Người họa chân dung Bác bằng tem

Ông Lâm Thành Ron nói: “Cả đất nước, cả dân tộc kính yêu, ngưỡng mộ Bác. Tôi kính yêu, ngưỡng mộ Bác bằng cách riêng của mình là họa chân dung của Bác bằng những con tem”.

Nhà ông Ron ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), sát cửa biển Sa Huỳnh. Ngôi nhà bình thường như bao nhiêu ngôi nhà khác. Nhưng trên tường đặt trang trọng bức chân dung Bác Hồ được dán bằng những con tem. Cạnh đó là bức hình đất nước (cũng dán bằng tem).

Nhà sưu tầm mặc áo lính


Bức chân dung Bác Hồ dán
bằng tem của ông Ron
Là người lính, đi qua chiến tranh, công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, từng đối mặt với cái chết, ông bảo nhờ cách mạng ông mới được học bậc phổ thông 6/10, mới có điều kiện ra Bắc vào Nam, được học tập chính trị, đọc nhiều sách báo, mới hiểu rõ hơn về đất nước, về cuộc đời của Bác kính yêu. Khi ở trong quân đội, ông thường được cấp trên phân công làm kiêm nhiệm phụ trách thể dục thể thao.

Ở những nơi đóng quân, ông làm công tác dân vận nên người quen nhiều lắm. Khi đơn vị chuyển đi nơi khác, nhiều người quen hỏi địa chỉ hòm thư để viết thư thăm hỏi. Chính vì vậy, khi đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ông đã nhận được những bức thư của người quen từ hậu phương miền Bắc gửi qua những hòm thư. Những bức thư mang chút tình hậu phương, tình kháng chiến được ông đọc đi đọc lại nhiều lần. Thấy con tem đẹp ông lại lột ra, bỏ vào trong quyển sổ gấp cho thẳng.

Rồi khi về nghỉ dưỡng, chữa bệnh ở miền Bắc, người thân quen ở quê, ở những vùng ông từng đóng quân có dịp về thăm và rồi họ lại gửi thư cho ông càng nhiều, có cả những bức thư của những người quen đang học tập, công tác từ Liên Xô (cũ) . Ông cứ đọc và nhặt nhạnh những con tem như thế theo sở thích.

Bức chân dung của niềm kính yêu


“Mỗi con tem là một hình ảnh có ý nghĩa, nhiều nhất là tem có hình chân dung Bác Hồ, các danh nhân, những nhà yêu nước, những danh lam thắng cảnh của quê hương. Ở đó có nhiều điều để học, để hiểu lắm” - ông Ron (ảnh) kể.
“Mỗi con tem là một hình ảnh có ý nghĩa, nhiều nhất là tem có hình chân dung Bác Hồ, các danh nhân, những nhà yêu nước, những danh lam thắng cảnh của quê hương. Ở đó có nhiều điều để học, để hiểu lắm” - ông Ron (ảnh) kể.

Năm 1966, sau khi ra Bắc an dưỡng, ông chuyển về công tác ở Cục Doanh trại Bộ Quốc phòng gần nghĩa trang Mai Dịch, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trong một buổi chiều, khi toàn đơn vị đang ăn cơm thì Bác đến thăm. Một điều may mắn là Bác đến đúng chỗ ông ngồi. Bác hỏi: “Các chú ăn cơm có no không? Công tác tốt chứ? Chú nào là người miền Nam?”.

Rồi Bác động viên phải làm tốt nhiệm vụ, góp sức cho ngày toàn thắng. Ông đứng lên trả lời từng câu hỏi của Bác mà thấy lòng nghèn nghẹn. Một con người từng đi qua bốn biển năm châu, một con người mà thực dân, phong kiến với nhiều thủ đoạn vẫn không làm nhụt ý chí cứu nước, một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhưng sao gần gũi đến thế. Ông càng thêm kính yêu và ngưỡng mộ Bác, rồi tự dặn lòng phải nỗ lực nhiều hơn.

Đến giữa năm 1969, sau khi vào chiến trường bị sức ép của bom Mỹ và sốt rét, ông lại ra Bắc điều trị ở Bệnh viện 42, Bộ Quốc phòng, cách TP Vinh chừng 5km. Một buổi trưa, qua sóng radio, ông cùng các thương bệnh binh nghe tin Bác mất.

Cả bệnh viện mọi người đều ràn rụa nước mắt. Ông Ron cố kìm lòng mà nước mắt rưng rưng. Ông nghĩ phải làm một việc gì đó để bày tỏ niềm kính yêu, sự ngưỡng mộ của bản thân mình về Bác. Ý tưởng về một bức chân dung của Bác bằng tem bắt đầu từ đó.

Năm 1975, đất nước thống nhất. Trở về Nam, hành trang của ông Ron có cả một cuốn sổ đầy tem thư. Về quê công tác tại địa phương, ý định làm một bức chân dung Bác Hồ bằng tem cứ nung nấu trong ông nên khi nhận thư của người thân, bạn bè, ông lại tiếp tục làm công việc sưu tầm, nhặt nhạnh những con tem.

Đến năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, ông nghĩ đã đến lúc phải thực hiện bức chân dung của Bác bằng tem và xem đây là cách riêng của mình kỷ niệm ngày sinh của Bác. Kể từ đó ngoài giờ làm việc, trở về nhà ông lại lên căn gác nhỏ, mang những con tem mà gần nửa đời người sưu tập bày cả lên bàn rồi chọn lựa từng con tem một. Sau đó, ông đến nhà người cháu gọi ông bằng cậu ruột nhờ vẽ bức chân dung của Bác. Ông nghĩ: “Nếu chỉ mỗi chân dung của Bác thì chưa phù hợp, mà dưới chân dung phải có một chiếc đế để nâng bức chân dung”.

Thế rồi, ông chợt nhớ cuộc đời Bác Hồ từ thuở còn là “anh Ba” lên tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước mãi đến sau này Bác đã đi qua nhiều nơi trên Trái đất nên ông quyết định làm giá đỡ bằng hình chữ nhật có hình bản đồ thế giới, và bản đồ này cũng phải dán bằng tem để cho mọi người khi xem hiểu ngay là những nơi mà cuộc đời cách mạng Bác đã đi qua.

Tại căn gác nhỏ, nhiều đêm liền một mình ông cặm cụi chọn tem và dùng dao lam cắt dán cho phù hợp. Bức chân dung của Bác bằng tem được hình thành. Ông phấn khởi đến xưởng mộc làm khung rồi chạy đi cắt một tấm kính để lồng vào. Xong xuôi, ông xếp đặt làm một bàn thờ có bức chân dung Bác rồi đến nhà những cán bộ nghỉ hưu, người thân trong xóm mời đến xem. Từng người, từng người một thắp hương viếng Bác, kể cho nhau nghe những câu chuyện về Bác, những lần được gặp Bác. Họ như sống lại ký ức một thời...

Sau khi làm xong bức chân dung của Bác, ông Ron nghĩ vẫn còn khá nhiều tem nên tiếp tục làm bức hình đất nước bằng tem. Ở phía tay trái của bức hình có hình Trái đất và chim bồ câu tượng trưng cho khát vọng hòa bình. Còn phía bên phải là hình búa liềm, phía bên dưới là ngôi sao. Ông nói: “Tôi treo hai bức ảnh cạnh nhau với ý nghĩa là nhờ có Bác tìm đường cứu nước, lãnh đạo dân tộc đánh đuổi thực dân, đế quốc, giành độc lập cho đất nước...”.

(Bài và ảnh: Võ Quý Cầu - nguồn tuoitre.com.vn)

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046