Tôi thường hỏi nội về những gì đã xảy ra tại quê hương trong thời kỳ khai sinh Sa Huỳnh và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà từ trước tới giờ tôi chưa thấy các bậc tiền bối nào kể hay chép lại. Câu hỏi lớn nhất tôi thường hỏi là: Ai, dòng họ nào đặt chân, khai hoang vùng đất Sa Huỳnh? Tôi rất mong có một ngày nào đó được nghe kể những câu chuyện thật từ thời xa xưa của Sa Huỳnh.
Người già nói, trước kia biển lấn sâu lên đến Động Đất Đỏ - Núi Đá Heo. Dần dần biển lùi lại và hình thành mảnh đất Sa Huỳnh như bây giờ. Ban đầu chỉ có vài nóc nhà, còn lại là rừng rú, cỏ cây. Người đi lâu dần làm nên các lối mòn và rồi hình thành các con đường làng bây giờ. Có câu chuyện kể lại rằng, trong thời kỳ khai sinh Sa Huỳnh, có một thầy tu sĩ người Trung Hoa sang, ông nhìn ra ngoài cửa biển Sa Huỳnh thấy hòn đá mang hình chữ Sỹ. Ông bói rằng đất này sẽ có nhiều bậc hiền tài, học cao biết rộng sẽ đỗ đạt làm quan lớn, sợ nước Việt sẽ vững mạnh nhờ những nhân tài này nên ông ta làm phép đốt hòn đá đầu làng, đang đốt thì đột nhiên nghe ngoài biển một tiếng nổ rất to, hòn đá hình chữ Sỹ biến thành hình chữ Thổ, từ đó làng có nhiều học cao nhưng lại không may mắn trong thi cử, nếu muốn được thăng quan tiến chức thì phải đi xa quê. Câu chuyện hơi thần thoại và không có sử sách ghi lại nên cũng nghĩ là hư cấu, chỉ có sự thật là giờ phần lớn người Sa Huỳnh phải xa quê để học tập và làm ăn, chỉ có những dịp lễ tết mới quay về nhà.
Còn hoa muống biển thì vẫn đẹp từ xưa cho đến giờ
Tôi còn nhớ những ngày tôi còn nhỏ làng mạc buổi tối im lặng đến nổi tôi có thể nghe được tiếng bước chân của cha tôi thình thịch to dần, to dần từ ngoài khơi đi về. Hồi đó rất sợ đòn roi và ánh mắt của cha, nên nhờ nghe được tiếng bước chân đó mà giả vờ ngoan ngõan trước khi ông về. Sa Huỳnh lúc đó trong con mắt tôi vẫn còn xưa cũ. Chưa có điện, chưa có TV, chỉ có một hai nhà khá giả là có một cái TV trắng đen nhỏ xíu như cuốn lịch, xài nguồn bằng bình ắc quy. Nhà nào cũng có một khoảng sân rộng, nhà này cách nhà kia khá xa. Âm thanh nghe chủ yếu là tiếng gió, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa và tiếng người í ới gọi nhau. Làng có nhiều cây tre lớn, cây dông, cây bàng cổ thụ, đó là nơi mà người trong làng hay bảo là nơi trú ngụ của ma quỷ nên buổi tối mỗi khi ai đi ngang qua những cây này phải nín thở, bấm làm dấu Quan Âm, ngón tay cái bấm vào ngón trỏ, còn không lấy đá quăng cho chó sủa để ma quỷ nó sợ, hoặc chịu không nổi thì cầm dép lên nhắm mắt nhắm mũi chạy bán sống bán chết một mạch về nhà không dám ngoái đầu lại.
Ngày xưa biển Sa Huỳnh cá rất nhiều. Ba đi biển về lúc nào trên tay cũng có sâu cá Thuẩn, cá Ngừ, tôm, cua ghẹ, thỉnh thoảng có cả tôm Hùm, cua Huỳnh Đế mà bây giờ đụng tới là bạc triệu bạc trăm ăn không nổi. Tôi còn nhớ có một con cá Ông rất lớn trôi dạt vào bãi biển, bộ xương của Ông vẫn còn đặt thờ trong Lăng Ông gần cửa biển Sa Huỳnh bây giờ. Chiều về, chim sáo trắng bay về đậu trên ngọn dừa, ngọn tre kêu inh ỏi cả làng. Tối rùa biển vào bờ đẻ trứng, đến ngày nở thì quay lại chờ những đứa con xuống nước để dắt về nơi ở của mình. Người dân thường hay bắt được, có con gần cả tạ, bốn năm người khiêng về.
Bây giờ Sa Huỳnh thay đổi nhiều, đất chật người đông. Người dân đầy đủ tiện nghi, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, xe máy chạy đầy đường. Dân Sa Huỳnh ngày càng có điều kiện và do vậy ý thức về việc học hành được nâng cao hơn, nhiều người học cao hơn, rồi biển cả, rừng núi không còn trù phú như xưa nữa. Ấy vậy nên người đi học và người đi làm lại phải xa quê. Mỗi lần nghĩ về điều đó tôi lại nhớ đến câu chuyện ông tu sĩ người Trung Hoa.
Làng Sa Huỳnh tuy nhỏ nhưng có biết bao nhiêu điều để kể, biết bao nhiêu chuyện để mà nói. Tuổi thơ ai cũng trải qua các kỷ niệm xung quanh rừng núi, biển cả. Ai cũng muốn níu kéo kỷ niệm, ai cũng muốn giữ lại những kỷ niệm. Tuy nhiên để có được cái mới thì không thể cứ giữ nguyên vẹn cái cũ, nói vậy cũng không phải là phá bỏ hoàn toàn mà hãy cố gắng giữ làm sao để con cháu chúng ta ngày sau còn nhận ra được cái đẹp của phong cảnh, cái đẹp của tình người như những ngày trước.
Thái Lý Duy