Với diện tích trên 200 ha, đầm Nước Mặn ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là nơi neo đậu tàu thuyền và lưu dẫn nước mặn cho đồng muối Sa Huỳnh, song đây cũng là nơi mưu sinh của những người hành nghề săn trùn biển mỗi khi thủy triều xuống. Trùn biển có nguồn dinh dưỡng cao và đang có giá cao trên thị trường nên rất nhiều người đổ xô đi săn lùng loài thủy sinh này.
Những ngày thủy triều rút, là nỗi lo của nhiều ngư dân Sa Huỳnh, vì không thể đưa tàu thuyền vào nơi neo đậu. Thế những với những người hành nghề săn trùn biển, đó được xem là thời điểm "vàng" để hành nghề.
Chưa đầy 7 giờ sáng, tranh thủ lúc thủy triều rút, đầm Nước Mặn lộ dần những dải cát dài dọc theo đầm, hàng chục người hành nghề săn trùn biển bắt đầu tỏa ra khắp các bãi cát nhô lên để đào trùn biển.
Qua quan sát của chúng tôi, đồ hành nghề của dân đào trùn biển khá đơn giản. Chỉ với một chiếc cuốc nhỏ chuyên dụng có cán chừng 5 tấc, cùng một cái thùng để đựng “chiến lợi phẩm” là có thể hành nghề.
Trong số hàng chục người đào trùn biển trên đầm, chúng tôi làm quen anh Huỳnh Bá Long- một tay săn trùn biển có nghề ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh để tìm hiểu về nghề này.
Theo lời giới thiệu của anh Long, trùn biển có nơi gọi là hải sâm, cũng na ná con trùn đất nhưng có phần to hơn, thân mình màu nâu hồng nhạt và có ánh bạc, chuyên sống ở các đụn cát ven biển, nơi giao lưu giữa nước ngọt - mặn và ăn phù du ở dưới cát biển.
Đồ nghề đào trùn khá đơn giản, chỉ cần một cây cuốc nhỏ và một chiếc xô mang theo đựng trùn.
Chỉ tay những lỗ nhỏ đùn trên mặt cát, anh Long cho hay, đó là hang trùn. Vừa nói, nhanh thoăn thắt, chỉ vài ba lát cuốc, anh Long đã rút lên một con trùn biển dài khoảng 20cm đang ngoe nguẩy, rồi bỏ nhanh vào chiếc thùng xách bên hông. "Đây là con nhỏ đấy, chứ có con lớn dài hơn 40cm"- anh Long cho hay.
Thoạt nhìn, công việc đào trùn có vẻ đơn giản và nhẹ nhàng thế, nhưng có thử đào mới biết công việc này chẳng hề đơn giản. Những người tay ngang như chúng tôi không dễ gì bắt được. Bởi trùn biển rất nhanh, chỉ cần nghe động là di chuyển theo đường hầm được đào sẵn, nên chúng tôi đào thử vài hang thế nhưng chẳng bắt được con nào. Thế mới biết, không phải ai cũng làm được nghề này. Nếu như không có sự kiên trì, kinh nghiệm, thì dù có đi cả ngày cũng chẳng kiếm được.
"Để bắt được trùn biển đòi hỏi phải có tay nghề cao. Ngoài việc nhanh tay thì phải đoán biết đường đi của trùn. Khi lôi trùn lên động tác phải mềm mại nếu không trùn sẽ bị đứt đoạn"- anh Long hướng dẫn cho chúng tôi.
Trùn mình bắt về bán cho ai?- Chúng tôi hỏi. Anh Long hồ hởi: Trùn bắt xong sẽ được thương lái ở Bình Định đến tận nơi để thu mua với giá từ 55 - 60 nghìn đồng/kg trùn tươi. "Nghe các thương lái nói, người ta mua đem về sơ chế, phơi khô rồi xuất bán cho Trung Quốc để người ta làm thuốc gì đó, mình cũng không rõ lắm"- anh Long tiết lộ.
Bình quân một ngày, một người có thể bắt từ 4-5 kg trùn biển
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề này mỗi ngày chỉ làm từ 4-5 tiếng theo thủy triều lên xuống. Nếu năm nào thời tiết thuận, công việc sẽ diễn ra quanh năm. Thu nhập của nghề săn trùn biển cũng khá hấp dẫn. Đối với anh Long, mỗi lần vác cuốc đi, trở về thể nào anh cũng thu về không dưới 7-8kg trùn biển. Còn một người làm nghề đào trùn biển bình thường, mỗi ngày có thể đào 4-5kg trùn biển. Tính ra mỗi ngày chỉ làm vài giờ thủy triều rút, mỗi người kiếm được không dưới 200 nghìn đồng.
Điều khá đặc biệt, đa số những người hành nghề săn trùn biển chủ yếu là dân Bình Định, rất ít người dân địa phương theo nghề này. Lý giải về điều này, anh Long cho biết: Biết nghề đào trùn thu nhập khá, thế là người dân địa phương “vào cuộc”. Nhưng sống được với nghề săn trùn biển cũng không dễ, đòi hỏi phải có kinh nghiệm. Hơn nữa người đi săn trùn ngày càng nhiều, trùn thì ngày càng hiếm dần, nên không ít người bỏ cuộc, chọn nghề khác. Đối với những người hành nghề đào trùn biển, mỗi tháng theo con nước, họ lại thay đổi địa bàn bắt trùn, vì nguồn trùn ngày càng ít dần.
"Trước đây trùn còn nhiều mà người đi đào thì ít nên chưa đầy một buổi người ta có thể bỏ túi cả triệu đồng như chơi. Còn hiện nay nguồn trùn khan hiếm, nên nguồn thu nhập cũng thấp dần"- anh Long cho hay.
Trước nguồn thu nhập hấp dẫn, nhiều người chọn nghề đào trùn biển để mưu sinh
Chúng tôi chia tay anh Long lúc trời đã khá trưa, thế nhưng anh Long cũng như nhiều người săn trùn biển vẫn miệt mài đào trùn. Trước việc khai thác quá mức như hiện nay, không khó để nhận ra nguồn trùn biển đang cạn dần. Thiết nghĩ, nếu cứ khai thác ồ ạt như hiện nay có lẽ, chẳng bao lâu nữa trùn biển cũng không sinh sôi kịp cho con người khai thác.
Theo y học cổ truyền, trùn biển có vị mặn, tính hàn không độc, có tác dụng bổ dương, trị được nhiều bệnh: thương hàn, ôn dịch độc nhiệt, cổ trướng, phong cuồng và sốt rét…
Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, trùn biển giàu dinh dưỡng với lượng đạm khá cao, chứa nhiều acid amin quý và nhiều khoáng chất; cụ thể có tới 17 nguyên tố khoáng và 18 loại acid amin với 8 loại không thể thay thế phải dung nạp từ thực phẩm...
Bài, ảnh: Bảo Ngọc - Baoquangngai.vn