Sáng nay, trên đường ra chợ hoa “chộp” được câu chuyện vui: một ông cụ hình như đã có “ga”, quần ống cao ống thấp, áo vest, đi chân không, chạy hớt hơ hớt hải tìm hai đứa cháu về chụp hình “đại gia đình” trong lễ cúng rước ông bà. Người nhà chạy theo năn nỉ ông về, ông nói không, dứt khoát tao phải tìm cho ra hai đứa nó. “Pô” ảnh này mà không có tụi nó thì còn ý nghĩa gì. Thì ra hai đứa cháu mà ông tìm, một đứa tên Qúy và một đứa tên Tỵ. Cuối cùng ông “lôi” được hai đứa trong một rừng hoa trước UB xã.
Đối diện trụ sở UB là hàng trăm chậu cúc của anh N., quê Sông Vệ. Hàng hoa của anh vắng vẻ. Tôi sà tới. Anh bắt chuyện ngay. Anh nói hoa tui 170 ngàn / chậu. Người ta chê đắt không mua, tui cũng chưa muốn bán. Anh chỉ mấy chậu cúc đang được chuyển lên ba gác từ một gian hàng bên cạnh, nói hoa “dạng” đó 120 ngàn / chậu chớ mấy. Anh coi, giá đó thì chậu nào chậu nấy lá chưn tàn lụi, rụng gần hết, ngó giống như người… không bận quần. Còn hoa tui lá chưn lá cẳng đầy đủ, xanh mướt từ trên xuống dưới, rất lịch sự và đẹp như… hoa. Rồi anh cười rất hiền: “Tiền nào của nấy anh à. Mà nè, chụp hình rồi mua giùm tui một chậu mớ hàng hỉ”, anh chuyển qua giọng bông phèng, “ Chớ ai trồng bông sẵn cho ông chụp?”. Tui OK, tưởng 170 ngàn, hóa ra anh chỉ “hữu nghị” 100 ngàn. Sướng.
Qua gian hàng hoa mai, ông bán hoa (chắc là dân Trảng Bom) nổ dữ dội. Ai đời chậu nào cũng uốn kiểu lò xo, mười mấy chi xoay đều từ gốc lên ngọn, nụ hoa èo uột, cánh mai nhăn nhúm nẩy ra sau, giơ mấy sợi “râu” về phía trước mà ông hét tới 3, 3 triệu. Một anh chàng gốc Sa Huỳnh nhưng “thân và ngọn” là thành phố, mới về quê ăn tết, nói thứ này “ở chỏng có ba chăm hà, ông hô dữ dzậy?”.
Bông thọ chậu mi ni mấy năm trước bán rất chạy thì năm nay sức mua giảm mạnh do “trùng thế”. Bông thọ tại chỗ (Sa Huỳnh) đã nhiều, lại thêm Bồng Sơn, Tam Quan ra; Đức Phổ, Mộ Đức vào nên nhìn đâu cũng thấy vạn thọ. Tuy vậy người bán vẫn hy vọng đến chiều 29 sẽ “thanh toán” hết vì lúc này việc trang trí nhà cửa xong xuôi, người ta thường đi mua bông thọ để bàn thờ ông Địa, bàn thờ cô hồn ngoài sân hoặc viếng mộ người thân ở nghĩa trang vào sáng mùng một tết.
Hoa ly ly dù hơi đắt (120 ngàn / cành) nhưng sức mua vẫn mạnh vì hoa lâu tàn, dáng sang trọng, màu sắc trang nhã. Nhà nào có lọ hoa ly ly chưng ở phòng khách là nhà đó năm rồi làm ăn khấm khá.
Gian hoa hồng và thược dược dù khách ghé chưa nhiều nhưng người bán vẫn an tâm. Họ nói rằng theo kinh nghiệm mấy năm trước, hàng của họ “không còn một cây” vào tầm 3 giờ chiều cuối năm.
Theo số đông khách mua hoa (là nói hoa thiệt) thì người bán cần tăng cường chủng lọai cho phong phú, chẳng hạn: các loại hoa xương rồng, các loại cúc Đà Lạt, hoa mâm xôi, hoa đồng tiền, nhạc tình hồng, loa kèn, cúc đại đóa, huệ, lan, trạng nguyên… “Năm nào cũng bấy nhiêu hoa: cúc, mai, hồng, thọ thì không đáp ứng được nhu cầu chơi hoa tết đang ngày một cao của dân Sa Huỳnh”, anh Huỳnh Long - giáo viên THCS Phổ Châu, nói với cộng tác viên sahuynh.net như vậy.
Bài và ảnh: Trần Cao Duyên