(Hồi ức về tuổi thơ tôi)
Lên tám tuổi,má tôi dắt tôi sang làng bên, làng Tân Diêm, xin cho tôi vào học lớp của thầy Ngô Mười. Đó là một gian nhà cũ nát. Mái tranh cùn vẹt có chỗ lòi ra cả rui, mè. Vách đất lở lói nham nhở, có chỗ sụt lở ló cả chân mầm trỉ. Bàn ghế là những khúc gỗ, khúc cây kê trên những cục đá. Học trò chừng vài chục đứa trai gái, lớn nhỏ khác nhau. Đứa mới, đứa cũ; đứa học trước,học sau lẫn lộn. Vì phải dạy nhiều đối tượng khác nhau cùng một lúc nên mỗi buổi dạy của thầy thật là vất vả. Vào lớp,thầy ghi bài tập lên bảng cho các anh chị lớn làm. Lũ học trò mới nhập môn thuộc nhóm i tờ như tôi thì mang vở lên cho thầy dò bài (kiểm tra bài cũ). Cùng lúc đó, thầy “phóng” những con chữ vào vở tập cho chúng tôi tập đồ,tập viết. Khi chúng tôi nhận vở tập về chỗ để làm việc thì thầy quay sang “phóng” bài mới vào vở học cho chúng tôi. Các anh chị làm bài tập xong, thầy bắt đầu giảng bài học mới; cho thêm một số bài tập ứng dụng cho các anh chị làm rồi thu vở chấm điểm. Trong khi thầy chấm điểm thì các anh chị lớn chia nhau chỉ cho chúng tôi đánh vần các chữ mới thầy vừa ghi hoặc giúp chúng tôi tập viết.
Công việc bề bộn như vậy nhưng trông thầy lúc nào cũng thư thái ung dung. Thầy thường mặc bộ bà ba đen, đi dép cao su giản dị nhưng lúc nào cũng tươm tất. Nước da thầy trắng, mái tóc bồng bềnh với đường ngôi chải lệch trông thật đẹp. Khi thầy ngồi ở bàn làm việc, thầy thường bắt chéo chân nọ lên chân kia. Bọn tôi dưới này thường trèo ra khỏi chỗ ngồi, bò lên, nấp dưới bàn, tranh nhau vuốt vuốt mây sợi lông ở cổ ngón chân cái của thầy. Thầy giả vờ không hay biết, rồi bất ngờ huơ chân kẹp tía lia vào chúng tôi như cái càng cua vậy. Chúng tôi ré lên cười và lóp ngóp quay về chỗ cũ. Thầy cũng cười. Sau này lớn lên tôi mới biết thầy Ngô Mười là một thanh niên trong làng, được Cách mạng vận động đứng ra tổ chức lớp học để dạy chữ cho trẻ con trong làng và vùng lân cận. Chúng tôi học không phải đóng tiền. Thù lao công thấy, cha mẹ chúng tôi đóng chút đỉnh gạo, khoai để giúp thầy trang trải phần lương thực cho mình mà thôi.Chúng tôi rất yêu mến thầy.
Trong tôi,thầy Ngô Mười thật là một người thầy đáng kính. Con đường từ nhà đến lớp, tôi phải đi qua một trảng cát, một cánh đồng, một ngòi nước. Duy nhất lần đầu tiên có má đi cùng, còn sau đó tự một mình tôi “dong ruổi”. Mỗi ngày hai lượt đi-về,mùa mưa cũng như ngày nắng đều có những nỗi niềm riêng trên đường đi học. Có lần đi học về trưa, bụng đói chân run tôi nằm dưới bóng mát dừa ven đường nghỉ mệt rồi ngủ luôn một giấc dài đến xế chiều. Có lần một toán năm sáu đứa tung tăng băng qua cánh đồng thì súng đại liên trên đồn lính bắn xuống xối xả. Chúng tôi vội nấp vào bờ ruộng. Nấp một lúc lâu rồi mà tiếng súng cũng không ngớt, thằng Sinh láu táu xúi dại: -Cứ… i...! Dà chết xì xôi ( Cứ đi, thà chết thì thôi-do phát âm không rõ ). Sau hôm đó, nó có cái tên mới : Thằng “già chết”. Có lần đi qua con ngòi gặp lúc thủy triều lên cả bọn phải lột hết áo quần ra, đội lên đầu để lội. Chính vì vậy mà chúng tôi phát hiện ra cái mông của thằng Cừ không phẳng căng như những đứa khác mà lại nhăn nhúm như thiếu đi một mớ da thịt. Chúng tôi đặt cho nó cái tên mới là thằng “thiếu đít”. Nó tức lắm. Đang thân thiện là thế ,nhỡ động tới biệt danh là nó sửng cồ liền, nhảy vào đánh đấm túi bụi. Nó càng thế chúng tôi càng trêu.
Trời nắng,trời mưa không sợ, đạn bắn không sợ mà sợ nhất là bị con ngòi nước lớn ngăn lối. Những lúc đó lội qua ngòi, nước đục ngầu dơ bẩn cùng với những rều rác dập dềnh, xác những con vật chết rất gớm ghiếc. Gớm hơn cả là những con chuột to đùng,mình mẩy lở loét lóp ngóp bơi; mà hình như nó cứ nhằm vào mình mà xông tới ? Có lần qua ngòi như thế,anh Luận bị vỏ hàu sắc như dao cạo cứa đứt chân chảy máu quá chừng.Cả nhóm phải bỏ học dìu anh lò cò về nhà. Để tránh đi qua con ngòi, mùa nắng chúng tôi đi ngõ đập suối Cường. Đây là một con đập bổi nhỏ, người trong làng tự đắp để đưa nước vào ruộng. Cả bọn thường rủ nhau đi sớm để tắm suối. Mặc dù ở nhà người lớn dặn dò không được tắm suối, nhỡ xảy ra nguy hiểm, nhưng rốt cục đứa nào mà chả tắm? Đi một bọn cùng nhau,đứa nào còn ngần ngừ là tất cả xúm vào lột hết quần áo, buộc hắn phải tắm cho kì được. Như thế hắn mới không mách lẻo.
Có hôm rủ nhau đi vòng qua xóm Lò Vôi để xem phía ấy có gì. Hóa ra có nhiều lò nung vôi ốc. Đó là những cái lò đắp bằng đất sét độn với rơm. Trong lò đầy ắp những vỏ ốc lẫn với hòn than đen. Phía dưới chân lò là những lỗ thông gió. Trên miệng lò một làn khói trắng nhè nhẹ bốc lên cùng với mùi khai nồng khó chịu. Khi cánh đồng vào mùa làm đất chuẩn bị gieo đậu xanh thì nơi đây là trận địa hằng ngày của chúng tôi. Trò chơi ném đất không thiếu ngày nào. Chia làm hai phe, nhặt từng cục đất bỏ vào túi, guộn vào lưng quần ; hô “xung phong” và …ném. Có lần thằng Rê vì quá lo xa đề phòng hết “ đạn” nên đã guộn vào lưng quần thật nhiều đất. Khi vào cuộc, đất nặng quá kéo tụt quần cu cậu xuống,cuống chân té nhào.Thằng Rê bị bắt, cái quần bị tịch thu làm chiến lợi phẩm. Hắn bị địu đi tồng ngồng suốt một quãng dài mới được trả lại quần.
Mùa mưa,lúc lúa đang thì con gái, cũng là lúc mùa cá lia thia thúc giục. Trên đường đi-về đứa nào cũng lội ruộng tìm bắt cá. Loài cá nhỏ, mình có sọc đỏ, sọc xanh, vây đuôi đều đỏ có sức hấp dẫn lạ kì. Vở kẹp nách, hai bàn tay khum khum, hướng vào nhau ở dưới mặt nước, mắt chăm chú theo đường bơi của cá. Thế là “xạch”,quyển vở rơi xuống ruộng ướt nhép. Bắt được con cá nào về, cho vào lọ thủy tinh chơi ít lâu. Khi mùa cá qua đi thì lọ đi đàng lọ,cá đi đàng cá. Vậy mà… Việc học của chúng tôi không được đều đặn và liên tục vì đây là vùng giải phóng ven đồn địch nên thường xuyên bị càn quét ,bắn phá. Sau hai năm đi học chúng tôi vừa biết đọc, biết viết,biết làm những bài toán cộng trừ thì chiến tranh trở nên ác liệt. Thầy Ngô Mười đi kháng chiến. Cha mẹ chúng tôi ngày càng bận hơn với công việc đoàn thể. Việc nhà dần đặt lên những đôi vai bé nhỏ của chúng tôi. Thế là…
Tạm biệt những ngày đi học!
Mặc dù vậy, những ngày ngắn ngủi ấy là một trời kỉ niệm không thể nào quên. Nó như màu mực tím,mực xanh qua ngòi bút lá tre chúng tôi viết lên trang giấy học trò. Chữ viết còn run rẩy,ngoằn ngoèo chưa rõ hình đủ nét nhưng thật gần gũi thân thương. Cho đến bây giờ ai bảo với nhau-dù ở đâu- rằng: “ Hồi đó học thầy Mười” thì có nghĩa là như anh em một nhà. Con đường đi học thật xa xôi,nhiều chướng ngại đối với một đứa trẻ lên tám, lên chín, nhưng chúng tôi đã đi qua để đến bây giờ như một dấu ấn trong cuộc đời. Nó là sợi dây vô hình ràng buộc chúng tôi với quê hương xứ sở.
Vũ Ngọc Liêm