Hỏi ông là ai, nhiều đồng nghiệp nói: “Từ Sa Huỳnh lên”. Người ta mặc nhiên gắn cuộc đời ông với Sa Huỳnh, tên một địa danh ở Quảng Ngãi, đồng thời cũng là chỉ dấu một nền văn hóa nổi tiếng.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (phải) trong lần khai quật một di chỉ ở Gò Quê,
xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi -Ảnh: V.Q.C
Ông là Đoàn Ngọc Khôi, tiến sĩ khảo cổ và là chuyên viên của Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi.
Những chuyến hành trình về quá khứ
Năm 1988, trong khi làm luận văn tốt nghiệp đại học về những tộc người sống ở vùng Tà Nung, tỉnh Lâm Đồng, Đoàn Ngọc Khôi vô tình phát hiện những mảnh vỡ từ khu mộ của người Chăm.
Tốt nghiệp, về công tác ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, tình cờ vào thăm người thân ở Sa Huỳnh, làng chài nằm sát bờ biển, Khôi lang thang, chuyện trò với những người già mới biết nơi đây hồi đầu thế kỷ 20 người Pháp đã khai quật tìm ra những mảnh vỡ và nhiều đồ trang sức, mở đầu việc tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh. Nhưng những tìm hiểu đó, do thời cuộc, còn rất sơ khai.
“Biết đâu miền đất này còn tiềm ẩn những điều chưa biết?” - Đoàn Ngọc Khôi nghĩ. Cũng từ đó người dân nơi đây thường thấy một chàng trai dáng dong dỏng cao hay đạp xe đến nơi này. “Tôi sục sạo hết trảng cát từ Phú Khương đến Long Thạnh, rồi Thạnh Đức, Tấn Lộc trên chiều dài 10km” - ông kể. Rồi ngày nọ, chàng trai trẻ sung sướng đến vỡ tung lồng ngực khi lần đầu tiên phát hiện tấm bia ký, giếng nước của người Chăm... Một tầng văn hóa đã được tìm thấy.
Tại hội nghị thường niên của ngành khảo cổ học vào tháng 9-1989 ở Hà Nội, những bậc thầy, đàn anh trong ngành khảo cổ đã giật mình khi lần đầu tiên nghe một nhân viên bảo tàng tỉnh lẻ rụt rè công bố những phát hiện của mình tại Sa Huỳnh. Một kế hoạch tiếp tục khai quật di tích Sa Huỳnh được tiến hành. Cuộc khai quật vỡ ra nhiều điều: lòng đất lộ ra mộ táng bằng gốm có hoa văn, những con dấu bằng gốm xác định rõ ràng có một nền văn hóa hậu Sa Huỳnh...
Cũng từ đó văn hóa Sa Huỳnh như nỗi ám ảnh trong Khôi. “Nghe ở đâu có người rà sắt phế liệu tìm được hiện vật bằng đồng, bằng sắt, bằng xương hay nghe bà con đào một hố sâu phát hiện hiện vật gốm cổ thì dù trời mưa gió hay đang ngồi trong bàn nhậu mình cũng vội lấy xe đạp đi. Rồi khi trở về lại lò mò đọc tư liệu, đối chiếu”- Khôi kể.
Năm 1996, khi ra đảo Lý Sơn để làm hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đình An Vĩnh, trong lúc lang thang ở những cánh đồng trồng tỏi, ông thấy trong những gánh đất của bà con đào ở ven biển có lẫn nhiều mảnh gốm thô nên mang về tìm hiểu. Rồi sau đó ông báo cáo với lãnh đạo bảo tàng. Cuộc khai quật ở xóm Ốc (Lý Sơn) đã lộ ra tầng văn hóa dày đến 1,5m cùng nhiều mộ chum có xương cốt phụ nữ đeo trang sức trên tay làm bằng vỏ ốc tai tượng, xương cá...
“Nếu liên hệ với di tích khảo cổ Long Thạnh, xã Bình Châu, mình phát hiện một điều: văn hóa Sa Huỳnh trên đảo gần bờ quả có sức sống mãnh liệt và khu vực đảo Lý Sơn là cầu nối để người tiền sử vươn ra những hải đảo xa hơn“, ông nói. Ông liên hệ: văn hóa Sa Huỳnh chứng tỏ từ ngàn xưa tiền nhân ở mảnh đất này đã biết vươn ra biển cả.
Một người đa mang
Ngoài luận án tiến sĩ và chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Văn hóa Sa Huỳnh trên đất Quảng Ngãi”, tiến sĩ Khôi còn chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát huy một số giá trị tri thức bản địa, đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy để góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Ngãi”, tham gia công trình địa chí tỉnh Quảng Ngãi, chủ biên cuốn sách Văn hóa truyền thống trên đảo Lý Sơn, tham gia biên soạn cuốn sách Văn hóa Sa Huỳnh trong không gian miền Trung, Văn hóa tín ngưỡng của người Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây...
“Tôi mê lắm, nhiều khi câu chuyện văn hóa Sa Huỳnh tràn ngập cả giấc mơ” - ông nói. Ngoài những công trình nghiên cứu, ông gần như… không có gì khi bạn bè nhà cửa đề huề, có người còn thăng tiến, trong khi ông chỉ là một chuyên viên của bảo tàng tỉnh. Nhưng ông bằng lòng và bảo đó là sự lựa chọn.
Nhưng ông “nhận” được cũng nhiều. Ví như sau lần khai quật di tích khảo cổ xóm Ốc ở huyện đảo Lý Sơn, ông trở thành người con của làng. Năm nào đến mồng 4 mà ông chưa ra đảo ăn tết là bà con điện thoại hỏi thăm, trông ngóng. Có lần khi cúng tiền hiền ở đình An Hải, huyện đảo Lý Sơn, cụ trưởng thượng của làng nói vui: “Nếu sau này thằng Khôi chết thì làng mình cho phép thờ nó ở gian hậu hiền”.
VÕ QUÝ CẦU
(Nguồn Tuổi Trẻ)