Nơi tình yêu buông neo

Sa Huỳnh đẹp đâu chỉ mùa biển lặng, mà cả trong mưa trong gió bão đầy trời, khi tình anh như ngọn đèn đứng gác, cho bình yên những con tàu rong ruổi ngàn khơi”. Không ghi ta, không cả rượu, anh Nguyễn Thái Sơn, trưởng trạm Đèn biển Sa Huỳnh, quê Phổ Thuận (Đức Phổ) vẫn say sưa hát vang những lời mà anh cho là “chân phương ” về nghề hải đăng trong một buổi sớm xuân nhiều gió.


Trạm hải đăng Sa Huỳnh
Tại phòng kỹ thuật, tôi đọc được những dòng thông tin: “Đèn biển Sa Huỳnh thuộc XNBĐATHH 103 (Xí nghiệp Bảo đảm An toàn Hàng hải).  Vị trí: Nằm tại mỏm đông bán đảo Thạnh Đức, thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tọa độ: Vĩ độ 14o 40' 24" N. Kinh độ 109o 04' 30" E. Tác dụng: Báo vị trí bán đảo Thạnh Đức, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ngãi, Bình Định định hướng và xác định vị trí. Năm đưa vào hoạt động: 2004. Phạm vi chiếu sáng: 360º.. Tầm hiệu lực ánh sáng: 20 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển t=0,8”.

Thợ máy Ngô Văn Long, quê Quảng Trị, giải thích thêm: Trong điều kiện bình thường, đèn biển Sa Huỳnh vừa chớp vừa xoay một góc 360º , độ phát sáng gần 40 cây số. Long chỉ tay về hướng tháp đèn đứng chon von trên một mỏm núi cao nhất Sa Huỳnh: “Với độ cao lý tưởng ấy, đèn phát huy tác dụng rất tốt trong việc đánh tín hiệu hướng dẫn tàu thuyền của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định qua lại khu vực này, đặc biệt là vào mùa biển động, mưa bão triền miên, tầm nhìn xa nhiều khi dưới 0,5km”.

Hôm tôi đến, trạm trưởng Sơn “khoe” là vừa đón sếp từ Đà Nẵng vào thăm và chúc Tết. Dù là người lần đầu tiên đến đây, lại là “khách không mời”, nhưng các anh vẫn tiếp tôi một cách khá thân thiện. Bên chén trà thơm nóng hổi được “chế biến” từ nước mưa, tôi hỏi anh em, sếp vào chúc Tết, ngoài…công thức “an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc” ra, còn có gì nữa không? Một thợ máy có nước da đen lì nắng gió, mắt hấp háy ánh nhìn tinh nghịch nói, sếp chưa năm nào mừng xuân sang mà lại mừng xuân suông cả. Chúng tôi có phong bì thưởng Tết “ấm túi” lắm, vừa ăn Tết “hoành tráng” tại trạm, vừa có cái để gửi về nhà cho vợ con sắm sửa “câu đối đỏ, bánh chưng xanh”. Câu đùa tếu táo rất có duyên ấy làm giòn tan bầu không khí bạn bè. Sau mấy tuần trà, tôi được Long đưa đi tham quan toàn bộ khu vực trạm. Khác với những gì tôi hình dung trên đường đi: hoang sơ, khô cằn, thiếu thốn…, trạm là một ngôi nhà khang trang và bề thế. Nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng khách đều ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ. Xung quanh trạm xanh mướt những vạt rau cải lấm tấm hoa vàng, phía trước là cụm tiểu cảnh với những chậu kiểng dáng thế khá đẹp, được xén tỉa công phu. Đặc biệt là chậu hoa giấy đang trổ những chùm hoa màu đỏ thắm rung rinh trong nắng đầu xuân như một sự “phản biện” trước miên man màu xanh của biển, của bạt ngàn núi đồi trùng điệp.


Trạm trưởng Nguyễn Thái Sơn (phải)
và thợ máy Ngô Văn Long
Trò chuyện với “gia đình nhỏ” gồm 6 chàng trai quê “tứ xứ”, tôi nhận ra được giữa đời thường luôn có những vẻ đẹp khác thường. Ví như chàng thợ điện Ngô Đình Trí, 26 tuổi, quê Lý Sơn, trẻ nhất trạm, từng bộc bạch với người yêu ở quê nhà: Đời anh gắn với ngọn hải đăng nơi đầu sóng ngọn gió, thời gian dành cho em chỉ là những ngày phép ngắn ngủi thoáng qua, có lẽ em sẽ không hạnh phúc khi chọn anh là “người đàn ông của đời em”. Cô gái nghiêm nghị, nhìn thẳng vào mắt người yêu: “Hãy…thắp cho em ba nén nhang trước khi anh nói ra những điều quái gở”. Sa Huỳnh – Lý Sơn, cái khoảng cách về không gian địa lý bao giờ cũng thật, nhưng tình yêu chân chính đã xóa đi khoảng cách của hai trái tim lúc nào cũng hướng về nhau. “Chúng tôi sắp được làm họ trai cho Trí rồi đó”, trưởng trạm Sơn cười to, át cả tiếng gió đang lồng lộng ngoài cửa kính. Và chuyện này nữa, cô giáo Phan Thị Mỹ Lệ, vợ của Long thợ máy, dạy tin học ở trường THCS Phổ Châu, cách xa trạm ngót chục cây số, nhưng tuần nào cũng lặn lội vượt đèo dốc đến thăm chồng để khỏi “vắng đàn bà quạnh bếp”. Những bữa cơm tươm tất từ tay cô giáo Lệ làm anh em vơi bớt nỗi nhớ nhà. Rồi sau mỗi bữa cơm chiều, dặn chồng giữ gìn sức khỏe. thân mật chào tạm biệt anh em, Lệ một mình xuống trạm trong nhập nhoạng hoàng hôn, cưỡi xe máy vượt gần 30 cây số, về với con gái Ngô Phan Nhàn, 3 tuổi, đang “tạm trú” tại nhà ngoại ở xã Phổ Quang, Đức Phổ.

Đã hết giờ trực ban, sếp Sơn cùng mấy anh em trong trạm “rủ” tôi lên tháp đèn. Từ độ cao 87.5m (tính đến số 0 hải đồ), lần đầu tiên, tôi no mắt ngắm phong cảnh non nước, biển trời Sa Huỳnh, Tam Quan, Phổ Khánh hiện lên mênh mang và diễm tú. Và cũng là lần đầu tiên, bàn tay tôi chạm vào ngọn hải đăng, nơi mà những ngư dân gọi là “vị thần” của bến- bình- yên. Nhóm anh em “đèn biển” im lặng nhìn ra biển đông, phía có những con tàu nhỏ như những hạt đậu đang cui cút trong nhập nhòa trời nước. Tôi đọc trong mắt họ tình yêu nghề, yêu người chứa chan và giản dị, vì đối với những con tàu mong manh trong dông tố, thì họ- những người canh giữ hải đăng- đồng nghĩa với “đường về hạnh phúc”. Bất chợt tôi nghĩ, Sa Huỳnh là nơi mà những người nặng lòng với biển như các anh đã tìm đến để buông chiếc neo bền vững của tình yêu.

Một con tàu vận tải chạy ngang qua trạm, nổi mấy hồi còi rền vang. Sơn vẫy tay, nâng ống nhòm hướng về con tàu hồi lâu rồi quay lại nói với tôi: “Đó là tàu vận tải của thằng bạn học cùng trường hàng hải. Nó là thuyền trưởng. Lần nào qua đây nó cũng “bẻ vô lăng” chạy gần trạm và kéo còi chào, hỏi thăm sức khỏe anh em”. Mấy con chim én từ một hốc đá nào đó vút lên, chao liệng, vẽ những đường cong mùa xuân quanh ngọn hải đăng.

Bài và ảnh: Trần Cao Duyên

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046