Nhọc nhằn nuôi ước mơ đến trường
Ở làng chài bãi ngang (xã Phổ Châu, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) chiều nào tôi cũng chứng kiến nhiều đứa trẻ lặn ngụp dưới chân gành mong tìm mớ ốc, mớ cua…, bán đi để có tiền mua cái cặp, sách giáo khoa, tấm áo chuẩn bị cho năm học mới.
Với phần lớn trẻ con thành thị, những điều này không thể gọi là ước mơ vì chúng quá dễ dàng. Trong khi đó, đối với những đứa trẻ nghèo ở vùng biển này, những thứ ấy lại xa xôi hơn cả một giấc mơ. Và chúng phải đổ mồ hôi nơi cheo leo cuối bãi, đầu ghềnh mới mong có được.
Chứng kiến hoàn cảnh của những đứa trẻ vùng biển này, tôi đã viết bài Ôm ước mơ đi về phía biển đăng trên Báo Thanh Niên ngày 18.6. Thật xúc động khi biết tin các đồng nghiệp ở TP.HCM đã đưa bài này vào đề thi ngữ văn tuyển sinh lớp 10 trong ngày 21.6.
Chiều cùng ngày, tôi lại lò dò đi về phía biển với một mong ước nhìn thấy mấy đứa trẻ bắt được nhiều cua, nhiều nhum hơn. Bọn trẻ vẫn thế: ồn ào, hồn nhiên. Chúng “ùm” xuống, ngoi lên, rồi lại “ùm” xuống, ngoi lên… Những cái bóng bé xíu cõng chút “ước mơ” chạy lên quán “đặc sản biển”, bất kể doi cát bỏng rát nắng hè. Những bàn chân non nớt tất tả chạy đi, chạy về với bàn tay khư khư nắm chặt. Trong cái nắm tay nhỏ như chiếc lá ấy là “mong manh” những tờ giấy bạc, chắc cũng lèo tèo, bèo bọt như vóc dáng của chúng.
Trần Cao Duyên
(Giáo viên ở Quảng Ngãi)