(QNĐT) - Sau bao nhiêu chờ đợi, làng muối Sa Huỳnh đã vinh dự được công nhận thương hiệu, song việc sở hữu “chiếc áo mới” này chưa thể giúp cuộc sống của diêm dân nơi đây tươi sáng hơn.
*Khổ vì mưa nắng thất thường
Cơn mưa chiều những ngày qua được ví như “mưa vàng” giải tỏa cơn khát sau những ngày nắng nóng khốc liệt, nhưng với diêm dân điều đấy lại đồng nghĩa với bao giọt mồ hôi, công sức trôi xuống sông, xuống biển.
Mới nửa buổi sáng mà cánh đồng muối ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) như chảo lửa. Trên khắp các ô ruộng muối, người người đang đầm nền ruộng, một số khác thì hì hục đẩy xe cút kít rải cát lên mặt ruộng. Dưới cái nắng như đổ lửa, những tấm lưng đẫm ướt mồ hôi, những đôi chân trần đang chăm chỉ lao động trên cánh đồng muối cò bay thẳng cánh.
Múc nước dưới kênh đổ vào ruộng đã rải cát, ông Ngô Tấn Hồng (58 tuổi) ở thôn Tân Diêm vừa lẩm bẩm: “Nước loãng quá, không biết có đóng diêm nổi không”. Nghĩ vậy nhưng tay ông vẫn nhanh nhẹn múc nước đổ vào ruộng, thoáng chốc ông lại ngửa cổ lên về hướng tây của bầu trời với hy vọng trời sẽ không mưa.
Thời tiết diễn biến mưa nắng thất thường khiến cho
việc sản xuất muối của diêm dâm gặp nhiều khó khăn.
“Ngày nào cũng sáng nắng, chiều mưa khiến bao công sức ra sông ra biển. Năm ngoái, với 3 sào ruộng đến thời điểm này đã thu được hơn 6 tấn, nay chỉ có hơn 3 tấn. Bỏ ra 18 triệu đồng để làm muối trên bạt mà từ đầu năm đến giờ bán được chưa đầy 4 triệu đồng. Hỏi thử không chạy vạy làm thêm thì diêm dân lấy gì mà ăn”- ông Hồng than thở.
Còn diêm dân Phan Đình Trị thì kể, nghề này vất vả lắm cô à. Chỉ vài giọt mưa thôi cũng đủ làm giảm độ mặn của nước biển. Mưa ít thì mất 2 ngày, còn nhiều phải chờ đến cả tuần, thậm chí nửa tháng sau mới làm lại được”.
Có lẽ, chẳng có nghề nào vất vả mà “đánh bạc” với trời như nghề này. Dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt, bao nhiêu người tìm chỗ trú, còn diêm dân lại “nướng” mình lao động. Nắng càng to diêm dân càng mừng. Nắng to nhất là lúc phải phơi mặt ra đồng để trang nước.
Chỉ tay về phía ruộng muối lai láng nước sau trận mưa giông chiều trước, chị Thảo- một diêm dân khác chua chát: “Đắng lòng nhất là những cơn mưa giông buổi chiều. Mưa từ sáng thì bà con nghỉ cho khỏe. Còn đến chiều, khi hạt muối đã thành hình coi như mất trắng. Bà con chỉ biết than trời, đứng ngẩn ngơ nhìn công sức của mình bao nhiêu ngày nhọc nhằn lao động biến thành một đống nhão như cháo hoặc tan thành bọt nước”.
Để làm ra hạt muối, diêm dân phải mất rất nhiều công sức từ khâu vệ sinh ruộng, đầm ruộng, vô cát, vô nước, đo nồng độ mặn rồi chờ thời gian kết tinh thành muối… Quy trình ấy mất khoảng nửa tháng thì hạt muối mới kết tinh. Nếu trong khoảng thời gian ấy gặp mưa thì tất cả công đoạn phải lặp lại từ đầu.
Ông Nguyễn Duy Trinh- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho hay, 3 tháng qua, trên địa bàn huyện Đức Phổ thường xuyên xảy ra các trận mưa nhỏ, rải rác thất thường khiến sản lượng muối sụt giảm đáng kể. Đến thời điểm này, sản lượng muối chỉ chưa đầy 2.000 tấn, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc niên vụ. E rằng sẽ không đạt năng suất và sản lượng như dự kiến.
Hiện năng suất và sản lượng muối Sa Huỳnh
đạt thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 20%.
Đã bao đời nay, diêm dân vùng muối Sa Huỳnh bám vào đồng muối để sống. Biết bao giọt mồ hôi công sức đổ xuống, nhưng với thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, khiến cuộc sống của bà con vốn dĩ nhọc nhằn càng nhọc nhằn hơn.
*Dài cổ chờ nhà máy
Không hẳn đến khi thời tiết bất lợi như hiện nay, diêm dân mới thấm thía đắng cay, nghiệt ngã của nghề. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, muối đổ ngập đồng, trắng cả đường đi, ngõ xóm, người cào, người gánh không hết muối. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc bà con than trời vì giá muối rẻ như bèo, bán 50kg muối mới mua được 1 tô phở.
Còn những thời điểm ông trời không thuận lòng người, giá muối cao ngất có khi đến 2.000 đồng/kg, diêm dân lại không có muối để bán. Sự hoán đổi xem ra có lợi này chẳng mang lại lợi ích cho diêm dân.
Rồi chuyện nhà máy đứng ngay cạnh đồng muối quay lưng với diêm dân khi chê muối Sa Huỳnh còn nhiều tạp chất, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Sự khen chê ấy cũng chẳng ý nghĩa gì khi nhà máy đóng cửa im ỉm trong 8 năm liền.
Đó là chưa kể đến chuyện quay lưng với muối Sa Huỳnh khi muối ở những địa phương khác được Chính phủ chỉ đạo mua theo phương thức trợ giá 1.000 đồng/kg, còn muối Sa Huỳnh thì không.
Giá muối lên xuống là chuyện của thương lái,
còn diêm dân chỉ biết mỏi nòn chờ nhà máy.
Cuối năm 2011, làng muối Sa Huỳnh được công nhận thương hiệu, diêm dân vui mừng khôn xiết. Được tiếp sức, nhiều hộ diêm dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm muối sạch bằng nền xi măng hoặc phủ bạt, với hy vọng sẽ cải thiện được giá muối.
Nhưng sự đời vốn không như ta vẫn nghĩ. Về Sa Huỳnh, hỏi diêm dân về giá muối, chúng tôi được nghe một câu chung chung với giọng xót xa: “Sạch, bẩn, lên lên, xuống xuống” cũng “vỗ béo” cho thương lái, từ “lệnh” của thương lái mà thôi”.
Rõ ràng, việc sở hữu “chiếc áo mới” này chưa thể giúp cuộc sống của diêm dân tươi sáng hơn. Có thương hiệu hay không thì giá muối cũng phụ thuộc vào thương lái.
“Vất vả cả nửa tháng trời mới làm ra hạt muối, vậy mà lúc nào cũng bị thương lái ép giá. Cứ một ngày nắng thì hiển nhiên giá sẽ hạ 100 đồng/kg. Nắng liên tục họ chờ vài ngày mới thu mua để tha hồ ép giá. Mặc dù biết vậy, nhưng diêm dân vẫn phải bán.”- ông Trị than thở.
Do giá muối quá thấp, nhiều người dân đã bỏ ruộng muối hoặc cho bà con lối xóm mượn để sản xuất, còn mình thì lặn lội tha hương bươn chải, mưu sinh chứ bám mãi đồng muối này thì khó sống nổi.
Cũng theo ông Trinh, suất đầu tư ruộng muối bằng ximăng hoặc phủ bạt quá lớn, trong khi sản lượng lẫn giá cả đều bấp bênh khiến bà con chẳng mặn mà cho lắm. Bà con rất vui mừng khi nghe tin nhà máy đã được bán lại cho một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Và doanh nghiệp này sẽ thu mua muối cho bà con với giá cả ổn định, nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy động tĩnh gì.
Chúng tôi mang câu hỏi này đến các lãnh đạo huyện, tỉnh và nhận được câu trả lời rất giống nhau “Không biết”. Ngay cả các cơ quan chức năng còn không biết thì bao giờ diêm dân mới tỏ và bà con vẫn phải mỏi mòn chờ đợi và hy vọng.
Bài, ảnh: Ái Kiều