Cây cầu hạnh phúc

- Đ…ò…ò…ò…ơ…i…i…!!!

Đó là tiếng kêu xé lòng của bà mẹ gọi đò. Đứng bên bờ bên này con nước, mắt đau đáu nhìn về phía bờ bên kia cố tìm một chấm đen mong đợi. Trên sông, gió thổi bời bời xoắn lấy tiếng người gọi đò xé tan tành ra từng mảnh, quăng xuống mặt sông, tung lên bầu trời. Con nước đang lên, mặt sông nở rộng ra, cuốn theo những chiếc lá đưng, lá đước dập dềnh, lờ đờ như phớt lờ mọi việc trên đời. Trên tay người mẹ đứa con nhỏ đang trong cơn sốt li bì. Đứa nhỏ được quấn trong mấy lần khăn bông ( nói là để tránh gió) lên cơn co giật nghiến răng,trợn mắt và sùi cả bọt mép. Đứa nhỏ ốm mấy hôm rồi. Tưởng cảm sốt sơ sơ nên bà mẹ cứ nấn ná để chạy lo kiếm tiền mua gạo. Hôm nay bịnh tình của nó chuyển sang thời kì nguy kịch. Phải đưa bé qua sông, bên kia bờ. Nơi ấy có trạm xá xã. Đoạn đường không xa, nhưng ngặt bởi dòng sông chắn ngang này!

Người đưa đò thưòng nhật là anh Chiến, thương binh, cụt một tay. Sau khi từ chiến trường về, anh được địa phương ưu tiên bố trí công việc này để anh làm kế mưu sinh. Dòng sông thì rộng mà sức anh thì chỉ có hạn cho nên độ đường con đò qua lại thành ra xa hơn. Để đưa được con đò trườn lên trên sóng nước, anh phải dùng cả cánh tay còn lại cộng với cả thân người tì vào cây sào rồi rướn người lên, rồi gò người lại mà chống. Công việc đối với anh thật là khó khăn và nhọc nhằn. Nhưng biết làm sao được? Phương tiện  qua lại trên khúc sông này duy nhất chỉ một con đò. Nhưng giá như có thêm một con đò khác thì bà con cũng không nỡ bỏ anh Chiến mà đi con đò kia. Năm tháng dần gội qua, mỗi ngày anh Chiến một già đi, một héo gầy, nhỏ bé lại mà dòng sông thì như phình to ra; quãng đường như dài hơn, con đò như nặng nề, ì ạch hơn thêm. Trước anh Chiến là "bà câm", một người phụ nữ nghèo nhấttrong làng, không nói được. Giờ thì bà đã già yếu lắm rồi không chèo đò được nữa.

Tiếng gọi “đò ơi!” thường cứ vang lên trên đôi bờ vào những lúc hoàng hôn, mờ sáng nghe thật não ruột làm sao! Đó là những lúc người ta gặp chuyện cần kíp hoặc từ xa về đến nhỡ đò mà cần phải sang sông. Tiếng mái chèo khuấy nước, tiếng kẽo kẹt của sợi dây buộc mái chèo nghiến vào trụ gỗ, từng bước lắc lư chầm chậm, dập dềnh càng làm cho nỗi nôn nóng trong lòng ngùn ngụt bốc cao. Thời gian chờ đò, thời gian ngồi đò qua sông luôn là quãng thời gian cháy bỏng.

Khi đưa được đứa bé tới bệnh viện, bà mẹ chưa kịp thở vài hơi thư thả, chưa kịp mừng vì đã đến được nơi cần đến thì thương thay, từ phòng cấp cứu, vị bác sĩ bước ra gương mặt buồn thiu nói với bà mẹ lời không muốn nói:

- Tôi lấy làm tiếc vì cháu đến quá muộn. Giá như sớm hơn một chút.

Vậy là dòng sông đã cướp mất em rồi . Giá mà đến sớm hơn một chút…Đò ơi!... Trời ơi !...Trước đó, sau này đã có ai, sẽ còn ai phải mạng vong như em chỉ vì bị ngăn trở bởi một chuyến đò ngang?

Thôn Thạnh Đức II ở bên kia con lạch. Thôn có năm trăm hộ dân với trên dưới hai ngàn năm trăm nhân khẩu. Hội nghị quân-dân-chính-đảng do ông thôn trưởng chủ trì đã kết thúc bằng một nghị quyết: “Làm cầu”. Phương án được vạch ra là: Tiền vốn được huy động theo từng hộ, tính trên đầu lao động. Ngoài ra còn huy động trên đầu các tàu thuyền dựa trên số mã lực của con tàu. Việc huy động vốn được tiến hành ổn định trong ba năm. Khoản thu được hàng năm tiến hành mua sắm dần vật liệu và làm dần từng đoạn.

Những người ở các thôn bạn không tin là Thạnh Đức II sẽ làm được cầu. Không ít lời dè bĩu đã nói ra;

- Tiền nong đâu mà làm cho nỗi?

- Đâu phải chuyện dễ mà hễ muốn là được. Kỹ thuật không đảm bảo thì có mà đi tong.

Với bà con Thạnh Đức II thì quyết tâm lắm. Hơn ai hết, họ là người thấm thía nỗi đau thương không đáng có, nếu như có được một cây cầu. Họ liên hệ mời được một kỹ sư cầu đường về giúp sức.

Ngày khởi công làm cây cầu bắc ngang con lạch đã đến. Các vị bô lão trong thôn có mặt rất sớm để động viên con cháu. Toàn bộ thợ hồ trong làng, thanh niên nam nữ, những người trong độ tuổi lao động… được huy động đến. Chỉ huy họ là ông kỹ sư và Ban công trình cầu. Những trụ bê-tông dài 9-10m,vuông vức mỗi cạnh 0,4m được đúc trong khuôn gỗ đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Kẻ uốn sắt, người gánh nước, trộn hồ… thật là hào hứng, nhộn nhịp, tin tưởng như một công trường đang thi công nước rút.

Sáu tháng sau, cây cầu dài 83m hoàn thành. Mặt dù còn một số đoạn chưa đủ ván lát mặt cầu, thành cầu chưa có lan can, nhưng bà con qua lại rất là thuận tiện so với việc qua đò của ngàn đời trước đó.

Từ nay về sau, ai cần công việc qua dòng sông này bất kì lúc nào đều không còn cảnh “lụy đò” như ông bà tổ tiên bao đời qua phải chịu nữa rồi.

Từ ngày có cây cầu khách các nơi về qua thôn ngày một đông hẳn lên. Họ đến buôn bán hải sản; học sinh, khách du lịch đến tham quan cảnh đẹp vùng biển nơi đây: Hóc-mó, Bãi con. Các em học sinh ngày hai buổi đi –về học tập tự do và chủ động, tiếng nói tiếng cười ríu rít như chim, không còn cảnh cứ lo thấp thỏm vì sợ lỡ đò hoặc ngồi co ro trong lòng con đò nhỏ tiu nghỉu như mèo cụt tai. Cảnh yếu đau của người già, con trẻ lập tức có xe đưa thẳng từ nhà đến bệnh xá xã hoặc bệnh viện huyện một cách nhanh chóng, an toàn.

Riêng anh Chiến, được bố trí ngồi gác ở đầu cầu để thu tiền “cầu phí”. Tiền thu được hằng tháng, anh trích ra mức khoán nộp cho thôn để làm quỹ tu sửa cầu hằng năm. Số còn lại anh được hưởng để trang trải cho cuộc sống gia đình. Thấy anh đỡ vất vả bà con cũng được yên lòng.

Cây cầu đã đưa Thạnh Đức II, một ốc đảo hội nhập vào cuộc sống của đất liền- có thể nói không ngoa như vậy. Cây cầu làm vợi đi nỗi đau và làm thắm hồng đôi gó má của những bà mẹ. Cây cầu là biểu tượng đổi mới của quê hương này. Ngày xưa, ở bên kia bờ, thôn Thạch By có ai đó gả con gái sang Thạnh Đức II,bờ bên này, thì không tránh khỏi lời châm chọc:

Cha mẹ nàng đòi ăn cá thu
Ép con mà gả mù mù tăm tăm

Còn bây giờ lại có câu ca rằng:

Muốn về Thạnh Đức với anh
Để cùng ngắm cảnh trăng thanh trên cầu.

Vũ Ngọc Liêm

Vũ Ngọc Liêm ghi chú: Khi bài viết nầy đăng trên sahuynh.net  thì chiếc cầu nầy đã không còn nữa, thay vào đó là một chiếc cầu bê tông kiên cố do Nhà nước đầu tư xây dựng cách đó khoảng 1km về phía Bắc. Nhưng dù sao chiếc cầu được xây dựng bằng công sức và lòng quyết tâm của bà con nhân dân Thạnh Đức II  vẫn còn đọng mãi trong tâm trí mọi người với tất cả lòng kính phục.

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046