Cửa biển Sa Huỳnh
Điều đáng nói là, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nạo vét thông luồng cửa biển, xây dựng đê chắn cát tại đây, nhưng dự án không phát huy hiệu quả. Đài TNVN đã có một số lần phản ánh nhưng hiện vẫn chưa có cơ quan chức năng vào cuộc.
Thời gian gần đây, ngư dân Đức Phổ nơm nớp lo sợ mỗi khi đưa tàu thuyền ra vào cửa biển Sa Huỳnh. Nguyên nhân là do cửa biển ngày càng bồi lấp. Một số tàu va vào đá vỡ thân tàu gây thiệt hại lớn về tài sản...
Huyện Đức Phổ có hơn 1000 tàu thuyền; trong đó gần 2/3 là của ngư dân xã Phổ Thạnh. Trước đây, hàng ngày cảng Sa Huỳnh đón vài trăm tàu cá ra vào neo đậu, tiếp nhiên liệu, tiêu thụ hải sản. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây cửa biển Sa Huỳnh ngày càng bị bồi lấp thì số tàu ra vào cảng Sa Huỳnh thưa dần.
Một số ngư dân ở đây cho biết, mỗi khi đưa tàu thuyền ra vào cửa Sa Huỳnh là nơm nớp lo sợ mắc cạn và bị va vào đá. Muốn đưa tàu cập cảng hoặc ra khơi, ngư dân thường trông chờ vào mực nước thủy triều lên xuống. Chẳng may đụng lúc nước thủy triều rút mà chậm chân một chút là bỏ dở chuyến ra khơi hoặc nằm chờ ngoài cửa biển. Những thuyền đi đánh bắt hải sản trở về bị mắc kẹt ở cửa biển phải trung chuyển bằng những chiếc thuyền nhỏ vừa tốn kém vừa mất thời gian, kể cả khi nước thủy triều lên tàu thuyền ra vào cũng hết sức khó khăn, vì cửa biển hẹp lại và dễ va vào bờ kè. Hiện nay, chỉ có tàu cá nhỏ mới vào cửa biển này, còn lại đều phải tìm nơi khác để neo đậu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, một ngư dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết: “Nhân dân đi ra đi vô rất khó khăn. Đi bờ lạch lên đây, bây giờ có kè buộc lòng phải đi mép đá, nước cạn không đi được, mà tấp vô kè là hư tài sản. Từ ngày làm kè ở đây có nhiều tàu lớn nhỏ bị hư”.
Năm 2001, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư hơn 44 tỷ đồng để triển khai giai đoạn 1 Dự án “Thông luồng cửa biển và xây dựng cảng cá Sa Huỳnh”. Theo đó, Dự án gồm 2 hạng mục chính là đầu tư xây dựng kè chắn cát và chắn sóng dài hơn 460m; nạo vét luồng. Năm 2005 dự án hoàn thành. Hàng năm, nhà nước cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng để nạo vét. Tuy nhiên, ngư dân Sa Huỳnh chưa kịp vui mừng thì đã thất vọng vì hiệu quả của các dự án không được phát huy. Cửa biển Sa Huỳnh ngày càng bị bồi lấp, những khối bê tông làm kè trở thành những cái “bẫy” mỗi khi tàu thuyền ra vào cửa biển.
Theo thống kê chưa đầy đủ của xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 30 tàu cá của ngư dân bị va vào đá vỡ thân tàu. Riêng từ đầu năm đến nay có thêm 3 trường hợp nữa bị lâm nạn. Mới đây, tàu của anh Lê Thanh Như, ở thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ bị va vào kè làm thủng thân, chìm tàu. Thực tế những năm gần đây, cửa biển Sa Huỳnh bồi lấp gây khó khăn cho ngư dân làm nghề khai thác hải sản. Hầu hết tàu có công suất lớn của ngư dân ở đây phải neo đậu nơi khác, rất tốn kém. Chính vì vậy, thông luồng cửa biển Sa Huỳnh là điều mong muốn của ngư dân nơi đây.
Ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho biết: Hiện nay tàu có công suất 100CV trở lên không về cửa biển được. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện đánh bắt, địa phương mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư hơn nữa nhằm nạo vét, xử lý đồng bộ tình trạng bồi lấy, tạo điều kiện đánh bắt cho bà con.
(Nguồn VOV)