Anh Trương Thâm - Ảnh: Trần Cao Duyên
Từ 10 năm nay, sau những biến cố của gia đình, anh Trương Thâm (45 tuổi), ngụ thôn Tấn Lộc, xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) không hề chợp mắt.
Khuya, khi những người trong gia đình và hàng xóm chìm trong giấc ngủ là anh Trương Thâm rơi vào trạng thái cô đơn, một mình một bóng, cảm thấy đang bị tách khỏi cộng đồng. Kể về “hành trình” gần 10 năm mất ngủ của mình, giọng anh Thâm tỉnh táo như một người... không hề mất ngủ.
Đầu năm 2001, anh làm nhà, túng thiếu, nợ nần. Lo nghĩ, suy tính đeo bám từng giờ, rồi Trương Thâm bị trầm cảm, trạng thái hồi hộp lúc nào cũng “thường trú” trong anh. Khuya, hai mắt vẫn tỉnh khô nên anh đến với rượu cho dễ ngủ. Những đêm đầu là vài ly con, dần dần phải một xị thì giấc ngủ mới đến, nhưng cũng chỉ vài giờ. Rồi cha mất, nỗi buồn thêm nặng trĩu lòng anh. Từ đây, muốn ngủ, Trương Thâm phải “rót” vào dạ dày khoảng hai xị rượu (nửa lít). Mấy năm sau, anh lại đau đớn khi người anh ruột ra đi đột ngột trong một tai nạn giao thông. Từ đó, mỗi lần muốn “chập chờn” một chút, anh phải uống hơn nửa lít.
Ngoài anh Trương Thâm với 10 năm mất ngủ, ở Quảng Ngãi còn có ông Bùi Viết Lan, 53 tuổi, ở tổ dân phố 2, khu dân cư số 4, thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, cũng là người mất ngủ triền miên. Ông Lan khẳng định, từ đầu năm 1994 đến nay ông không hề ngủ dù ngày hay đêm. Nhiều đêm cảm giác buồn ngủ ập đến nhưng mắt cứ mở trao tráo, không sao ngủ được đành mở tivi xem hoặc đi loanh quanh trong nhà, tưới nước cho cây cảnh. Dù đã đi khám nhiều bệnh viện trong cả nước, uống thuốc theo toa của bác sĩ mấy năm liền, sau đó chuyển qua Đông y nhưng rốt cuộc ông Lan vẫn không ngủ được. Suốt 16 năm không ngủ, dù bị sụt cân từ 52 kg xuống còn 48 kg nhưng có một điều lạ là ông Lan không hề bị đau ốm, vẫn làm việc và sinh hoạt như người bình thường.
Hiển Cừ
Không lâu sau, thần kinh của Trương Thâm “đòi hỏi” phải một lít thì mới “phê” được. Nhưng cũng chẳng thấy thấm tháp gì trong vài tháng sau đó. Vả lại, tiền đâu để mua rượu hằng ngày như thế! Anh chắt mót, vay mượn rồi lặn lội tìm đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM, Hà Nội, gặp hết bác sĩ tâm lý này, bác sĩ tâm thần nọ và tha về hàng đống thuốc. Năm 2008, Trương Thâm đến khám tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 ở Biên Hòa (Đồng Nai), bác sĩ kết luận anh bị trầm cảm do rối loạn lo âu, sầu uất. Giữa năm 2009, anh vào Bệnh viện Tâm thần Bình Định khám thêm lần nữa và bác sĩ kết luận, hoạt động điện não của anh kém điều hòa, biên độ thấp, dạng kích thích. Trương Thâm cho biết, các bác sĩ cho các loại thuốc dạng an thần và hẹn ngày tái khám, không nói một lời nào về triển vọng chữa được bệnh mất ngủ của anh. Nhưng thuốc an thần thì “tan” nhanh lắm. Mười một giờ đêm uống thuốc thì một giờ sáng anh đã tỉnh rụi.
Giờ thì các loại rượu bia không có tác dụng gì với hệ thần kinh của anh. Mấy ông hưu trí cùng xóm “phong” cho anh biệt danh “bất túy” (người không biết say). Trương Thâm đã hoàn toàn vô cảm, chai lì trước các loại chất kích thích, thuốc an thần, cả thuốc có khả năng gây mê khá nặng đô.
Vì thế, anh đã liên tục có những đêm dài lê thê, trằn trọc, mắt mở thao láo. Thâm tâm sự: “Nghĩ mà buồn, hồi chưa giải phóng, bom pháo ầm ì cả đêm, anh em tui vẫn ôm nhau trên chiếc chiếu manh mà ngủ ngon lành. Giờ hòa bình, chăn êm nệm ấm, một tí ngủ gật cũng kiếm không ra”.
Dù rất thương chồng, thương cha, nhưng vợ con không thể thức cùng Trương Thâm đến mấy ngàn đêm như thế. Sợ làm phiền vợ con, anh lặng lẽ hết nằm lại ra hiên ngồi chờ sáng. Trương Thâm nói với tôi, mắt ngấn nước: “Tính ra, tui đã có thâm niên gần mười năm mất ngủ rồi đó anh. Nếu không vì vợ con, có lẽ tui đã tự tạo ra một giấc ngủ dài thăm thẳm cho mình”.
Mất ngủ kéo dài như thế nhưng điều làm ai cũng ngạc nhiên là Trương Thâm không hốc hác, tiều tụy, xanh xao, mắt thâm quầng - dấu hiệu thường thấy của một người chỉ vài đêm thiếu ngủ. Ngược lại, cơ thể anh trông vạm vỡ, cường tráng, các bắp thịt săn chắc, nở nang. Trương Thâm vẫn thường đi bộ thể dục dọc bờ biển quê anh ngày hai buổi sáng chiều. Anh cho rằng đi như thế thấy thư thái, dễ chịu.
Hết ngày dài rồi lại đêm thâu, chứng mất ngủ của anh chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt, do vậy “thời lượng” mất ngủ sẽ không dừng lại ở con số 10 năm.
Các nhà chuyên môn cũng “bó tay”
Chúng tôi đem chuyện có người không hề ngủ hàng chục năm trao đổi với nhiều bác sĩ ở lĩnh vực Tây y, bác sĩ chuyên khoa tâm thần, và cả Đông y, nhưng hầu hết các nhà chuyên môn đều nói... “bó tay” về chuyện này.
Bác sĩ Lê Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Y Dược học TP.HCM nói: “Ở trong nước cũng đã có một số người không ngủ hàng mấy chục năm, nhưng phải thừa nhận là chúng tôi vẫn chưa nắm rõ lý do dẫn đến tình trạng không hề ngủ mà vẫn mạnh khỏe, làm việc bình thường như vậy”. Bác sĩ Phạm Văn Trụ - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM nói: “Đây là những trường hợp rất hiếm, cần phải có nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực tâm thần học mới có thể biết được. Riêng bản thân tôi trước đây từng gặp một trường hợp bệnh nhân nam mất ngủ mấy năm liền sau chiến tranh, nhưng rồi sau đó anh trở lại bình thường”.
PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM) thì nói: “Có một số nhà chuyên môn cho rằng, lý do khiến một số người mất ngủ triền miên như vậy là do họ có tổn thương ở não, cụ thể là vùng điều khiển giấc ngủ (thùy thái dương); một số trường hợp khác thì do bị bệnh trầm cảm cũng khiến mất ngủ triền miên. Phần lớn các trường hợp mất ngủ ngắn hạn, nhất thời thường là do căng thẳng, stress, do dùng một số loại thuốc trị bệnh..., loại bỏ được những nguyên nhân này thì sẽ cải thiện giấc ngủ”.
Nên chăng, ngành y tế cần có một nghiên cứu trên một số người không bao giờ ngủ mà các báo trong nước đã thông tin trước đây như: ông Ngọc (65 tuổi ở Quảng Nam) với 35 năm không ngủ; ông Kha ở Quảng Bình với 29 năm không ngủ; ông Cảng ở Hà Tĩnh 18 năm không ngủ... Đặc biệt, tại sao những trường hợp trắng đêm không ngủ ấy đều là đàn ông?
Thanh Tùng
Trần Cao Duyên - Nguồn Thanh Niên