Ôm ước mơ đi về phía biển

Không thả những ước mơ theo cánh diều lên trời xanh hay tung tăng vui chơi dưới tán phượng hồng, mùa hè này, những đứa học trò của làng chài bãi ngang ngày nào cũng ôm ước mơ của mình đi về phía biển.

Những ngư dân “thu nhỏ”

Tầm 4-5 giờ chiều, những đứa trẻ từ các thôn Tấn Lộc, Châu Me, Hưng Long, Vĩnh Tuy, thuộc xã Phổ Châu, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi lại ùa xuống biển. Trông chúng như những ngư dân “thu nhỏ”, cũng mang gương lặn, cầm đọc nhọn, móc sắt, lặn xuống độ sâu khoảng 3-4 m dưới chân gành để bắt nhum, cua, sò, ốc.
 

Ùm xuống biển để kiếm “sách giáo khoa” - Ảnh: Trần Cao Duyên

Ngọc Anh, 14 tuổi, vừa học xong lớp 9, kể rằng em có người chị làm công nhân ở Sài Gòn. Chị hứa cho em bộ sách lớp 10 và mấy thứ khác nhưng chị “hồi” lại rồi. Chị nói nhà máy cho công nhân nghỉ việc. Chị hết tiền tiêu. Em ráng tự lo. Nhà mình nghèo, ba má cực quá, em mà đòi thì nhà sẽ đói đó nghen. Tôi hỏi thêm về cách “tự lực” của em nhưng em ngó lơ, có vẻ muốn chấm dứt câu chuyện bởi xung quanh là những tiếng í ới của bọn trẻ gọi nhau.

“Ùm, ùm”… Từ những tảng đá cao sát mé nước, bầy trẻ nhảy xuống biển, từng cột nước bắn lên tung tóe. Ngọc Anh kéo gương lặn từ trán xuống rồi “ùm” theo. Những tiếng “ùm” nhát gừng, hơi chát chúa ấy đã trả lời tôi thế nào là… tự lực.

Tôi đếm giây: một… hai… ba… trong tâm trạng lo lắng. Ngộ nhỡ… Nhưng kìa, một đứa, hai đứa, rồi cả nhóm đã trồi lên. Chúng nhanh nhẹn bơi vào gành. Đứa nào cũng đặt lên đá hoặc là cua, nhum hoặc là mấy con ốc, con sò vừa bắt được. Chúng ngồi quanh “chiến lợi phẩm” ngắm nghía, so sánh, bàn tán ầm ĩ. Người bọn trẻ luôn ướt đẫm. Mấy phút trước, nước biển chảy ròng ròng. Còn bây giờ, dưới cái nắng như nung, người chúng nhễ nhại mồ hôi. Chí Hiếu, học sinh lớp 7, đen gầy, bợ một mớ ốc lên cười toe toét, nói nhiêu đây bán được 5.000 đồng rồi. Minh Tâm, lớp 8, khoe hai con nhum đen trũi, tua tủa gai nhọn quanh thân: “Bi nhiêu đây bán được 10.000 đồng, gấp đôi mày đó nghe”. Hiếu cãi, nói tại anh lớn, hơi lặn dài hơn em. Rồi nó “nổ”: “Em mà lớn như anh thì mỗi hơi lặn bắt được bảy, tám con nhum là cái chắc”.

Thà ăn khổ, miễn đủ đồ đi học

Nơi tiêu thụ hải sản của bọn trẻ là dãy quán nhậu ven bờ dương cách đó khoảng 200 m. Chúng không đợi cả mớ mới bán mà tranh thủ bán lắt nhắt sau mỗi lần lặn. Nhiều đứa chẳng có đồ gì đựng, cứ bợ hai tay hoặc đựng trong áo thun, túm lại rồi chân thấp chân cao, lon ton chạy qua triền cát nóng để lên chợ. Trán lấm tấm mồ hôi, Như Hải, “đương kim” học sinh giỏi văn lớp 6 cấp huyện, giải thích bài bản: “Được con nào bán liền con đó mới ngon chú à. Đợi cho được một mớ mới bán thì càng cua không quậy, gai nhum không cựa, con ốc im re. Chủ quán chê hàng chết. Mấy bả cũng lấy nhưng cho mỗi đứa vài ngàn là cùng”.

Tôi nói rẻ quá, sao không đem về nhà mà ăn. Như Hải nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên lẫn một chút khó chịu, nói ăn thì lấy tiền đâu nuôi heo đất. Rẻ cũng bán. Má nói ăn khổ mấy má cũng chịu, miễn con có sách vở, quần áo mới tới trường là má vui rồi.   

Chúng nói với tôi hễ bữa nào tụi cháu chạy lên quán nhiều lần là bữa đó coi như trúng mánh. Bán xong, đứa nào cũng cầm khư khư số tiền ít ỏi, lâu lâu giở ra đếm. Thằng Hiền nói tao còn 18.000 nữa là đủ 100.000 đồng. Thằng Phú buồn buồn nói em chưa biết lặn, chỉ đục hàu trên bờ nên ít tiền quá, mới có 42.000 đồng. Chị nó, con Linh, nói hè còn dài, em lo gì, trước khai giảng thế nào cũng đủ tiền mua sách mà.

Mặt trời rơi sau núi. Biển sẫm lại. Bọn trẻ vẫn chưa chịu về. Chúng cất đồ lặn, lôi từ hốc đá ra nào búa, nào dao rồi bắt đầu đục những mảng hàu bám trên vách đá. Tiếng búa gõ vào đá trầm đục và cần mẫn. Chúng vừa đục vừa nạy cho đến khi con hàu lộ ra thì cho vào thau. Cả tiếng đồng hồ mới được một thau nhỏ. Bọn nhóc đục gõ phồng cả tay ở đầu gành để có cái đem bán ở cuối bãi. Những cái lưng trần non nớt bóng nhẩy mồ hôi lại le te bưng hàu chạy lên quán chỉ để lấy 10.000 đồng mỗi đứa.

Từng giọt mồ hôi “non nớt” của những đứa trẻ nghèo sớm rơi trên gành đá, hòa vào lòng biển chỉ vì mơ ước có được bộ sách, cái cặp, và… xa xỉ hơn là bộ áo quần thơm mùi vải mới cho năm học mới.

Bài và ành: Trần Cao Duyên

Như đánh động đến học sinh thành thị, câu chuyện cảm động của những đứa trẻ làng chài vất vả mưu sinh trong dịp hè để nuôi ước mơ đến trường đã được trích đoạn đưa vào đề thi văn vào lớp 10 của TP.HCM năm nay:


Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046