Như là huyền thoại

(Hồi ức về tuổi thơ tôi)

Những cây tre, cây quẹo,cây ngay làm cột. Những tấm tranh, tấm cùn, tấm mới lợp mái. Những khúc gỗ, khúc dài, khúc ngắn đỡ lên sụp xuống kê làm bàn ghế. Học trò lâu nhâu một đám, đứa còn mũi dãi lòng thòng mặc quần hở rốn đến đứa đã mọc lông tơ trên mép, giọng nói ồm ồm. Thầy giáo vừa dạy học vừa… bán kẹo! Học trò gọi thầy bằng…anh. Người ta thường nói “mài mòn đũng quần trên ghế nhà trường” thật đúng với chúng tôi về phương diện nghĩa đen. Chúng tôi chỉ được tập viết, đọc chữ và làm các phép tính cộng -trừ -nhân- chia cỡ đến ngưỡng lớp Bốn bây giờ. Đứa nào đạt đên ngưỡng ấy là coi như thành “chánh quả”.Muốn học thêm nữa mà không có điều kiện đi xa thì đành chịu. Mà có mấy ai đi xa vì sự học? Ông bà cha mẹ chúng tôi quả quyết rằng chỉ cần biết đọc, biết viết là đủ. Thầy hết chữ rồi.

Tuổi thơ thì dài mà con dường học lại ngắn như vậy cho nên chúng tôi cứ từ từ mà học.Quần qua đảo lại cũng cứ nhân- chia - trừ - cộng; cũng tập viết-chính tả mà dần đến nhừ. Điều đáng nói hơn là những điều hay, lẽ phải trong từng trang sách chúng tôi không được giảng cho.Vả lại,hình như các “anh” cũng không có sách. Đó là tình hình tuổi thơ lứa chúng tôi vào hồi thập niên sáu mươi thế kỉ trước, những đứa bé đi học, tại miền quê này. Phải chăng vì thế mà phần lớn người dân quê tôi đều thất học. Cộng với tập quán người miền biển tính tình nóng nảy, bộc trực mà địa phương quê tôi một thời “được” người khắp huyện ngán ngẫm phong cho cái “hùng danh” : Phổ Trời ? Trong các cuộc va chạm, không cần biết đến các chuẩn mực nào hết, phần hơn, phần đúng phải thuộc về họ. Ngang ngạnh quá mà!

Sau ngày giải phóng tình hình trở nên sáng sủa hơn nhiều, nhưng hãy còn đó những bộn bề, bất cập. Con em nhân dân đi học ngày càng đông. Trường lớp mở ra khắp thôn, khắp xã. Tình trạng phân tán, ca trưa không tránh khỏi. Nhưng dẫu sao thì các em nhỏ bây giờ vẫn may mắn hơn lớp chúng tôi ngày trước nhiều lắm. Thầy cô giáo được điều động từ khắp các nơi trong tỉnh về đây giảng dạy. Lại thêm Trường Cấp hai cũng được mở ra . Lần đầu tiên quê tôi mở mày mở mặt với thiên hạ nhờ đã có tổ chức trường lớp cho con em thuộc hệ thống giáo dục của Nhà nước. Trẻ con phen này tha hồ mà học. Rồi ngày tháng dần qua, từ chỗ toàn xã gồm 12 thôn trải dài trên địa bàn 10 km, địa hình cách trở vì đồi núi, đò giang mà chỉ do một Ban giám hiệu của Trường Phổ thông cơ sở quản lý; đến năm học 1978-1979 được chia làm hai, rồi chia làm ba vào năm học 1979-1980. Đến năm học 1989-1990 và mãi đến bây giờ theo yêu cầu chung, đã định hình một trường Phổ thông cơ sở và ba Trường Tiểu học trong xã. Trường Phổ thông trung học liên thông ba xã cánh Nam huyện đặt tại xã trung tâm(Phổ Khánh) cũng đã được thành lập vào năm 1977.

Nếu như sau ngày giải phóng ở quê tôi (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) phải đốt đuốc đi tìm người có bằng Tú Tài thì đến hôm nay trình độ ấy đã trở thành phổ biến. Bây giờ thì trường lớp đã khang trang lắm rồi, tuy phòng ốc chỉ mới là những gian nhà cấp bốn. Bằng sức bền bỉ của nhân dân, ý chí kiên trì của lãnh đạo hợp lực mà nên.Người quê hương làm ăn nơi xa khi về thăm cũng góp thêm vào luồng gió mới. Nhận thức của người dân quê tôi mỗi ngày một khác xưa, tiếp cận được với sự tiến bộ của thế giới bên ngoài.Từ nhận thức đến với tấm lòng sẵn có là một khoảng cách thật gần. Bà con chắt chiu gom góp từng năm để cải tạo,xây dựng từng phòng học cho con trẻ. Từ đó động viên được thầy tận tụy,trò chăm ngoan. Hằng năm , qua các phong trào thi đua cấp huyện, cấp tỉnh các em nhỏ đã từng bước chứng minh cho sự đi lên của quê mình. Năm nào cũng có nhiều học sinh giỏi đạt giải cấp huyện. Học sinh giỏi cấp tỉnh thỉnh thoảng cũng có những em đạt giải cao. Phong trào viết báo Đội đã xuất hiện một cây bút quen thuộc trên báo Thiếu niên tiền phong. Liên tục đạt thành tích cao trong các phong trào văn nghệ, làm báo tường, báo liếp, thi kể chuyện, thi tiếng hát tuổi thơ, vẽ tranh theo chủ đề… Các em được giáo dục tốt trong việc ăn nói, cư xử đúng phép. Đặc biệt việc nhặt của rơi trả lại người mất đã xuất hiện nhiều tấm gương cảm động, đáng ca ngợi.

Việc học tập, đến trường của mỗi em nhỏ giờ đây là điều tất yếu của mỗi gia đình khi em đến tuổi. Quan niệm “chỉ cần biết đọc biết viết” đã chìm sâu vào dĩ vãng, nhường chỗ cho những ước mơ mới mẻ lớn lao. Số lượng các em thi đỗ và đi học Đại học ngày càng đông. So với những điển hình tiên tiến hay những vùng đất học thì quê tôi hãy còn cách xa nhiều lắm. Nhưng điều đáng nói là nơi đây từ chỗ không mà thành có. Rồi từ chỗ có, dần dần tích cóp để mong có được nhiều hơn. Từ lúc nào cái biệt danh “Phổ Trời” đã không còn nghe ai nhắc đến nữa. Với các em nhỏ bây giờ, một lần tôi thử hỏi: “Các em có biết xã Phổ Trời là xã nào không ?”. Các em ngơ ngác rồi tỏ vẻ mong đợi, tưỏng chừng như sắp được nghe tôi kể về một huyền thoại.

Vũ Ngọc Liêm ghi chú: Khi bài này được đăng lên trang web sahuynh.net thì Sa Huỳnh đã chia ra làm hai xã là Phổ Thạnh và Phổ Châu. Riêng xã Phố Thạnh đã có 1 trường mẫu giáo, 3 trường tiểu học tầng hóa khang trang, trong đó có một trường chuẩn quốc gia và một trường THCS đạt chuẩn quốc gia.

Vũ Ngọc Liêm

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046