Thênh thang trời biển Châu Me
Mình biết Châu Me từ năm 1972, nhưng để biết Châu Me – cùng với những thôn khác của hai xã Phổ Châu – Phổ Thạnh đều thuộc vùng Sa Huỳnh thì phải...đợi đến năm 1978, nghĩa là phải mất 6 năm sau đó. Tại Gò Ma Vương (Long Thạnh, Phổ Thạnh), giữa lúc đoàn khảo cổ đang nhẹ nhàng đưa những cái chum lên mặt đất, mình được tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Ngọc Trai giở bản đồ thời Pháp thuộc ra và khẳng định: “Sa Huỳnh kéo dài từ Gò Cát (Phổ Thạnh) đến Vĩnh Tuy (Phổ Châu). Còn Văn hóa Sa Huỳnh là không gian di chỉ khảo cổ học rộng lớn bắt đầu từ Đèo Ngang (Quảng Bình), ngược lên Tây nguyên và chạy mãi đến Đồng Nai. Hơi dài dòng một chút là để người thôn Thạch By thôi nghĩ rằng duy nhất làng mình là làng Sa Huỳnh, và người Phổ Thạnh, Phổ Châu (bất kỳ thôn nào) cũng nên hiểu rằng mình là dân Sa Huỳnh “chính hiệu”. Vì vậy, khi nói đến vẻ đẹp thiên nhiên ở Châu Me cũng là nói đến vẻ đẹp của biển trời trong quần thể non nước Sa Huỳnh.
Thôn Châu Me có chiều dài trên 3 km bờ biển. So với Thạch By, Châu Me còn giữ được những bãi dương khá thơ mộng chạy dọc theo triền cát. Mùa hè, biển Châu Me là điểm đến của hàng trăm khách du lịch mỗi tuần. Họ đến Châu Me để nghe gió nồm cùng sóng biển “ru mãi ngàn năm” khúc nhạc trùng dương, để nghe tiếng lá dừa tí tách những “trưa nào thời nào vàng bướm bên ao”, để nghe thì thầm hàng thùy dương “tóc xõa bồng mềm” giữa chiều mơ nắng nhạt. Về Sa Huỳnh, gặp “thôn nữ” Châu Me như gặp lại màu nâu lành quê kiểng, như gặp lại chính mình với cả một miền thơ ấu lao xao.
Một đoạn bãi cát Châu Me uốn cong bên thềm biển
Hòn Bù Nú nhìn từ xa
Gành đá Châu Me nằm nghe biển hát
Duyên dáng một cành bàng lá đỏ hay cánh tay vẫy gọi người xa về với Châu Me
Dây muống biển thường hay nghịch ngợm, vướng vào em anh biết gỡ làm sao
Chừng như đá cũng bồi hồi trước lao xao trời biển Châu Me
Chiều về bên gành Bù Nú với con thuyền gối bãi thảnh thơi
Chiều chiều mây phủ Đá Bia, Đá Bia mây phủ cô kia lấy chồng
Châu Me vẫn đợi chờ em, tình anh xanh ngát bên thềm biển ru
Châu Me biển vắng chờ ai, sóng dâng thương nhớ những ngày cách xa
Bài và ảnh: Trần Cao Duyên