“Sơn thanh hải tú” là cụm từ mà nhiều phóng viên ảnh của các tờ báo lớn trong Nam ngoài Bắc tặng cho Sa Huỳnh. Nhưng chính người Sa Huỳnh lại rất nhẹ nhàng, dung dị khi nói về nét đẹp quê hương.
Rồi mai đây ai từ xa đến tìm
Xin chỉ lối cho người lên núi Cấm
Núi sẽ thay tôi hát ru đằm thắm
Bằng nghìn năm tiếng sóng vọng quanh đây
(Sa Huỳnh – Trần Cao Duyên)
Lớp trẻ Sa Huỳnh “hành phương nam” hôm nay, mỗi lần gặp nhau là mỗi lần “góc bạn bè nổi gió”. Đó là ngọn gió nồm trưa hè lọc qua hàng dương biêng biếc lao xao. Không gian Sa Huỳnh thành những nét chấm phá lung linh đẹp trong ký ức của những người con xa xứ. Vài tấm ảnh dưới đây là một lời tâm tình nhắn gửi bè bạn phương xa của “người ở lại Thạch By”.
Biển không cô đơn, thuyền không lẻ loi, lau sậy bãi bờ là những bàn tay, những tấm lòng hướng về biển rộng
Hài hòa là tiêu chí của cái đẹp. Nhưng chênh vênh cũng là nét đẹp. Vách núi dựng nghìn đời như một nét xa xưa , nơi chim én mùa xuân về xây tổ
Hoàng hôn Sa Huỳnh nhìn từ Hải Đăng. Trong ánh chiều nhập nhoạng, Sa Huỳnh huyền ảo, lung linh giữa sương chiều. Những du khách từ trạm Hải đăng xuống núi muộn mới thấy được nét đẹp lãng mạn của trời nước Sa Huỳnh như thế
Nhiều du khách gọi nơi này là Đường xuống thủy cung. Cũng đúng. Đi hết sườn dốc là...vực biển với từng tảng đá nhấp nhô dẫn xuống biển với những hang động bí hiểm. Ảnh chụp cách trạm Hải đăng Sa Huỳnh 200m về hướng đông bắc
Thành phố bên bờ biển. Bạn ngạc nhiên chăng. Sa Huỳnh đấy. Xóm Cồn không còn là ốc đảo vì đã có cầu bê tông vững chãi nối đôi bờ
Trù phú làng Thạnh Đức, mặn mà xóm muối Tân Diêm. Góc ảnh này cho thấy người xưa mở cõi đã có tầm nhìn phong thủy. Và chiếc cầu nối Thạch By - Thạnh Đức đang nối những bờ vui
(Bài viết: Phạm Hà - Ảnh: Trần Cao Duyên)