Cứ mỗi chiều, Trần Minh Cường lại xỏ giày vào chân, “chảnh chọe” trong bộ đồ thể thao, trên ngực lủng lẳng cái còi, phóng xe đi làm…vua sân cỏ. “Không có em là sân bãi rối như canh hẹ. Nếu đá “không người lái”, khi tỷ số trận đấu hơi “vênh”, lập tức những cái đầu “hot” xui những cặp giò đá rắn, nhất là các cầu thủ dân biển vốn hiền như…cát nhưng khi nóng lên cũng không tránh khỏi chơi vài miếng…luật rừng”. Trên đường ra sân bãi cùng tôi, Cường tâm sự.
Trọng tài Cường
Đội lưng trần gặp đội mặc áo
16 giờ 30, hơi nóng vẫn còn hầm hập trong Khu Sinh hoạt Văn hóa Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, H.Đức Phổ, Quảng Ngãi), hai đội bóng trẻ đang xếp hàng chờ “xung trận”. Hai đội khác đang khởi động ngoài sân. Không đội nào đủ quân số (11 cầu thủ). Và đây là hình ảnh độc đáo chỉ bóng đá “cấp làng” mới có: Trên sân, một đội mặc quần áo cầu thủ “tự chế”, còn đội kia chỉ quần đùi và…tấm lưng trần – được mệnh danh là đội…không số.
Một khán giả ngồi bệt dưới cỏ cho biết: Đội “không số” là đội của những thanh niên làm nghề biển. Còn ba đội kia là Học sinh cấp ba, Dân quân tự vệ và Tiểu thủ công nghiệp. Những ngày cuối tuần, đội “mặc áo” được tăng cường bởi những công nhân, kỹ sư là con em địa phương, đang làm việc tại KCN Dung Quất và sinh viên Đại học Phạm Văn Đồng. Với sân bóng đá làng, phía nào cũng là… khán đài A. Có ba hạng “ghế”: ngồi bệt, ngồi chồm hổm và…đứng. Khán giả thường trên dưới một trăm, gồm dân “bản xứ”, học sinh phổ thông các cấp và bạn gái của các cầu thủ. Vậy mà hào hứng lắm. Chỉ một tuần nghiên cứu luật bóng đá trên mạng, “trọng tài” Cường, tuổi mấp mé bốn mươi, cầm còi khá chững chạc. Anh chạy khắp sân, điều khiển trận đấu có vẻ mạch lạc, tiếng còi có “trọng lượng”, hiếm khi thổi phạt đền gây tranh cãi.
Đội bóng không số
Bỏ cầm ly, chỉ muốn “cầm bóng”
Nhiều tràng pháo tay dành cho đội “mặc áo” với những pha phối hợp đẹp mắt, phảng phất dáng dấp “trường lớp”; cũng không ít những tiếng hò reo tán thưởng cho đội “không số” (vốn là các thuyền viên) với những pha đi bóng tốc độ, càn lướt dũng mãnh và đặc biệt là chàng nào cũng có…bộ ngực vồng lên hình ngọn sóng. Để đội nào cũng được thi đấu, “luật” quy định: cứ mỗi 20 phút, đội nào thua phải “ngậm ngùi” rời sân, nhường chỗ cho các đội còn lại. Đội nào thắng cả ba trận được nhận danh hiệu “đội vô địch” trong ngày và được các cổ động viên nữ quyên góp, chiêu đãi một chầu…sinh tố. Tôi đùa: “Sao không phải là chầu nhậu?”. Nhiều cầu thủ lắc đầu: Sân bóng đã kéo tụi em ra khỏi…sân nhậu từ lâu. Trước đây, chưa có phong trào đá bóng, chiều nào, lứa U30 bọn em cũng “sinh sự” nhậu đến khuya. Một ngày làm việc bắt đầu trong bơ phờ, mệt mỏi để rồi chiều chiều lại…nhậu tiếp. Từ ngày Đoàn Thanh niên xã vận động thành lập các đội bóng, bọn em đã quên… cầm ly, chỉ muốn “cầm bóng” cho tốt. Mà muốn vậy thì phải tỉnh táo chứ! Nguyễn Bá Thịnh – cầu thủ đội “không số” nói vui: “Đá thua nghĩ cũng…tức lắm. Đã vậy mà còn trút “cồn” vào đầu thì trận sau chỉ có té lên té xuống, nằm đè lên bóng chớ làm sao “phục hận”? Vậy nên bọn em chỉ giải khát nhè nhẹ sau trận đấu để tỉnh táo mà bàn đến “đấu pháp” và “chiến thuật” cho trận chiều mai. Thua hoài bọn con gái nó cười quê muốn chết.”
Đội bóng mặc áo
Giúp nhau trên biển
Anh Nguyễn Kỳ, chủ tịch UBND xã, cũng là một “fan” rất nhiệt tình của các đội bóng làng chài, rất vui khi nói về lớp trẻ quê hương. Anh cho biết, nhờ sân chơi này, các tầng lớp thanh niên trong xã xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, hình thành tình bạn, gắn kết cùng nhau để giúp nhau vào đời. Và điều quan trọng là từ sân chơi trẻ trung, sôi nổi ấy, cánh thanh niên có dịp rèn luyện thể lực, hình thành những kỹ năng mềm để ứng xử đúng đắn, phù hợp với rất nhiều “biến thái” do cuộc sống đặt ra. Anh còn thêm một chi tiết thú vị: Đội bóng “không số” trên sân cỏ cũng chính là những tài công trẻ, những người tuy chưa sử dụng thành thạo hải đồ nhưng thuộc nằm lòng đường đi nước bước trên trục dọc của hai quần đảo Trường Sa- Hoàng Sa. Các chàng trai biển chỉ cần “nghe” hướng gió, quan sát chiều kích của từng con sóng lượn, nhìn những ngôi sao chi chít giữa thiên hà là biết được luồng di chuyển của con tôm, con mực, hiểu được mùa cá mới đã bắt đầu. Họ đã có sáng kiến thành lập các Tổ Tự quản để liên kết, hỗ trợ, bảo vệ và giúp nhau làm ăn trên vùng biển ngoài khơi Sa Huỳnh. Với máy bộ đàm bắt sóng liên tục 24/24, các thành viên trong tổ không còn nỗi lo cạn nhiên liệu, hết lương thực, những hỏng hóc về máy móc và thiết bị trên tàu cá cùng nhiều sự cố khác.
Đặc biệt là họ không còn ám ảnh, sợ hãi các “tàu lạ” rình rập, cản trở hoặc gây hại cho người và phương tiện đánh bắt hải sản, vì chỉ cần vài động tác quay số và nhấc máy, đã thấy thấp thoáng xa xa từ nhiều hướng khác nhau bóng dáng những con thuyền anh em, bè bạn nhắm hướng tọa độ cần phải đến để ứng cứu kịp thời. Bằng cách làm có tính cộng đồng của cánh thanh niên làng biển, những con tàu ra khơi bớt côi cút, bớt cô đơn, giảm một phần đáng kể nỗi lo âu của nghề cá đầy bất trắc.
Bài và ảnh: Trần Cao Duyên