Sa Huỳnh (tên hành chính là xã Phổ Thạnh) nằm về phía cực Nam của huyện Đức Phổ. Nhờ vị trí địa lý ấy nên Sa Huỳnh đã “thay mặt” vùng đất địa linh núi Ấn - sông Trà bắt tay với Bình Định anh em bằng con đèo Bình Đê uốn lượn dọc theo bờ biển. Hình ảnh làng chài hình cánh buồm căng phồng bên gió biển đã và đang níu chân du khách trên đường thiên lý Bắc - Nam.
Ký ức Sa Huỳnh
Một thời chưa xa lắm, Sa Huỳnh đi ngủ sớm. Điện không có đã kéo theo nhiều cái không khác: Không ti vi, không dịch vụ giải trí vui chơi, không hàng quán… Thức làm gì? Ngủ thôi. Khổ một cái, trước khi ngủ lại hay “trằn trọc” nên dân số tăng vọt. Đất thì “mặc định”, cây cối buộc phải ra đi cho nhà cửa chen vào. Thương lắm những cây dừa trĩu quả, những bờ tre xanh ngắt. Nhớ lắm những tiếng chim trong cành lá xanh um.
Một góc làng cá Sa Huỳnh.
Nhà cách nhà có khi chỉ là bức vách sơ sài, miếng tôn mỏng dính. Nhà này kho cá gì, nhà kia biết. Hết gạo, vợ nhấm nhẳng ì xèo với chồng, nhà kia nghe không sót một tiếng. Buồng vệ sinh ư? Quên đi. Xa xỉ lắm. Ban đêm không nói làm gì. Còn ban ngày, khách về làng, nếu “lỡ” uống mấy chai bia (là bia hơi thôi) thì thật là... thảm họa.
Những chuyện này chắc lớp trẻ không tin: Những năm 80 thế kỷ trước, có những đám cưới khách ngồi trước đĩa bánh ngọt mà “thầm mơ” đến thịt thà. Vậy nhưng người Sa Huỳnh vẫn hát ca rổn rảng, cô dâu chú rể vẫn “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Quà cưới là bình thủy, ấm nước, gương soi, có cả xoong nồi, thau chậu. Ngồi họp tới khuya dưới ánh đèn leo lét chỉ để chia nhau mấy món phụ tùng xe đạp.
Thanh niên Sa Huỳnh thời đó thật... ngoan hiền. Anh nào quần loe, tóc dài, cán bộ Đoàn chỉ cần đánh mắt liếc sơ vài cái là hớt tóc, bóp quần lại ngay. Anh nào lỡ nghêu ngao vài câu ca sướt mướt, cán bộ thôn nhắc nhẹ là im re lập tức. Ngày giỗ ngày chạp, ngày tết ngày tư, trăm thứ đều đổ dồn cho cái sổ gạo và tem phiếu. Bởi vậy, ai buồn bã nhăn nhó là nhận được câu hỏi đầy “quan ngại” của bạn bè: “Mất sổ gạo hay bị… đạo tem phiếu?”.
Ngoảnh lại ngày xưa để thể hiện thái độ sống “ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm”, để thấy những gì Sa Huỳnh đang được hưởng là rất đáng nâng niu và cũng để thấy Sa Huỳnh đang đi tới bằng những bước chân chững chạc.
Biển khơi và giấc mơ thị trấn
Nếu mấy chục năm trước, Sa Huỳnh chỉ loanh quanh bên con suối nhỏ thì bây giờ Sa Huỳnh đã ra sông. Và không chỉ ra sông, hàng trăm con tàu với hàng chục ngàn mã lực đang tiến ra biển lớn. Những con tàu mang ký hiệu QNg… TS do người Sa Huỳnh điều khiển đã và đang ngày đêm dọc ngang ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Hơn hai phần ba nguồn động lực để Sa Huỳnh thay da đổi thịt là từ đội quân vươn khơi bám biển này.
Phía đông bắc Sa Huỳnh, xưởng đóng tàu náo nhiệt và làng cá mới trù phú đã mọc lên. Những con đường thảm nhựa nối dài về phía biển khiến Sa Huỳnh có vóc dáng của một thị trấn sầm uất. Chuyện nhà ở với người Sa Huỳnh không còn là vấn đề nan giải vì đất đã có, tiền cũng không thiếu. Họ chỉ đang nuôi một giấc mơ: Giấc mơ lên thị trấn vào năm 2015, nghe đồn là vậy. Hàng ngàn dân đã được giãn ra làng mới. Đất làng cũ đã “thở” được rồi. Bóng cây xanh tuy chưa nhiều nhưng đã làm dịu mát những con đường được thảm bê tông sạch đẹp.
Có những “nỗi buồn” sinh ra từ “niềm vui”. Bây giờ nhà nào cũng có ti vi. Không ít nhà, từ phòng khách đến phòng bếp, kể cả trên lầu đều có truyền hình siêu mỏng. World Cup ở Sa Huỳnh vì thế trở nên… đìu hiu. Đường làng vắng tanh vì không còn cảnh một hai giờ sáng từng tốp thanh thiếu niên kéo nhau đi tìm nhà có ti vi (đen trắng) để coi ké như mười mấy năm trước đây. Nhiều ngư dân thành đạt xài điện thoại thông minh màn hình “quẹt”.
Có anh chàng vừa đi biển về, sắm cái iPhone 5 mới cứng ngồi lui cui lưu số bạn bè. Cả buổi chiều chẳng ai gọi, anh chàng “tức” lắm, cứ vài phút lại móc ra “quẹt quẹt chấm chấm” gọi cho từng thằng bạn.
Trần Cao Duyên
Nguồn Báo Quảng Ngãi