỏ, dùng khăn thấm ướt rồi cẩn thận lau chùi từ trên xuống dưới. Người đi đường ngang qua làng muốn xin miếng nước xem chừng khó hơn nhờ một bữa ăn. Đường xa,  gánh nặng cứ lặp đi lặp lại hàng ngày đã trở thành nỗi nhọc nhằn truyền kiếp.

Mới đầu năm 1994 đây thôi,con gái bà Nguyễn Thị Thơ, mười hai tuổi, đi lấy nước; khi về gặp lúc thủy triều lên em phải đi vòng qua đường quốc lộ;không may bị tai nạn ô-tô và em đã chết. Trên mặt đường, ngay chỗ em nằm, loang ra một mảng lớn ướt đầm màu đỏ tươi không phân biệt được là nước hay là máu của em. Chuyện nước ăn không chỉ là nỗi nhọc nhằn mà còn là điều bất hạnh.

Nghề làm muối của làng hàng năm cho thu hoạch khá. Tuy nhiên,vì cứ phải do dự mà không ai xây dựng nhà cửa cho đàng hoàng. Bao nhiêu của cải để dành đều nằm chờ cơ hội. Khi cơ hội đến với ai thì người đó sẵn sàng ra đi không hề đắn đo. Năm 1994 điện lưới quốc gia về đến quê, lãnh đạo trong làng quyết tâm tìm kiếm nguồn nước ngọt cho dân. Một đội khoan thăm dò được mời về làng ăn ở hàng tháng trời, khoan hàng trăm mũi… Kết quả cuối cùng được trả lời rằng: Không có. Còn gì hi vọng nữa đâu?

Vậy mà hôm nay mẹ bảo: “Tắm táp cho mát mẻ…” làm sao Toàn không xúc động? Theo thói quen cũ,Toàn mở túi lấy khăn và đi xuống bếp. Không thấy vò nước đâu,Toàn kêu:
- Vò nước nhà mình để chỗ nào hả mẹ ?

Con em nhanh nhảu chạy xuống hỏi:
- Cái gì? Anh ba hỏi vò nước hả?
- Ừ.

Em gái Toàn cười như nắc nẻ. Toàn không hiểu vì sao con nhỏ lại cười. Nó không giải thích thì chớ lại còn bảo:
- Không riêng gì cái vò nhà mình mà toàn bộ những cái vò đựng nước của cả làng đều đem vào… viện bảo tàng cả rồi (nó lại cười).

Toàn chưa hiểu thì nó chỉ ra ngoài sân:
-Nhà tắm kia cà, anh ra mà xem !

Toàn bước ra sân, mở cửa nhà tắm quan sát. Nhà tắm được xây dựng đàng hoàng, bên trong có vòi nước máy  hẳn hoi. Toàn như người từ trên cung trăng rớt xuống. Ngồi vào mâm cơm, Toàn hỏi:
- Làm sao có nước “ngon” vậy hả mẹ?
- Ấy là nhờ  “Chương trình nước sạch”. Nhà nước giúp năm trăm triệu, dân làng góp thêm; rồi khoan giếng đưa nước từ La Vân về. Từ đầu năm 1999 đến giờ có nước rồi không ai còn muốn bỏ làng mà đi nữa nên thi nhau xây nhà cửa to đẹp cả.

Toàn nhìn mẹ, thấy gương mặt bà cụ rạng rỡ, sáng bừng lên; những nét hắt hiu của ngày trước dường như đã biến đâu hết, như cái cây héo khô vì hạn hán gặp được cơn mưa vậy. Ở nhà với mẹ và em được ba hôm, Toàn hết phép phải trở lại cơ quan. Lúc đi, em gái Toàn dặn:

- Anh thỉnh thoảng về thăm quê, nếu không vài năm nữa lại không biết đường về nhà đấy.
- Cần gì vài năm nữa? Hôm về đây anh đã không nhận làng mình, ngồi trên xe ra tuốt ngoài Đèo Tắt rồi đấy.

“Làng khát” giờ đây đã khác và sẽ khác hơn thế nữa. Để làm đổi thay một âm vị thôi mà bao đời qua phải đợi đến bây giờ. Khi một chủ trương đúng đắn, xuất phát từ sự tận tụy chăm lo cho cuộc sống nhân dân của cấp ủy Đảng ra đời và phát huy tác dụng. Thật vô cùng thấm thía khi nói lên rằng: “Ý Đảng –Lòng dân”.

Vũ Ngọc Liêm

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046