“Vụ cá Nam (từ tháng 3 - 9 âm lịch) biển êm, ít mưa bão nên nó là mùa quyết định chuyện làm ăn cả năm của ngư dân chúng tôi. Thế nhưng, hiện giờ, việc đánh bắt không được suôn sẻ, sản lượng giảm khiến nhiều phiên biển ngư dân bị lỗ tổn. Dù vậy, tôi và anh em đi bạn nhất quyết không để tàu nằm bờ mà phải cho tàu ra khơi, vừa đánh bắt hải sản, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, ngư dân Lê Văn Cả, ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) hành nghề lưới vây, chia sẻ.
Dù sản lượng giảm, giá thấp…
Vụ cá Nam đi qua gần 2 tháng, nhưng ngư dân Trần Tèo, hành nghề lưới rê ở xã Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi) vẫn chưa có được phiên biển vui. Lý do, sau 10 - 15 ngày bám biển, tàu anh trở về nhẹ tênh với 4 - 5 tấn cá chuồn thay vì 15 - 20 tấn như mọi khi. Đã thế, giá cá chuồn hiện giờ chỉ còn 10.000 đồng/kg khiến anh Tèo lỗ tổn. Bởi chi phí cho dầu, đá, thực phẩm… mỗi chuyến biển dài ngày đã hết 50 - 60 triệu đồng.
Cùng với anh Tèo, ngư dân Lê Văn Cả ở Sa Huỳnh, Phổ Thạnh cũng kém vui với đôi tàu có tổng công suất 600 CV chuyên hành nghề lưới vây. Chuyện là sau 30 ngày lăn lộn ở các vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đôi tàu trên chỉ mang về 5 tấn cá ngừ đại dương, bán sỉ được 60 triệu đồng. Trong khi chi phí mà nó “ngốn” thì hết 250 triệu đồng khiến chủ tàu lẫn anh em đi bạn buồn lòng.
Nhờ sự trợ sức của nhiều chính sách, ngư dân yên tâm đóng tàu lớn vươn khơi.
Tuy nhiên, theo ngư dân Lê Văn Cả thì chẳng những ông, mà từ đầu vụ cá Nam đến giờ, nhiều tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Sa Huỳnh ít trúng “lộc” biển. Nhưng điều khiến ngư dân thấy lạ là cá ít nhưng giá lại giảm. Bởi, “mất mùa phải được giá chứ!. Đằng này thương lái hạ giá hoài, chúng tôi cũng chẳng biết đâu mà lần”, ông Cả nói buồn.
…ngư dân vẫn đóng tàu lớn vươn khơi
Dù lượng cá và giá cả đều giảm, nhưng ngư dân Trần Tèo vẫn quyết định thay chiếc tàu có công suất 82 CV thành loại 305 CV trước sự ngỡ ngàng của anh em đi bạn. Họ cho rằng, anh chịu chi cả tỷ đồng đóng tàu giữa lúc việc đánh bắt, khai thác cá gặp nhiều khó khăn là không hợp lý. Nhưng đáp lại sự lo lắng trên, anh Tèo khẳng khái bảo: “Biển giả lúc được lúc không. Mình muốn đánh được nhiều thì tàu phải lớn, bớt ra vào cho đỡ tốn dầu. Mà tàu to thì mới cùng anh em ở dài ngày ngoài biển đánh cá, xem tàu Trung Quốc dám làm gì mình”. Vì lý do này mà bất chấp nợ nần, khó khăn, anh Tèo vẫn hạ thủy con tàu có công suất 305 CV của mình để thẳng tiến Hoàng Sa.
Trong khi đó, ngư dân Phan Bé, xã Phổ Thạnh cũng mạnh dạn đóng tàu lưới vây vỏ thép có công suất 892 CV với chi phí lên đến 6,5 tỷ đồng để vươn khơi dù trước đó, ông Bé cũng ngần ngại vì “nghề biển đang khó”. Thế nhưng khi được Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, thuộc Tổng Công ty tàu thủy Việt Nam tạo điều kiện trả góp vốn trong 6 năm liên tục thì ngư dân Phan Bé vui vẻ gật đầu. Lý do, “tàu mình to, lại đi theo đội nên nếu tàu Trung Quốc chạm mặt, họ cũng phải kiêng nể, e ngại”, ông Bé thổ lộ.
Trong khi ngư dân tâm huyết, can trường bám biển, thì Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cũng sát cánh bên họ. Nếu như Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 191 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc hỗ trợ nhiên liệu, trang thiết bị trạm bờ, máy HF, bảo hiểm thuyền viên, thân tàu và kinh phí hỗ trợ khi tàu gặp rủi ro… được thực thi kịp thời thì, Quỹ Hỗ trợ ngư dân tỉnh lại trở thành chỗ dựa cho những ngư dân gặp khó thông qua việc cho mượn vốn (hơn 7 tỷ đồng) để mua sắm ngư lưới cụ hoặc đóng mới, cải hoán tàu thuyền.
Đặc biệt sắp tới, Quỹ Hỗ trợ ngư dân sẽ trích kinh phí đóng mới 2 chiếc tàu vỏ thép giao cho ngư dân quản lý, sử dụng, nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả khai thác, yên tâm bám biển. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích cũng nhấn mạnh tại cuộc họp thông qua Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp vào chiều ngày 13.5, rằng: “Tỉnh và các sở, ngành liên quan sẽ tập trung tháo gỡ những vướng mắc về nguồn vốn, giúp ngư dân có điều kiện đóng mới tàu thuyền công suất lớn, mà trọng tâm là tàu vỏ thép”.
Bài, ảnh: MỸ HOA - Nguồn: Báo Quảng Ngãi