Mình làm gì có nhà mà về hả mẹ?

Tết này con sẽ không về. Gia đình họ có nhà cửa đàng hoàng thì anh em tụ họp đón tết, vui xuân chứ mình làm gì có nhà mà về hả mẹ!. Đấy là nội dung bức thư mà người con trai út của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tưởng, chị Trương Thị Lệ ở thôn Thạch By 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), thổ lộ. Có lẽ không một ai nghe xong mà không khỏi xao lòng.

Anh Tưởng siết chặt tay tôi bộc bạch trong nước mắt: Ở cái tuổi 52, còn sức lao động như vợ chồng tôi mà nói nghèo đói, không có nhà cửa để ở thì chắc chắn rằng không ai tin, nhưng đó lại là sự thật. Một sự thật mà tết này mấy đứa con đi làm thuê ở Sài Gòn đều không muốn về quê sum họp cùng gia đình. Âu đó cũng là cái số, biết trách ai bây giờ!

Đúng vậy! Cũng như bao người dân khác ở vùng biển Sa Huỳnh, anh Tưởng cũng gắn bó với nghề biển như một định mệnh. Cái nghề cưỡi sóng vượt muôn trùng khơi này đã mang đến cho gia đình anh bao nhiêu niềm vui thì cũng để lại bấy nhiêu nỗi buồn mà không biết đến khi nào mới được vơi đi.

Để vươn ra khơi xa làm ăn, năm 1996, anh Tưởng vay 80 triệu đồng tại Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp Sa Huỳnh để nâng cấp tàu công suất lớn và mua sắm ngư lưới cụ. Những tưởng trời yên, biển lặng, cá tôm đầy ắp khoang tàu sau mỗi chuyến ra khơi, nhưng không được như thế. Chuyến nào khá lắm cũng chỉ đủ tiền trả phí tổn, trả công cho mấy anh em đi bạn. Vì thế, niềm tin đối với nghề biển trong anh cạn dần.

Tai họa bắt đầu ập xuống gia đình anh, khi con tàu trị giá vài trăm triệu đồng đang neo ở cửa biển Sa Huỳnh thì bị cơn bão năm 1997 nhấn chìm dưới đáy biển, để lại trên bờ vô số nỗi lo. Anh tự nhủ lòng, mình không có duyên với nghề biển thì đành chịu. Anh đoạn tuyệt với nghề biển từ đây, nhưng món nợ gốc lẫn lãi hơn trăm triệu đồng thì không thể chối bỏ. Thế là, anh cho trục vớt chiếc tàu lên và gỡ bán từng phần để trả nợ ngân hàng nhưng cũng chẳng được là bao.


Hơn 2 mùa xuân qua, gia đình anh Tưởng nương nhờ trong căn nhà thuộc sở hữu của ngân hàng.

Cuộc sống gia đình anh ngày càng bi đát. Hai đứa con trai lớn, đứa nghỉ học vào Sài Gòn làm thuê, đứa đi bộ đội, chỉ còn đứa con gái út theo học. Vợ chồng bươn chải buôn bán đủ nghề, nhưng đồng tiền lãi thu được cũng chỉ đủ đong gạo nấu ăn qua ngày, nên khoản nợ ngân hàng ngày một tăng thêm. Đến cuối năm 2000, tiền gốc và tiền lãi phải trả trên 130 triệu đồng. Và từ đó, vợ chồng anh không có thu nhập để trả nợ nên năm 2010 ngân hàng đã làm thủ tục kê biên ngôi nhà và đất để bán thu hồi nợ. 6 con người trong gia đình anh bắt đầu cuộc sống lang bạt, không nhà cửa, không nghề nghiệp. "Cảm thông hoàn cảnh không có nhà, ngân hàng cho phép gia đình được ở tạm đến khi nào có người mua thì phải trả lại. Nói là nhà cho oai chứ chú thấy đó, mưa thì che bạt ngủ, nắng thì mặt trời rọi, tường nứt bong tróc, mái ngói bị võng nên có nguy cơ sụp đổ bất cứ khi nào"- chị Lệ bộc bạch.

Điều mà khiến anh chị luôn ray rứt, trằn trọc không sao ngủ được là, hai người con trai đã đến tuổi trưởng thành, có bạn gái nhưng không dám đưa về nhà. Chị Lệ kể: Hôm rồi, thằng út gọi điện về bảo nhớ nhà muốn về thăm bố mẹ, nhưng về thì bạn bè đến thăm chơi mà nhà ở tạm bợ như thế này thì ngại lắm. Nghe nó nói thế mà ruột tôi đau như cắt. Dù nó không trách móc, nhưng phận làm cha mẹ mà để con sống trong cảnh hổ thẹn với bạn bè thì làm sao vui được. "Tết rồi, anh em tụi nó có về nhưng lủi thủi ở nhà suốt trong 3 ngày tết, vì sợ bạn bè biết đến thăm chơi mà không có chỗ ngồi đàng hoàng.

Nhưng tết này, nếu như tụi nó không về thì gia đình còn gì là Tết nữa"- chị Lệ chia sẻ.  Một nỗi đau nữa là, nếu như ngân hàng lấy lại căn nhà này thì cũng đồng nghĩa với việc 6 con người trong gia đình anh không chốn nương thân. Nơi thờ cúng người cha là ông Nguyễn Dững tham gia kháng chiến chống Pháp và anh ruột của anh Tưởng là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cũng không còn. "Người sống thì bám víu đâu cũng được. Còn 2 di ảnh này mà bất đắc dĩ phải đặt ở những nơi không trang nghiêm thì khó coi lắm"- anh Tưởng chia sẻ.

Thế sao anh không xin đất dựng tạm ngôi nhà để có chốn ra vào nương thân? Anh Tưởng trả lời: Có chứ. Tôi xin từ năm 2010 đến giờ, nhưng họ bảo tôi không thuộc đối tượng được xét cấp đất ở, vì không phải là con liệt sĩ, đối tượng thương binh, hộ nghèo. Họ trả lời như thế là nghĩ rằng tôi muốn được cấp không một lô đất ở, nhưng không phải vậy. Tôi chỉ mong xã xét cho tôi được mua với giá ưu đãi. Nhưng rồi, mong ước của anh Tưởng cũng chỉ là ước mong. Những lá đơn xin đất ở lần lượt được gửi đi nhưng chưa bao giờ mang được tin vui trở về. Và một khi chưa an cư thì chắc chắn rằng gia đình anh Tưởng khó có thể lạc nghiệp. Cuộc sống gia đình anh tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn.

Một mùa xuân mới nữa lại sắp về, tôi kỳ vọng rằng, hoàn cảnh của gia đình anh Tưởng sớm được chính quyền địa phương cảm thông, chia sẻ với tinh thần đầy trách nhiệm.

Bài, ảnh: Đức Nguyễn - Nguồn Báo Quảng Ngãi

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046