Bất chợt những tấm hình

Những ngày cuối tuần, tôi thường lòng vòng nhiều nơi, khi thì Gò Cát (Long Thạnh 1) khi thì Thạnh Đức, khi thì Đồng Vân, lúc thì Tân Diêm, có khi… nương theo chiều gió đi đến tận những xóm nhà heo hút dưới chân đèo Bình Đê để tập chụp hình. Mỗi nhà tôi đến, mỗi con đường tôi qua, mỗi cảnh tôi gặp đều được ống kính nhỏ xíu của cái máy ảnh Canon A 590 của tôi ghi lại. “Gặp gì…chụp nấy” là…phương châm của tôi trong việc tự rèn luyện tay máy. Chụp nhiều đến nỗi đầy cả thẻ nhớ. Lúc đó mới “xổ” vào vi tính. Có những tấm hình tôi không thể nhớ nổi là mình chụp ở đâu, vào lúc nào. Tùm lum tà la, thứ gì cũng có. Vậy là ngồi hàng giờ chọn lựa theo tiêu chí (do tôi đặt ra): hình nào có “tiếng nói” thì save, không thì delete.


Vắt vẻo giữa trời xanh

Chẳng hạn tấm ảnh “Vắt vẻo giữa trời xanh”. Đó là một lùm tre với hai cây tre “phá cách”, tách ra khỏi lũy, lòa xòa ngang trời xanh lồng lộng, thấy hay hay. Lại nghĩ, các cụ ngày xưa ca ngợi rằng tre phải thẳng để thể hiện chất quân tử. Trong ảnh là tre nghiêng nghiêng nên nhất định đây là loại tre “phi quân tử” rồi. Thì tạm gọi là “tre thục nữ” vậy. Nhiều khi “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” thì sao?  Tôi yêu hình ảnh “nước gương trong soi tóc những hàng tre”. Nhà thơ Tế Hanh đã phả vào tre một chút dịu dàng, rất con gái. Nơi chôn nhau cắt rún với lũy tre bao bọc nghìn đời người ta thường nói là “quê mẹ”. Chẳng phải nữ tính thì là gì. Còn như nhà thơ ND: “Loài tre đâu chịu mọc cong / chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”. Ca ngợi dân tộc đấy. Nhưng slogan quá: Truyền thống. Chiến đấu. Bất khuất. Kiên cường. Bền bỉ. Gan dạ. Hiên ngang…Con người muốn nói gì thì nói. Riêng tre vẫn mềm mại vắt giữa trời xanh…


Hoa học trò

Trong khuôn viên trường THCS Phổ Châu, tôi bắt gặp cảnh tượng các em học sinh nhao nhao: “Hoa 6A đẹp nhất”. “Còn lâu, 9B mới đẹp nhất”. “Dẹp hết, 7A mới là nhất”. “Thôi đi, 8A mới là quán quân”…Thì ra “cha” hiệu trưởng trường này cho học sinh trồng hoa thể hiện số và ký tự phiên hiệu lớp. Sự thi đua đã “nở hoa”. Các em sưu tầm đủ thứ hoa, nhiều nhất là hoa dại đến trồng vào ô của lớp mình nên mới có chuyện giờ giải lao là nhao nhao bình chọn hoa của lớp nào đẹp nhất. Tôi ghi lại vài kiểu ảnh, chụp “hỗn hợp” nhiều loài. Về máy, ngồi ngẩn ra, không biết nó tên là gì để gọi, trừ bông tí ngọ. Thôi kệ, cứ gọi chung là hoa học trò.


Hoa học trò

Riêng một loài hoa có tên là Osaka thì không rõ lớp nào trồng. Hoa nở bung vào đầu hè, sắc vàng mơ gợi nhớ câu thơ “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc”. Thật lạ. Hoa này lúc chưa hoa thì lá mướt xanh. Khi hoa bắt đầu nở thì lá trút hết xuống cội. Một triết lý về sự hi sinh?


Hoa Osaka ở sân trường Phổ Châu

Bất chợt những tấm ảnh ấy làm tôi bâng khuâng. Nhớ ngày xưa, sân trường làng Sa Huỳnh những năm 60, lũ học trò cũng trồng nhiều hoa dại ngay trước bậc thềm lớp học. Sắc hoa màu nhớ. Màu hoa hôm nay gợi nhớ miền hoa xưa với những tháng ngày xa lắc xa lơ.

Bài và ảnh: Trần Cao Duyên

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046