TTCT - Từ những làng chài nghèo khó với những con thuyền đánh cá khiêm tốn ra vô bến cảng Sa Huỳnh, ngư dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã trở nên giàu có với những đội tàu ngang dọc trên biển Đông.
Điều đó cho thấy giá trị to lớn của kinh tế biển khi người đánh cá biết làm chủ công nghệ và kỹ thuật đánh bắt, biết giúp nhau làm ăn và bảo vệ nguồn lợi biển.
Cảng cá Sa Huỳnh nông và hẹp nên chỉ tiếp nhận được 1/3 số tàu cá Phổ Thạnh - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Mới 6g sáng, từ các làng Thạnh Đức 1, Thạnh Đức 2 đã có nhiều người kéo nhau ra bờ biển Hóc Mó tập thể dục và tắm biển. Những dãy nhà bên đường thảy đều khang trang, tươm tất, xen lẫn những ngôi nhà lầu. Đây đó từ những ngôi nhà vọng ra những lời điện đàm buổi sáng của người nhà với các thuyền viên đánh bắt ngoài khơi qua máy bộ đàm Icom.
Những cuộc đổi đời
Trong số những người tắm biển có thành viên của “câu lạc bộ” chủ tàu ở Phổ Thạnh. “Mình cực khổ từ nhỏ, giờ khấm khá phải biết hưởng thụ một chút để bù lại chứ. Nhưng không riêng gì chúng tôi, những thuyền viên khi về bến cũng ăn chơi dữ lắm. Mà khoản tiền họ ăn tiêu cũng là của chủ tàu dành cho họ cùng với phần họ làm thêm trên tàu như bắt cá ngựa chẳng hạn” - chủ tàu Võ Thu nói bên bữa tiệc xả hơi hằng tuần được dọn ngay trên bờ biển sáng chủ nhật.
Tính bình quân doanh thu 2 tỉ đồng/năm/tàu, với 753 tàu cá, mức doanh thu từ nghề biển của Phổ Thạnh là rất lớn. Ngoài ra còn có hàng chục cơ sở chế biến hải sản, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, các dịch vụ nghề biển tại địa phương đem lại việc làm cho hàng ngàn người. Từ truyền thống đoàn kết của ngư dân, Phổ Thạnh đã lập được 30 tổ tự quản cho số tàu thuyền đánh cá, giúp nhau thiết thực trong việc đánh bắt, bảo vệ tàu thuyền và ngư dân của địa phương mình. Mới đây, ngư dân Phổ Thạnh còn cứu hộ một số ngư dân tỉnh bạn bị tàu lạ đâm đắm tàu.
Ông NGUYỄN DUY TRINH
(phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh)
Theo ông Thu, tính đến thời điểm này có thể nói mùa cá năm nay đạt được mức khá, cặp tàu lớn 480CV của ông trong hai tháng (hai chuyến) thu được 1,3 tỉ đồng, trừ chi phí còn được 300 triệu đồng.
Xuất thân làm bạn chài khi 14-15 tuổi với đôi tay trắng, chưa đầy 20 năm ông chủ 55 tuổi này đã sở hữu đội tàu sáu chiếc có công suất từ 120CV-480CV với tổng giá trị gần 7 tỉ đồng. “Cái chính là nhờ biển cho mình, còn lại là mình chịu khó làm ăn, biết tính toán, biết đầu tư đúng lúc đúng chỗ” - ông Thu giải thích.
Cũng từ một bạn chài tay trắng được thôi thúc bởi khí thế làm ăn của người dân biển quê mình, ông Trần Đức Minh đã ra khơi trên chiếc thuyền 10CV rồi tiến lên xây dựng nhà cửa, năm 2004 tậu hai chiếc tàu lớn loại 420CV. Ông chủ 53 tuổi này tâm sự: “Mình còn có thể tiến thêm nữa nhưng mà thôi, nhường cho con cái cũng như giúp vốn cho anh em làm. Tuy vẫn còn khỏe nhưng tôi cũng đã “hưu” cách nay sáu năm. Cuộc đổi đời với tôi, với bà con như vậy là lớn lắm rồi”.
Ông Nguyễn Duy Trinh, phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho rằng bước phát triển của nghề cá Phổ Thạnh là từ khoảng năm 1996, nhưng “vượt bậc” là từ năm 2006 đến nay. Tổng số tàu đánh cá của xã hiện 753 chiếc, trong đó chỉ có 60 chiếc loại nhỏ. Từ năm 2006 đến nay đã có thêm trên 100 chiếc, trong đó năm 2009 có thêm 50 chiếc. Quý 1 năm nay đã hạ thủy tám chiếc đóng mới và mua lại 20 chiếc tàu cũ từ các nơi.
Tàu cá tăng làm xuất hiện nhu cầu tìm bạn chài. “Trong lúc ở nhiều nơi ngư dân phải bỏ làng đi làm thuê ở xứ người, các chủ tàu ở Phổ Thạnh phải tìm bạn chài ở các nơi về làm, tuyển thêm cả người làm ruộng. Gần phân nửa số bạn chài trên tàu cá Phổ Thạnh là người ở các nơi đến” - ông Phan Hiển, chủ tàu và cũng là chi hội trưởng Chi hội nghề cá Phổ Thạnh, cho biết.
Chủ tàu Huỳnh Minh cùng các con sửa chữa ngư cụ chuẩn bị ra khơi.
Các tàu cá Phổ Thạnh đều có thợ sửa chữa có tay nghề vững, giải quyết được phần lớn
hỏng hóc máy giữa biển - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Nghề dạy nghề và bài học “đi cặp”
Lượng tàu cá ở Phổ Thạnh tăng nhanh là từ hiệu quả của đánh bắt. “Khác với thời trước, chuyện làm ăn bây giờ đòi hỏi người đi biển phải tính toán thật kỹ, thật chắc. Không ai bỏ ra 500-700 triệu hay 2-3 tỉ đồng để sắm một tàu cá nếu không lường trước được đường làm ăn của mình” - ông Huỳnh Minh, chủ hai con tàu 350CV, phân tích.
Nhiều chủ tàu cho rằng nghề cá ở Phổ Thạnh phát đạt có nhiều yếu tố, nhưng đáng nói là ở sự năng động, đoàn kết của ngư dân. Từ những con thuyền nhỏ có công suất chừng vài chục CV, tiến đến làm chủ những con tàu công suất hàng trăm CV, ra khơi xa, biển lớn họ đã học hỏi thêm cách đánh bắt từ ngư dân bạn như Thái Lan, Indonesia... “Tụi tôi không nề hà bỏ vốn lớn để mua thiết bị hiện đại cho nghề. Hễ nghe nói có những loại nào tối tân hơn là tụi tôi rủ nhau tìm cách sắm cho được” - ông Minh nói thêm.
Nhưng trước khi có những chiếc máy tầm ngư, định vị, máy bộ đàm, những giàn lưới hiện đại, đắt tiền, từ rất sớm ngư dân Phổ Thạnh đã có nhiều cách để đạt kết quả trong việc lưới chài. Một trong những sáng tạo của họ là cách đánh bắt “đi cặp” - hai tàu cùng đánh chung một mẻ lưới. Chủ tàu Võ Thu giải thích ưu điểm này: “Hai tàu cùng đi tìm đàn cá để thả giàn lưới to xuống rồi cùng nhau kéo hai đầu lưới lên, đến khi có cá hai tàu chia nhau chở cũng được nhiều hơn, đi cặp có lợi là vậy. Rồi khi có trắc trở gì thì cùng nhau lo liệu, xử lý, lỡ tàu này hư sửa không được thì tàu kia dìu kéo về”.
Theo ông Thu, với những con tàu lớn từ 250CV-500CV, lượng cá mỗi tàu thu được trong chuyến hành nghề một tháng là 50-60 tấn, tổ hợp đánh bắt cặp đôi là phù hợp nhất. Thời gian đánh bắt một tháng/chuyến cũng là cao nhất bởi sức nặng của lương thực, nước uống, xăng dầu, nước đá, lưới cụ mỗi chuyến cho một cặp tàu trên 20 tấn, khó có dịch vụ tàu hậu cần tiếp tế, thu mua cá trên biển để giúp tàu cá kéo dài chuyến đánh bắt.
Từ sự gắn bó trong cách đánh bắt cặp, ngư dân Phổ Thạnh tiến tới chia sẻ cho nhau đàn cá, giảm cảnh tàu đói, tàu no, may nhờ rủi chịu. Ông Phan Hiển nói rõ hơn: “Ông cha hồi xưa nói thà cho nhau vàng chứ không chỉ đàng đi buôn. Nhưng giờ thì khác rồi. Hễ tàu này gặp được đàn cá lớn, ngư trường tốt thì nhấc máy lên gọi tàu của bạn mình đến đánh. Tùy theo quy mô đàn cá mà gọi lượng tàu bạn đến để chia sẻ cho phù hợp. Chia cho nhau cái may, cơ hội, chuyện làm ăn trên biển của dân mình giờ dễ hơn là vậy”.
Cũng xuất thân từ nghề chài lưới khó khăn, những chủ tàu cho biết niềm vui của họ một phần là thấy mình đã trợ đỡ, dắt dìu bà con trong làng cùng đi lên với nghề biển. Ngoài việc ngư dân hùn vốn tậu sắm, số tàu cá của Phổ Thạnh tăng nhanh còn có nguồn hỗ trợ của các chủ tàu, từ giúp vốn để mua sắm đến cho họ hùn hạp cổ phần để nhen nhúm đồng vốn. Hiệu quả đánh bắt ở Phổ Thạnh cao cũng là nhờ sự tận tụy của thuyền viên vốn luôn được chủ tàu tạo điều kiện vươn lên.
Theo ông Phan Hiển, nguồn vay từ các ngân hàng cũng hỗ trợ phần nào cho người mua tàu cá. Nhưng ngư dân ở đây rất lo nợ, chỉ vay một tỉ lệ khá thấp so với tổng số vốn mua sắm tàu và ngư cụ. Thêm một nhân tố kích thích sự phát triển của nghề biển Phổ Thạnh là từ năm 2006, các tàu cá ở đây được Nhà nước miễn toàn bộ mọi loại thuế, cả khoản đóng góp ngân sách xã.
(Huỳnh Văn Mỹ - Nguồn Tuổi Trẻ Online)