Những mùa xuân xa xăm

Tuổi thơ của mình nằm trong khoảng thập niên 60 thế kỷ trước. Với một đứa trẻ bảy, tám tuổi, tết là một cái gì đó rất thiêng liêng, hơn tất cả mọi điều thiêng liêng khác. Mỗi năm vẫn 365 ngày nhưng cứ chờ mỏi chờ mòn, không hiểu sao thấy tết đến lâu thiệt là lâu. Nghe người lớn nói chuyện sắm tết là nhảy cò cững, mừng hết lớn bởi vì tết có nghĩa là cả tháng con nít được thỏa sức chơi, không bị cha mẹ la rầy như ngày thường.

Nhớ thuở học lớp hai, lớp ba gì đó, mới 24 tháng chạp âm trường đã cho nghỉ. Đó là lúc làng xóm râm ran tiếng lụp bụp của những lò rang nổ, nghe dậy lên mùi đường, mùi bột nếp, mùi gừng, mùi trứng gà, mùi cá thịt thơm lừng…Và đó cũng là lúc trẻ con được dịp…lơ là việc học, chỉ tụm năm tụm ba bàn tán chuyện áo mới, chuyện bánh trái. Con My chu mỏ lên khoe nhà tao làm một trăm cái bánh mức, thằng cu Thiện nói thua nhà tao, nhà tao làm tới hai trăm cái bánh nổ, thằng Hòa tròn mắt nói nhà tao làm ba trăm bánh in, đến lượt mình “nổ”, tụi bay ăn thua gì, nhà tao làm bốn trăm cái bánh thuẫn…Những đứa khoe sau bao giờ cũng đấu hót lên, “phủ đầu” những đứa khoe trước. Rồi cãi nhau chí chóe, trợn mắt nói thằng này ba xạo, con kia ba lia, tìm cách vặn nhau, nói bánh nhiều sao không thấy phơi? Mày về lấy mấy cái tới đây tụi tao coi thử?

Mình thường hóng chuyện người lớn về tết nên “khôn” hơn con nít hàng xóm. Mình biết còn mấy ngày nữa tới tết, biết ông Táo về trời ngày 23 và về để làm gì, biết nhà nào cũng phải cúng tất niên, biết hoa mai nở vào lúc giao thừa sẽ phát tài phát lộc…

Ngày nào lũ bạn cũng “yêu cầu” mình nói chuyện tết. Nói hết chuyện rồi thì về, đi loanh quanh chỗ người lớn bàn chuyện tết hoặc thầm thì hỏi mẹ, hỏi chị cái này cái kia rồi lại chạy ra đường, gặp tụi bạn để kể tiếp. Mình nói đứa nào bị cảm phải chữa cho bớt trước giao thừa. Sau giao thừa mà uống thuốc thì cả năm mới sẽ bị cảm hoài không dứt. Đúng giao thừa phải viết cho được một hàng chữ đẹp, kiếm bài toán nào dê dễ làm mấy phút là ra đáp số, năm đó sẽ học hành tấn tới. Không được mở tủ hay quét nhà đầu năm vì làm vậy tiền của sẽ ra hết. Để cái gì ở đâu phải nhớ, tránh lục tung đồ đạc tìm kiếm, dễ gây xào xáo trong nhà. Nhà đứa nào có tang thì không được đến nhà khác. Không được tự tiện vào nhà ai sáng sớm mùng một tết, vì nếu nhà họ gặp chuyện xui xẻo dễ bị đổ thừa… Mình nói với vẻ mặt thành khẩn nên dù vô lý mà đứa nào cũng tin răm rắp, có đứa hỏi đi hỏi lại cho nhớ.

Con nít tụi mình hồi đó quanh năm suốt tháng chỉ quần đùi, áo vải. Năm đó, đâu khoảng giữa tháng chạp, mình nổi ưng đòi mẹ mua cho cái quần sọt có hai túi và những cái quai xỏ dây nịt hẳn hoi. Mẹ làm thinh. Cận tết mẹ dắt mình ra chợ, đến sạp bán quần áo trẻ nhỏ, ướm cho mình mấy cái quần đùi. Mình khóc, đòi quần sọt. Mẹ thở dài rồi cũng mua. Mình còn quá nhỏ, không hiểu cái thở dài của mẹ. Mãi sau này, khi đã thấm thía nỗi cơm áo gạo tiền, nhớ lại tiếng thở dài ấy, nghe sống mũi cay cay.

Chiều ba mươi, mình được mẹ tắm gội bằng nước bồ kết ấm. Mẹ vừa kỳ cọ vừa mắng mỏ, nói thằng này ở dơ như quỷ sứ. Đó là cái tắm đã nhất trong năm mà sau này, hễ thấy bồ kết là “hương gây mùi nhớ”. Tắm xong, mẹ bảo lấy đồ mới mặc coi có vừa không. Đó là giây phút sướng tận mây xanh. Nhưng mẹ lại bắt cởi ra, sáng mùng một tết mới được mặc “chính thức”.

Nhóm con nít lối xóm lại tụ tập ra đường rồi đến nhà nhau coi tranh tết. Những bộ tranh mới tinh được dán trên vách đất, màu sắc sặc sỡ, vẽ bốn mùa hoa lá, thằng bé mũm mĩm, đầu trọc lóc cởi trên lưng con cá chép, rồi tranh lợn, tranh gà…đẹp mê hồn, khơi gợi biết bao nhiêu là tưởng tượng.
Bữa cơm cuối năm là những món trước đó được đặt lên bàn thờ để cúng tất niên. Có rất nhiều món ngon mà ngày thường mình có nằm mơ cũng không thấy. Vậy mà  mình ăn không nghe ý vị gì bởi trong lòng rộn lên giây phút mặc đồ mới, tung tăng chạy khắp làng.

Anh Hai mình năm nào cũng kiếm một nhành mai. Thường là khoảng 27 tết, anh đã chưng cành mai trước bàn thờ ông bà. Có nhành mai, mình ít ra đường, chạy chơi đâu một chút rồi cũng về luẩn quẩn quanh cành mai như sợ bỗng nhiên nó biến mất. Thích nhất là được anh Hai nhờ xỏ chỉ vào những tấm thiệp chúc xuân rồi treo rải rác lên cành mai. Nhành mai khá nhiều búp, búp nào búp nấy xanh non, tròn mẩy, đẹp mê hồn. Mẹ nhắc anh Hai chế nước nóng vào bình mai để giao thừa hoa nở…Mình được anh Hai cho thức cùng anh đón giao thừa, để được tự tay đốt pháo, được chứng kiến phút giây nụ mai đầu tiên xòe năm cánh vàng tươi. Nhưng mình không thức nổi. Mới 9 giờ tối đã mắt cụp mắt xòe rồi làm một giấc cho đến sáng. Anh Hai cười cười nói em thức giỏi, pháo nổ sát bên tai mà không thấy động cựa. Mình thấy xấu hổ và giận “bản thân” ghê gớm.

Khoái nhất là được mẹ và anh chị lì xì đúng giao thừa. Những đồng tiền mới thơm không thua gì…hoa vạn thọ. Mấy ngày tết, đang chơi đầu ngõ, thấy khách vào nhà mình là lập tức bỏ về, bẽn lẽn chào khách, rồi chạy qua chạy lại trước mặt khách, rồi rúc đầu vào nách mẹ giả đò hỏi chuyện này chuyện kia. Khách lì xì, mình mừng rơn, đợi mẹ gật đầu là “cầm” liền, lí nhí cảm ơn rồi lại biến ra ngõ. Tiền lì xì được bỏ vào túi ni lông, cột dây thun hàng chục bận. Tối ngày cứ xổ ra đếm, rồi gói lại ,cột dây thun cẩn thận. Lát sau lại xổ ra đếm. Cứ thế suốt ngày không biết bao nhiêu lần.

Bây giờ, không hiểu sao, tết đến nhanh quá, ngoảnh đi ngoảnh lại đã tết rồi. Hình như đó là cảm giác của những người thấy mình không còn trẻ nữa. Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi. Ngày nhỏ, thấy trong hoa mai là cả một chuỗi ngày thơ mộng. Bây giờ, nghe trong hoa mai xao xác những mờ xa.   

Trần Cao Duyên

Hội đồng hương Sa Huỳnh

Là một tổ chức xã hội tự nguyện của các tập thể và cá nhân là người Sa Huỳnh (bao gồm địa giới xã Phổ thạnh và xã Phổ Châu) đang sinh sống, học tập và làm việc xa quê hương.

Office: 156 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, Tp. Hồ Chí Minh

Mobile: 0989 183857

Email: thanhchi@sahuynh.net

Tài khoản nhận đóng góp

Tên tài khoản: Nguyễn Hữu Quang
Số tài khoản: 0461000456197
Ngân hàng: Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Sóng Thần.
SWIFT: BFTV VNVX 046