(Hồi ức về tuổi thơ tôi)
Ai cũng có một thời đi qua tuổi thơ để rồi khắc ghi vào kí ức của đời mình những kỉ niệm không thể nào phai nhạt.Ta cũng đã đi qua một thời như thế. Có thể nói tuổi thơ ta không có được sự êm đềm,suôn sẻ mà đầy gai góc,vất vả đến truân chuyên.Nhưng dù là vui buồn hay sướng khổ, những gì còn đọng lại trong ta đều trở thành chất vị ngọt ngào.Cũng chính bởi cái điều không êm đềm suôn sẻ mà đầy gai góc ấy nên đến hôm nay,hơn bốn mươi năm đi qua, ngoái đầu nhìn lại,ta cảm thấy rất tự hào vì đã đi qua một đoạn đường đời như thế.
Trong những năm 60 đến 75 của thế kỷ hai mươi làng ta là vùng ven khu đồn của địch. Đây là địa bàn vô cùng tàn khốc vì địch liên tục hành quân càn quét, rải thảm đạn bom.Trong suốt những tháng năm dài chống Mỹ, từng ngày, từng giờ người dân quê mình chấp nhận sống chung với những nguy cơ. Người chết, bị thương, bị bắt bớ giam cầm, nhà cháy, trâu bò bị bắn chết là chuyện thường ngày như cơm bữa. Tuy nhiên, dù đạn bom có làm cho cảnh vật, cỏ cây tiêu điều xơ xác thì với con người, cuộc sống vẫn cứ mơn xanh. Người lớn mải lo việc sản xuất, mải bận việc đấu tranh cho nên bọn trẻ con chúng mình vô tư mà lang bạt không hề bị ai cai quản ,cấm ngăn.Thực sự là theo phân công lao động một cách tự nhiên,chúng mình cũng có một vai trò quan trọng trong cuộc sống của làng.Việc chặt củi,chăn bò trẻ con nhà nào không phải đảm nhận? Hành trang theo ta là một chiếc nón cời và thanh rựa sắc, một chiếc quần cụt theo sau đuôi bò mà bước chân ta đi đến đầu ghềnh cuối bãi; dấu chân ta in lên từng mỗi tấc đất quê nhà.Ta hít thở khí trời, uống nước suối, ăn quả xanh, dang nắng, dầm mưa cho nên đầu tóc đứa nào cũng một màu đỏ quạch; da đen như cột nhà cháy, khét nắng trùi trũi như trâu nước tắm bùn.Từ nơi đồng rộng đến các thung sâu; trên những ngọn núi cao hay dưới sườn đồi thấp; trong lòng những con suối gần hay những quãng sông xa, cả bọn chúng mình đều thân thuộc như mảnh vườn nhà.Bởi vậy mà khi cần thông tin cho nhau cần tụ hội ở nơi nào chỉ cần nói rõ địa danh thì ai cũng biết đường tìm đến.
Cho đến bây giờ dẫu có ai đi xa,dẫu cho tuổi tác đã xế già chúng mình vẫn nhớ như in đến từng vực đất, từng tảng đá, bờ cây thân thương trong quãng đời tuổi nhỏ. “Hóc Ông Trong”,nơi có những gò trồng toàn cây dương liễu xanh tươi và rậm rạp.Chúng mình thường thả bò ăn tại nơi này.Nằm ngữa dưới tán cây, miệng nhẫn nha cọng cỏ, mắt mơ màng trông lên vòm lá nghe khúc nhạc giao duyên của gió mới tuyệt làm sao! Lại còn bò toài trên thảm cỏ xanh rình bắt con cào cào; tóm hai cẳng cu cậu lại và nghêu ngao hát bài ca “cào cào giã gạo”. Cũng có lúc rủ nhau đi moi trộm củ.Quơ vội mớ cành khô,đốt lửa lên, một lát sau đã có sắn nướng,lang lùi.Củ khoai nóng cầm trên tay bỏng rát mà lại còn rượt đuổi nhau bởi so bì cái nhỏ,cái to…Mặt mũi, chân tay tèm lem những nhọ giễu nhau cười một trận hóa sạch không. Nhưng tuyệt nhất là chơi trên hòn đá Voi.Ta chia nhau lên đồi ,luồn cây tìm hái quả rồi tụ tập trên “ lưng voi” bày tiệc trái cây rừng. Nào là mù chu, chùm chày, sim, ổi, mần quân…Những chùm quả vàng,đỏ,tím hồng như sắc màu tuổi trẻ.Tất cả mọi thành viên đứa nào cũng thế,vừa hát vừa cười làm dậy cả không gian.Ta nhảy múa thậm thịch trên lưng đến phủ phàng mà voi đá của ta vẫn hiền ngoan như đất.
Thời gian sẽ tiếp tục lùi xa…và giá như mọi điều đều quên đi tất cả,ta chắc chắn vẫn còn lại một điều:Lưng voi đá và những cuộc liên hoan . Cuộc chiến tranh đã buộc ta phải khôn hơn trước tuổi.Bọn nhóc tụi mình vừa chăn bò,nhặt củi;vừa tự giác cảnh giới cho các anh.Ám hiệu báo có động không ai dạy ai mà tất cả đều có sẵn trong lòng.Có động ở hướng nào là nơi đó có tiếng la “trâu lồng”, “bò nhảy”.Mọi người trong làng hễ ai nghe thấy,cứ thế tiếp tục loan truyền.Các anh nghe sẽ biết cách ém mình,hoặc bố trí đội hình đón đợi “tiếp nghinh”. Có lần mải chơi ,không thấy toán lính đi càn từ xa.Khi chúng đến gần ta mới vội vã la to.Chúng biết đó là ám hiệu.Chúng bắt ta túm tóc,trói giò và…đánh ta đến là tơi tả.Mình mẩy ,mặt mày bầm tím sưng vêu nhưng có một điều thật lạ:Chúng dọa nạt bảo ta khai du kích ở nơi nào mà ta chẳng hề run sợ.Suốt một tháng trời bị giam cầm tra tấn dã man,ta chỉ nói độc một câu: “ Tui không biết.” Kết hợp với các bà, các mẹ đấu tranh lên án hành động bắt bớ giam cầm trẻ nhỏ. Riết rồi chúng phải thả ta về để chúng mình lại tiếp tục cùng nhau…
“Đá Ông Táo” ai dựng lên từ bao giờ? Một quần thể đá đứng trên đỉnh đồi cao ngất ngưỡng.Dưới chân các Ông Táo là những hang hốc quanh co.Có hang bằng phẳng,năm sáu đứa chui vào ngồi vẫn chưa hết chỗ.Chúng mình thường hì hục trèo lên tận đỉnh,nhón chân lên với thử đến trời xanh ?(!).Tại nơi này các chú các anh chọn làm điểm tựa bắn tỉa quân thù đóng tại đồn Đá Heo.Tài bắn tỉa của các anh làm cho quân thù khiếp sợ vì có thể hạ được giặc ngay trong lô cốt của chúng qua lỗ châu mai.Có lần các anh chốt giữ dài ngày để ghìm đầu bọn địch.Chúng mình được giao phần cơm nước,lương khô.Đường đi lối lại ta quen thuộc đã đành nhưng cũng phải cần tính toán.Không phải cứ cời cời đi như giữa chốn thanh bình.Tàu bay rọ của Mỹ hay xuất hiện rất thình lình;vừa nghe văng vẳng tiếng động cơ là nó đã lù lù ngay trước mặt,trên đầu,sau lưng và…chết là cái chắc.Bởi vậy làm nhiệm vụ này phải có đôi tai thật thính,đôi chân thật nhanh, thân mình thật dẻo.Đang nấp ở lùm bụi này,phải ước lượng khoảng cách đến lùm bụi tiếp theo phía trước.Lắng tai nghe ngóng thật chắc ăn rồi lẹ làng lủi ngay tới đích.Cứ thế, và cứ thế để đến nơi. Lúc các anh ăn cơm,uống nước,giải lao là dịp để ta đưa tay sờ vào khẩu súng.Thép súng mát lạnh,bá súng âm ấm truyền sang,lan tỏa trong ta,khiến ta nóng lòng mong cho chóng lớn.Anh Phong biết điều ta đang nghĩ.Anh đến gần dạy ta các thao tác :tì vai,áp má,nín thở và lấy đường ngắm trên khẩu ga-răng.Ta sung sướng đến lặng người và càng thêm háo hức.Nhưng anh lại cười,bảo: “Hãy từ từ ,em lớn hãy tính sau”.
Bọn địch ở đồn Đá Heo suốt mấy ngày liền bị các anh khống chế buộc phải nằm co trong lô cốt nên phải nhờ cứu viện.Tàu rọ Mỹ hôm ấy quần đảo đảo điên trên đồi Ông Táo.Hôm ấy cũng là ngày ta đưa cơm.Chiếc máy bay vừa mới qua ngang,ta lẹ làng vọt qua điểm dừng phía trước.Thật không ngờ,nó quay lại ngay tức khắc và đã phát hiện có người.Súng đại liên trên máy bay chúng giằm nát một vạt đồi.Ta bó gối,thu người ép trong hốc đá.Các anh trên hang dự đoán ra tất cả,bèn bất ngờ chia lửa cùng ta.Những tiếng nổ gọn,đanh,chắc nịch,đường đạn bay đi từ bàn tay thiên xạ. Tiếng đại liên trên máy bay không còn khua được nữa.Nó buộc phải bốc lên cao,thẳng đường tháo chạy. Các anh vội tuôn xuống núi tìm ta.Các anh gọi,ta nghe và đáp lại.Các anh mừng rỡ vô cùng đưa tay níu ta lên.Bỗng pháo tầm xa dồn dập nổ như điên. Đất đá bị hất tung,ù tai điếc óc. Ấy là chúng gọi pháo từ Núi Dâu trả đũa.Có cái gì đó sạt qua đầu,anh Phong vội nằm ụp lên người ta che chắn. Quầng lửa sáng lòa xòa ra,ta bị hất tung lên khỏi mặt đất. Ta cảm thấy có cái gì ướt nóng ,đưa tay quệt và nhìn…Máu!Thôi rồi! Anh Phong đã hi sinh.Mảnh đạn pháo xé toạc người anh. Ta òa khóc, ta ôm lấy anh, ta gọi tên anh đến không còn ra được tiếng. Anh Phong ơi ! Cơm em đem đến rồi sao anh không ăn ? Nước em đem đến rồi sao anh không uống ? Điều anh hẹn hôm nào em chưa kịp lớn;anh chưa dạy hết cho em bài học bắn…mới sáng này má anh vừa dặn em rằng: lên đồi phải cẩn thận…Anh Phong ơi!
Vậy đấy ,tuổi thơ ta có biết bao là kỉ niệm mà kỉ niệm nào cũng nặng trĩu lòng ta.Những bạn bè thời ấy cùng ta:Những thằng Tròn,thằng Cụt,thằng Rê nay đã là các ông Cao Phi,Xuân Long,Văn Một – ai cũng được giao lên vai một vài trọng trách ;và kể cả thằng Cừ giàu to ở Úc,mỗi lần gặp nhau là quá khứ lại hiện về. Tuổi trẻ chúng mình lam lũ cùng quê đã là chất keo gắn chặt tình bất diệt.Kể lại chuyện cũ cho nhau nghe đến tận tường từng chi tiết mà lòng bồi hồi như vừa tĩnh giấc chiêm bao. Nhiều người trong các anh giờ đã hi sinh.Bọn mình những lúc gặp nhau,khi nào cũng đến thăm các anh ở nghĩa trang liệt sĩ.Ta tìm đến với các anh lần theo tưng dòng tên ghi trên hàng mộ chí.Lòng ta không khỏi bùi ngùi dù trên đài tưởng niệm có dòng “TỔ QUỐC GHI CÔNG”
Vũ Ngọc Liêm