Chiều cuối năm, nghe xao xác nỗi nhớ quê nhà, nhớ mẹ, rồi lan man thế nào lại nhớ về…bánh bó. Ngày đó, vào dịp tết âm lịch, bên cạnh các loại bánh vẫn thường thấy ở các làng quê Quảng Ngãi như bánh in, bánh nổ, bánh thuẫn, bánh rế, bánh hồng, bánh tổ…năm nào mẹ cũng làm thêm bánh bó, dù ba thường hay “chọc” mẹ rằng tết mà ăn bánh bó thì cả năm…bó tay bó chân luôn đó mẹ nó ơi.
Tôi cùng mẹ ra chợ mua cà chua chín, một ít quất, cà rốt, bí đao, gừng, dừa, đậu phộng và mấy trái thơm. Cả buổi chiều, hai mẹ con tỉ mẩn ngồi xắt những thứ mua được ra từng miếng nhỏ bằng đốt ngón tay. Sau đó lại cẩn thận xắt ra từng lát mỏng. Riêng cà rốt thì mẹ băm thành từng hạt nhỏ như hạt lựu. Tất cả cho vào chảo sau khi rắc một ít bột vani để cùng với trái cây tạo thêm mùi hương đặc trưng cho bánh. Để lửa nhỏ, mẹ rim số trái cây ấy với khoảng hơn 100g đường và 200g nước. Khi đã nổi những bong bóng nhỏ lăn tăn trên mặt chảo, mẹ trộn đều rồi bảo tôi canh chừng cho đến khi cạn hẳn. Lúc này tất cả đều thành mứt dẻo, miếng nào miếng nấy quăn lại, đẫm chất đường đặc quánh, vừa trông thấy đã thèm.
Tôi đặt chảo mứt vừa rim trên thau nước lạnh rồi xoay đều cho mau nguội, còn mẹ thì nhẹ nhàng rây bột nếp rang, cho rơi từ từ vào xoong nước đường. Hai bàn tay mẹ khéo lắm, vừa rây bột vừa khuấy cho bột hòa tan vào nước đường, không để vón cục.
Khi bột đặc lại và dẻo quánh, mẹ đổ ra chiếc mâm đồng và nhồi tiếp cho mảng bột thật mềm mại và mịn màng. Cái lạnh tàn đông còn vương khắp trong nhà ngoài ngõ mà trán mẹ vẫn lấm tấm mồ hôi. Mẹ nói nhồi bột cho kỹ thì “làn da” của bánh mới trắng như trứng gà bóc, đẹp quyến rũ như màu da con gái xuân thì.
Và đây là công đoạn cuối: dùng chiếc ống tre nhỏ (tương đương cái ống thổi lửa thường thấy trong những căn bếp nông thôn ngày xưa) để cán bột thành từng miếng hình khối chữ nhật hoặc khối vuông, khối trụ tròn tùy thích. Lấy dao bén tỉa cắt các góc cạnh cho sắc sảo. Lần lượt xếp xen kẽ các loại mứt cà chua, mứt thơm, mứt gừng, mứt quất, mứt bí đao và mứt cà rốt đã rim lên một nửa mặt bánh. Sau đó đắp miếng bột khác lên bó kín phần nhân và “chỉnh sửa” sao cho trùng khít với khối bột ở dưới theo hình dáng đã định. Thế là thành bánh bó. Có lẽ người ta đã dùng động từ “bó” để đặt tên cho loại bánh này.
Rồi hai mẹ con lại lui cui cắt bánh thành từng lát mỏng khoảng 1cm, dùng nilon gói bánh lại để bảo quản trong những ngày tết. Từng lát bánh trắng tinh màu bột nếp điểm xuyết những miếng mứt làm nhân với những sắc độ khác nhau. Màu cánh kiến của những lát quất, cà chua. Màu vàng sậm của những miếng thơm. Màu trắng đục của bí đao. Màu đỏ pha hồng của những hạt cà rốt. Màu vàng nhạt của những lát gừng. Trên bàn thờ tổ tiên vào lễ cúng giao thừa, dĩa bánh bó mềm mại, duyên dáng là “điểm nhấn”, nổi bật hẳn lên bên cạnh các loại bánh khác.
Nhai miếng bánh bó, có cảm giác vừa mềm vừa dai, vừa thơm vừa ngọt, thoang thoảng hương nếp đồng làng; một ít chua chua vừa đủ nhớ đến quất, một chút thơm dịu để gợi nghĩ đến miếng cà chua, một tí cay cay để cảm nhận được vị gừng nồng nàn đang vuốt ve đầu lưỡi. Và đặc biệt là nghe được âm thanh giòn giòn của những hạt cà rốt, những lát bí đao khẽ lướt qua mặt răng. Với bánh bó, người thưởng thức dường như không chỉ bằng lưỡi, bằng răng mà còn thưởng thức bằng mắt (màu sắc) và bằng tai (âm thanh). Hơn thế nữa, người tinh tế còn có thể nhận ra trong miếng bánh bó thoang thoảng mùi thơm của cánh đồng cuối vụ, vị ngọt ngào đằm thắm của hoa trái vườn tược chân quê. Lại nhớ hồi đó, tôi thường bị mẹ la mắng vì ăn nhiều bánh bó tới mức phải bỏ cơm.
Bánh bó trông cũng khá điệu đà đấy chứ
Bây giờ, nhớ mẹ quá chừng khi xuân về tết đến. Kỷ niệm những tháng chạp ngoài trời lay phay mưa bụi bay, cạnh bếp lửa hồng tôi cùng mẹ bận rộn và hân hoan khi làm bánh bó. Những chiều tha hương, mỗi lần có ai đó tình cờ nhắc đến hai tiếng “bánh bó”, tôi lại nghe dậy lên nỗi nhớ về những cái tết xưa.
Những năm gần đây, trên các quày bánh mừng xuân không thiếu những loại bánh ngoại, từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Nhật Bản, Thái Lan... với đủ loại nhãn mác, kiểu dáng, mẫu mã, sắc màu sặc sỡ. Nhưng tôi vẫn nghĩ đó là loại bánh của thời công nghiệp, thời fastfoot. Nó được sản xuất một cách trơn tru trên dây chuyền công nghệ hiện đại, và người ta sở hữu nó tương đối dễ dàng cho nên nó chẳng có gì để nhớ nếu không muốn nói là thứ bánh…vô hồn. Thật khác với loại bánh dân dã, đậm đà như bánh bó, chỉ cần nghĩ đến thôi là đã “hương gây mùi nhớ”, đã nghe đâu đó trong tâm thức dậy lên hồn đất, hồn quê.
Tự hứa với lòng tết này về quê sẽ làm bánh bó như những tết xưa, đặt dĩa bánh bó trước chân dung mẹ để được sống trong những hoài niệm đẹp. Mẹ ơi đừng buồn nhé! Không phải con làm bánh một mình đâu, con làm cùng mẹ trong tâm tưởng…
Trần Cao Duyên